Friday, September 26, 2008

Website và thương hiệu trực tuyến

Trực tuyến là việc Doanh nghiệp nên làm nhưng làm sao để có thương hiệu lại hoàn toàn khác. Các Doanh nghiệp bán lẻ đều cần có sự hiện diện trực tuyến; một website tốt tự nó phản ánh các giá trị và thương hiệu.

Tuy nhiên đó mới chỉ là sự khởi đầu, với Doanh nghiệp muốn thành công trực tuyến thì phải nắm lấy sự tuỳ biến, các cộng đồng và hợp lực sáng tạo; người tiêu dùng cần sự tiện lợi, tin cậy và cá nhân hoá.

Internet giờ đây không còn là kho chứa các thông tin tĩnh và sử dụng để tìm kiếm nữa, nó trở thành công cụ cho truyền thông và giao dịch; cuộc cách mạng web 2.0 đã cung cấp cho Doanh nghiệp những công nghệ và ý tưởng mới cho phép mọi người cùng tham gia với thông tin trên mạng Internet và khiến chúng trở nên động và phù hợp hơn.

Doanh nghiệp cần phải làm rất nhiều để phát triển sự hiện diện và thương hiệu trực tuyến, thành quả là giúp khách hàng thỏa mãn hơn.

Chúng ta điều biết người tiêu dùng cao cấp muốn sự tiện lợi và cá nhân hoá, vấn đề của Doanh nghiệp là làm sao thoả mãn trải nghiệm cao cấp của họ.

Giải pháp là tạo ra những site lý tưởng, những site mở rộng thương hiệu để tạo sự khác biệt. Trong một số trường hợp, sự cao cấp tự nó đã làm công việc này mặc dù đó chỉ là hiện tượng nhất thời.

Ý nghĩa của Website vượt ra ngoài giới hạn một cuốn catalogue – web site không chỉ là một kênh bán hàng cho cả khách hàng hiện tại và tiềm năng - đặc biệt trong những thị trường mà khách hàng không hiện diện dưới hình thức vật lý, bị chia cắt bởi khoảng cách thời gian và không gian; mà còn giảm chi phí và tăng hiệu quả của truyền thông tới người tiêu dùng.

Website truyền tải thông điệp của thương hiệu 24/7 tới phân khúc khách hàng và cho phép người tiêu dùng điều khiển cách để họ tương tác với chúng; cho phép site tương tác dựa trên các điều kiện của riêng site với các mức độ tiếp cận khác nhau để thoả mãn nhu cầu của người tiêu dùng.

1. Một số tiêu chuẩn để đánh giá một web site thành công

* Bố cục có tính thẩm mỹ, nội dung có giá trị thông tin cao, cuốn hút và làm giảm nỗ lực đọc;

* Đơn giản, định hướng thị giác;

* Nội dung phong phú mỗi khi người sử dụng lựa chọn xem sâu một sản phẩm cụ thể;

* Tích hợp hài hoà với trải nghiệm ngoại tuyến ;

Doanh nghiệp có thể có đội ngũ kỹ thuật tốt có khả năng thẩm mỹ và biên tập nội dung cuốn hút, tuy nhiên như vậy vẫn chưa đủ để xây dựng thương hiệu trực tuyến. Doanh nghiệp cần đi xa hơn, đi vào thế giới của web 2.0 với những cơ hội để cá nhân hoá site và xây dựng site dựa trên trong các thành tố của chia sẻ hoặc truyền thông xung quanh nội dung.

2. Thanh định hướng

* Thanh định hướng đánh dấu các mục trong một Hồ sơ năng lực, Hồ sơ công ty đại chúng.

* Cấu trúc site đơn giản, rõ ràng, khoảng cách giữa các click chuột ngắn nhất có thể, có thanh định hướng breadcrumb để người sử dụng dễ dàng định hướng lại

* Mô phỏng cách phân loại sản phẩm và dịch vụ của người tiêu dùng, may đo các menu để giảm thiểu sự mập mờ và tăng tối đa tốc độ tiếp cận nội dung mong muốn.

* Đầu tư phát triển các thẻ metadata của sản phẩm và tính năng tìm kiếm, đưa thêm bộ lọc đặc tính sản phẩm và tìm kiếm dựa trên quyết định

3. Nội dung phong phú

* Chìa khoá dẫn đến nội dung phong phú là điều khiển của người sử dụng - cho phép người sử dụng khám phá sản phẩm qua video trực tuyến, tính năng phóng to, thu nhỏ và xoay hoặc các công cụ thiết kế cho phép người sử dụng trải nghiệm sản phẩm trực tuyến phong phú như trải nghiệm ngoại tuyến

* Thêm nội dung xung quanh các sản phẩm như vodcast và podcast, việc tạo trải nghiệm phong phú sẽ cuốn hút cả những khách hàng khó tính nhất.

* Trải nghiệm phong phú này sẽ có giá trị nếu Doanh nghiệp liên kết tới sản phẩm được bán. Web site phải đảm bảo người sử dụng nhấn tới trang mua hàng từ mục tương tác với sản phẩm

4. Tích hợp những trải nghiệm ngoại tuyến và trực tuyến

* Việc triển khai hai kênh chỉ thành công nếu Doanh nghiệp biết phối hợp sức mạnh của mỗi kênh và đưa vào chiến dịch những gì Doanh nghiệp học hỏi được từ từng khách hàng riêng biệt trên mỗi kênh

* Tổ chức hợp lý các sự kiện và truyền thông trực tuyến và ngoại tuyến

* Cho phép khách hàng sử dụng bất cứ kênh nào phù hợp với họ chẳng hạn mua sắm trực tuyến hoặc lấy hàng hoá tại cửa hàng.

* Nghiên cứu cho thấy, nếu những trải nghiệm mua hàng trực tuyến của người sử dụng không được coi trọng, 82% hầu như không quay lại site, 55% không còn đánh giá cao nhà bán lẻ và 28% không tới cửa hàng của người bán lẻ. Trải nghiệm trực tuyến không thể đứng riêng rẽ.

5. Cá nhân hoá

* Khi khách hàng đăng ký trên site của Doanh nghiệp, hệ thống hỏi họ thích điều gì, làm thế nào để liên hệ với họ hoặc họ có muốn cập nhật thông tin từ site để từ đó tuỳ biến cho phù hợp chương trình marketing

* Giữ dữ liệu thông tin cá nhân luôn chính xác bằng việc theo dõi khách hàng phản hồi ra sao, làm thế nào để họ sử dụng site cũng như tích hợp thông tin trực tuyến với cơ sở dữ liệu Quản trị quan hệ khách hàng ngoại tuyến.

* Cho phép khách hàng tuỳ biến dựa trên trải nghịêm của họ - tự họ thiết kế trang sử dụng hoặc tạo ra danh mục mong muốn - để tạo cảm giác cao cấp một cách chân thực dựa trên sự cá nhân hoá. Một trong những giải pháp là sử dụng RSS để cho phép khách hàng tạo liên kết tại những trang cụ thể trong site của bạn và người sử dụng có thể kéo nội dung tới bất kỳ trang chủ nào mà họ muốn.

Khách hàng là những người ủng hộ thương hiệu chính, nếu Doanh nghiệp làm site trở nên dễ dàng trong việc chia sẻ những phấn khích của họ về thương hiệu và sản phẩm tới bạn bè; cho phép họ chuyển tiếp một trang sản phẩm tới bạn bè hoặc gửi lời mời khuyến khích một người bạn đăng ký trên site thì thương hiệu của Doanh nghiệp sẽ có sức mạnh lan toả hơn.

Ứng dụng việc cá nhân hoá vào web mới chỉ có một nửa của sự thành công, Doanh nghiệp cần đưa thế giới đến gần Thương hiệu trên site bằng việc lái người sử dụng tới site và tạo một hiệu ứng lan toả qua các nỗ lực PR, tài trợ, sự kiện.

Nếu Doanh nghiệp gửi email tới một khách hàng mời họ tới lễ khai trương, Doanh nghiệp nên cho phép họ chia sẻ điều này với những người bạn thân của họ bằng việc chuyển tiếp lá thư. Chỉ một động tác nhỏ có thể tạo ra sự thay đổi lớn.

Kinhdoanh

Toyota: Thương hiệu có giá trị nhất

Giá trị thương hiệu không mang tính bất biến, nó không thể đo được một cách chính xác và bị ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố dễ thay đổi.

Tuy nhiên, nếu khách hàng sẵn sàng trả giá cao hơn cho một thương hiệu so với thương hiệu khác thì giá trị của thương hiệu đó trở thành thước đo cho giá trị tổng thể của một công ty.

Ít ngành nào có tầm ảnh hướng lớn như ngành công nghiệp ôtô, nơi sự thừa nhận của khách hàng về một thương hiệu có thể coi là nhân tố chính dẫn tới quyết định mua xe của họ.

Một trong những thước đo tốt nhất để so sánh giá trị thương hiệu của các công ty là thông qua kết quả khảo sát “Thương hiệu toàn cầu tốt nhất” do hãng tư vấn Interbrand phối hợp với BusinessWeek tiến hành.

Trong ngành ôtô, Toyota thống trị với vị trí thứ 6 bảng xếp hạng tổng thể và giá trị thương hiệu 34 tỷ USD. Theo sát Toyota là Mercedes-Benz, xếp thứ 11 trong danh sách và giá trị thương hiệu 25,6 tỷ USD. BMW xếp thứ 3 với giá trị thương hiệu 23,3 tỷ USD.

Để được chọn vào khảo sát, mỗi thương hiệu phải kiếm được ít nhất 1/3 lợi nhuận từ nguồn xuất khẩu, được biết đến nhờ nền tảng gắn bó với khách hàng và có chiến lược marketing cộng đồng cũng như các dữ liệu tài chính.

Các nhà nghiên cứu đánh giá thương hiệu theo cách mà tài sản của một công ty được định giá dựa trên nền tảng nó có thể mang về cho công ty bao nhiều tiền trong tương lai. Họ sử dụng phương pháp kết hợp dự đoán của các nhà phân tích, các tài liệu tài chính của công ty và những phân tích về số lượng cũng như chất lượng để từ đó ước tính giá trị cuối cùng của thương hiệu.

Dưới đây là top 10 thương hiệu ô tô được xếp hạng từ trên xuống và giá trị của chúng:

1) Toyota - $34 tỷ
2) Mercedes-Benz - $25.6 tỷ
3) BMW - $23.3 tỷ
4) Honda - $19.1 tỷ
5) Ford - $7.9 tỷ
6) Volkswagen - $7 tỷ
7) Audi - $5.4 tỷ
8) Hyundai - $4.8 tỷ
9) Porsche - $4.6 tỷ
10) Lexus - $3.6 tỷ

Autonet

Chiến lược giá cả hoàn hảo có phải Ánh sáng cuối đường hầm

Làm thế nào để vừa duy trì lợi nhuận lại vừa giữ được khách hàng? Trong thời buổi hiện nay, liệu việc xây dựng nền tảng khách hàng có phải là điều bất khả thi? Đó là những câu hỏi luôn luôn ám ảnh lãnh đạo các doanh nghiệp...".

Trong thời buổi nền kinh tế lâm vào tình trạng lạm phát và suy thoái, vấn đề chiến lược giá cả luôn là một nỗi ám ảnh với các công ty.

Hai bậc thầy trong lĩnh vực marketing William J. McEwen (Viện Gallup) và John T.Guorville (Ph.D.) - GS marketing trường Kinh doanh Harvard đã bật mí những bí quyết giúp doanh nghiệp duy trì lợi nhuận mà vẫn giữ chân khách hàng.

Chiến lược giá cả: phương trình khó giải

Chiến lược giá cả của hầu hết các công ty đều chủ yếu dựa trên bốn yếu tố sau: tình hình cạnh tranh, xu hướng thị trường, chi phí và một số ước tính về những giá trị mà khách hàng sẽ nhận được.

Trong điều kiện thuận lợi, chiến lược giá cả của các công ty chủ yếu mang màu sắc nghệ thuật. Tuy nhiên, thật tiếc là không phải lúc nào mọi việc cũng thuận buồm xuôi gió.

Tính từ tháng Năm, chỉ số giá cả các mặt hàng tiêu dùng thành phẩm của Mỹ (The U.S. Producer Price Index for Finished Goods) mỗi tháng tăng thêm trên dưới 1 điểm.

Tháng 7/2008, với sự tăng mạnh về giá nhiên liệu và vận tải, chỉ số giá tiêu dùng cũng tăng hơn 5,6% so với năm ngoái. Vì thế, việc người tiêu dùng đang dần hạn chế chi tiêu cũng là điều dễ hiểu.

Tháng 8/2008, Viện Gallup Poll đã công bố kết quả thăm dò dư luận, trong đó kết luận rằng hầu hết người Mỹ đều cho rằng hiện nay, vấn đề kinh tế là vấn đề rắc rối lớn nhất đối với đất nước này.

Trước tình hình đó, việc xây dựng chiến lược giá cả của các công ty ngày càng gặp nhiều khó khăn. Ngay cả trong điều kiện nền kinh tế tăng trưởng, bạn còn không thể đảm bảo rằng chiến lược giá cả của mình đang đem lại nhiều hiệu quả, thì với tình hình hiện nay, khi người tiêu dùng càng tỏ ra dè dặt hơn trong các quyết định chi tiêu, việc xây dựng chiến lược giá cả lại càng trở nên khó khăn hơn.

Làm thế nào để vừa duy trì lợi nhuận lại vừa giữ được khách hàng? Trong thời buổi hiện nay, liệu việc xây dựng nền tảng khách hàng có phải là điều bất khả thi? Đó là những câu hỏi luôn luôn ám ảnh lãnh đạo các doanh nghiệp. Có thể khẳng định rằng để xây dựng một công thức định giá ổn định trong thời buổi kinh tế biến động như hiện nay là một điều rất khó khăn, nhưng không có nghĩa là không thể. Giờ đây, hơn bao giờ hết, các công ty cần phải tìm hiểu sâu hơn về tâm lý khách hàng.

Không phải tất cả các sự lựa chọn đều đúng đắn

William J. McEwen, người đứng đầu trong việc nghiên cứu thực tiễn quản lý hiệu quả của thương hiệu tại Viện Gallup và là tác giả của cuốn Married to the Brand (Khoác áo thương hiệu) cho biết:

“Tất cả các công ty đều có những hệ thống giá cả khác nhau, và nếu công ty bạn chọn chiến lược không tăng giá, có vẻ như bạn đang giành được lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, xét theo những khía cạnh khác thì chiến lược giá cả đó có thể lại chính là nhân tố làm giảm khả năng cạnh tranh của công ty bạn”.

Khi cân nhắc khả năng cạnh tranh của mình, các công ty phải lựa chọn giữa việc từ bỏ lợi nhuận hay từ bỏ khách hàng. Thực ra, vấn đề không phải đến mức quá nan giải nếu tiềm lực tài chính của công ty đủ mạnh để chấp nhận thua lỗ chút ít trong một thời gian ngắn, thì điều đó hoàn toàn có thể tạo cơ sở để công ty tiến những bước dài.

Dù vậy, giảm giá chỉ là một biện pháp tạm thời, trong khi đó, nền kinh tế đang trong tình trạng lạm phát và suy thoái mới chính là vấn đề tồn tại lâu dài. Một số công ty đang tìm kiếm những giải pháp khôn ngoan hơn. Khả năng đầu tiên người ta có thể nghĩ đến là cắt giảm chi phí sản xuất bằng cách cắt giảm chi phí nguyên liệu và quản lý nhân sự. Khả năng thứ hai là thu nhỏ quy mô sản phẩm thay vì giảm giá. John T.Guorville (Ph.D.), Giáo sư bộ môn Marketing trường Kinh doanh Harvard nhận xét:

“Nhiều nhà sản xuất có xu hướng lựa chọn một trong hai biện pháp trên, vì người tiêu dùng thường có tâm lý chấp nhận mua ít hàng hơn với cùng một số tiền, thay vì phải bỏ ra nhiều tiền hơn để mua cùng một số lượng hàng như trước đây”.

Thậm chí, dù các công ty có công khai những biện pháp này ví dụ như nhà sản xuất sẽ phải ghi trọng lượng tịnh của hộp kem lên trên bao bì, và khách hàng sẽ phát hiện ra sự thật là với cùng một số tiền nhưng họ lại chỉ mua được ít hơn điều này có thể khiến khách hàng nổi giận. McEwen cho biết: “Khi nghiên cứu, đánh giá quan hệ khách hàng theo chương trình của Gallup, chúng tôi nhận thấy khách hàng đòi hỏi được “đối xử công bằng”, và tôi nhận thấy “công bằng” ở đây có nghĩa là “hợp lý”.

Đối với một công ty, thì việc giảm một chút về số lượng sản phẩm cũng khá là hợp lý, khách hàng sẽ không quan tâm và cũng không để ý đến sự khác biệt đó. Tuy nhiên, sẽ có những khách hàng cảm thấy một chút gì đó bị lừa gạt. Như McEwen nhận xét, những khách hàng này sẽ cảm thấy bị đối xử không công bằng và rất dễ chuyển sang dùng sản phẩm của những đối thủ cạnh tranh với công ty bạn.

Tất cả là vấn đề thời điểm

Nếu công ty bạn không thể cắt giảm chi phí sản xuất, cũng không thể giảm quy mô sản phẩm mà vẫn cần phải duy trì lợi nhuận, thì biện pháp duy nhất là tăng giá. Tuy nhiên, bạn không nên quá lo lắng vì vẫn còn có những biện pháp giúp bạn tăng giá mà không làm mất lòng khách hàng. Gourville cho biết: “Lợi nhuận bạn thu về là rất quan trọng, nhưng cách để bạn thu lợi nhuận cũng quan trọng không kém”.

Các kế hoạch trả chậm, ví dụ như thanh toán từng phần hay tín dụng có thể khiến khách hàng cảm thấy hài lòng hơn. Gourville cho biết: “Hãy thử tưởng tượng một vụ giao dịch nào cũng bao gồm hai thành phần: thanh toán và nhận hàng. Bạn càng đẩy xa thành phần thứ nhất bao nhiêu thì giao dịch của bạn lại càng hấp dẫn bấy nhiêu”. Các vấn đề tài chính của ngành sản xuất ô tô chủ yếu được giải quyết dựa trên nguyên tắc này.

Tuy nhiên, biện pháp này không phải lúc nào cũng hiệu quả. Ví dụ, theo nghiên cứu của Gourville thì khách hàng có những phản ứng khác nhau đối với giá cả phụ thuộc vào thời điểm mua hàng. Nghiên cứu của Gourville cho thấy, hầu hết người tiêu dùng thường nghĩ rằng: “Chúng tôi không thích suốt ngày phải trả tiền cho một món đồ đã mua trước đó.

Đó là lý do vì sao thuê một chiếc xe lại là một lựa chọn hấp dẫn hơn đối với số đông người tiêu dùng”. Tuy nhiên, đối với những gói sản phẩm hay dịch vụ giá trị lớn (ví dụ như một kỳ nghỉ đắt tiền) thì việc thanh toán sau có lẽ ít hấp dẫn hơn.

Người tiêu dùng cũng hiếm khi cảm thấy số tiền mình bỏ ra cho một sản phẩm hay dịch vụ là thỏa đáng khi mà ký ức về tiện ích mà sản phẩm hay dịch vụ đó mang lại đã phai mờ. Đó chính là lý do vì sao thành viên các câu lạc bộ thể dục khi đóng tiền phí theo tháng sẽ tham gia luyện tập đều đặn hơn khi đóng tiền phí theo năm.

Lúc này, những gì họ đã “gieo” cụ thể hơn và họ nóng lòng muốn “gặt hái” hơn. Nếu chi phí hàng tháng có vẻ nhỏ hơn so với chi phí tính theo năm, và chi phí người tiêu dùng phải bỏ ra có vẻ phù hợp hơn với những gì họ thu được, thì người tiêu dùng sẵn lòng tiếp tục sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ đó. Đây là một khái niệm quan trọng cần được ghi nhớ khi xây dựng chiến lược giá cả.

Thấu hiểu được cảm giác của người tiêu dùng khi mua hàng có thể là một công cụ hữu hiệu trong việc giúp bạn tiến xa hơn trên cuộc hành trình giữ chân khách hàng. Bạn phải đảm bảo chiến lược của mình mang tính lâu dài. Khi bạn tìm kiếm biện pháp bán hàng trong thời buổi khó khăn, có nghĩa là bạn phải luôn luôn tìm tòi những phương thức sáng tạo khuyến khích người tiêu dùng sử dụng sản phẩm/ dịch vụ của mình”.

“Đồng thời, nếu người mua không thể thanh toán được những sản phẩm và dịch vụ mà họ đã sử dụng thì điều này sẽ không mang lại lợi ích cho ai. Nếu bạn là một doanh nghiệp mẫu mực, hẳn bạn sẽ mong muốn những sản phẩm của mình hoàn toàn nằm trong khả năng thanh toán của khách hàng”. Trong thời buổi này, các doanh nghiệp càng phải cố gắng thu hút càng nhiều khách hàng thân thiết càng tốt. Theo nghiên cứu của Gallup, khách hàng thân thiết thường tỏ ra trung thành và dễ dàng quay lại ủng hộ, sử dụng sản phẩm, dịch vụ của công ty với số lượng lớn.

Trung thực là trên hết

Rất nhiều lần, các công ty cần phải tăng giá đối với những sản phẩm không thể áp dụng các kế hoạch thanh toán. Điều này nếu được thực hiện một cách khéo léo thì có thể tránh được tình trạng “chọc giận” thị trường. “Tôi cho rằng rất nhiều công ty lo sợ để lộ những bí mật hoạt động của mình cho đối thủ.

Tất nhiên, việc định giá sản phẩm cũng trở thành một vấn đề của nội bộ công ty và khách hàng thì không có cơ hội nào để tiếp cận được điều đó”. “Cách mà bạn giải thích biện pháp định giá của công ty mình có thể cho thấy sự khác biệt nhưng nhất định bạn phải giải thích một cách thỏa đáng”.


Đầu tiên, bạn phải từ bỏ việc đánh giá thấp trí thông minh của khách hàng. McEwen nhận xét: “Có rất nhiều công ty đã bỏ lỡ những cách khôn khéo để giải thích hành động tăng giá của mình, vì nghĩ rằng công khai việc tăng giá với khách hàng là điều không thể. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta đều hiểu một thực tế là giá cả mọi thứ đều đang lên”.

Cả McEwen và Gourville đều chỉ ra rằng ngành hàng không chính là một ví dụ điển hình cho những thất bại về cách thức tăng giá. McEwen gọi mức phí gửi hành lý mới là một “ý tưởng rẻ tiền”, và Gourville thì gọi đó là một trò lố bịch, vì khách hàng không cảm thấy hài lòng khi thấy chi phí đó chẳng liên quan gì đến chi phí vận hành máy bay và họ cho rằng đó là một cách chơi không đẹp.

Ngược lại, việc tuyên bố tăng giá do giá nhiên liệu tăng lại có vẻ ít màu sắc lừa gạt hơn vì tất cả các khách hàng đều hiểu chi phí nhiên liệu đang tăng và điều này tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến chi phí vận hành. “Đó là một hình thức tăng giá có lý do và chúng tôi hoàn toàn có thể chấp nhận được lý do đó”. Các mức phí được áp dụng một cách hợp lý có khả năng thuyết phục khách hàng tốt hơn.

Ngược lại hoàn toàn với trường hợp kể trên, công ty Procter & Gamble (P&G) đã tỏ ra khôn ngoan hơn. Gần đây, mặc dù có rất nhiều đối thủ cạnh tranh nhưng công ty này đã tuyên bố tăng giá 16% và giải thích rằng: “Chúng tôi không hề tăng giá để đề phòng trường hợp chi phí tăng mà chúng tôi tăng giá vì chi phí thực sự đã tăng (…) Tôi nghĩ mọi người sẽ sẵn lòng chấp nhận lý do này”. “Dù việc tăng phí gửi đồ không làm tăng giá vé hàng không lên nhiều bằng việc P&G tăng giá các sản phẩm của mình, nhưng P&G lại khiến ít khách hàng phẫn nộ hơn.

Người tiêu dùng nhận thức và hiểu tại sao giá kem cạo râu lại đắt hơn và họ không thể buộc tội P&G che đậy việc tăng giá đó. Rõ ràng đó là vì chi phí tăng - rất trung thực và minh bạch”. “Minh bạch có vẻ là một đề tài rất đáng chú ý đối với các công ty và rõ ràng là rất hấp dẫn đối với người tiêu dùng (…) Minh bạch liên quan đến việc đối thoại thẳng thắn và chân thành, là một yếu tố quyết định trong những mối tương quan giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng”.

“Và điều này ngày càng trở nên quan trọng trong thời buổi mà người tiêu dùng ngày càng hoài nghi về những lời hứa ngon ngọt mà không bao giờ được thực hiện và hoài nghi về những kế hoạch của các công ty đằng sau những sản phẩm và dịch vụ của họ”. Các công ty càng tỏ ra thiếu minh bạch bao nhiêu thì khách hàng lại càng tỏ ra thiếu trung thành bấy nhiêu.

Clinton Korver, người sáng lập kiêm Tổng Giám đốc công ty DecisionStreet, cho biết: “Khi nền kinh tế hay công ty bạn chao đảo, điều cần làm không phải là vi phạm các nguyên tắc đạo đức mà ngược lại, phải tuân theo các nguyên tắc đó. Trong thời buổi khó khăn, sự thành thật và minh bạch luôn luôn là một chiến lược sáng suốt”.

Khách hàng thân thiết

Mối quan hệ lâu dài là mối quan hệ tương hỗ giữa các bên. Và mối tương quan này có một vai trò rất quan trọng trong việc duy trì mối liên hệ với khách hàng một giá trị không thể thiếu của các thương hiệu và doanh nghiệp. Nghiên cứu của Gallup cho thấy mối liên hệ với khách hàng dựa trên 4 nhu cầu tâm lý cơ bản sau: sự tự tin của một công ty/ thương hiệu; niềm tin về sự ngay thẳng của công ty; niềm tự hào khi gắn kết với công ty/thương hiệu; và sự say mê đối với thương hiệu.

Theo Gourville, trong thời buổi khó khăn, lòng trung thành với thương hiệu suy giảm, khách hàng thì tỏ ra nhạy cảm hơn với vấn đề giá cả. Tuy nhiên, các công ty vẫn có thể giữ chân những khách hàng thân thiết của mình bằng cách duy trì mối quan hệ tương hỗ với khách hàng và tiếp tục phát triển 4 nhu cầu tâm lý kể trên.

Các doanh nghiệp phải duy trì mối quan hệ với khách hàng, dựa trên những tiêu chí giá cả như sau: Không phản bội những cam kết thương hiệu hay cố gắng lừa gạt khách hàng; hãy tăng giá nếu không còn lựa chọn nào khác, hoặc phải chấp nhận giảm giá nếu thấy nó không phù hợp với tình hình thị trường (giống như trường hợp của hãng hàng không Southwest Airline).

Và nếu công ty bạn không thể hiểu được mức độ thỏa hiệp của khách hàng là gì, hãy thẳng thắn đặt câu hỏi. “Các công ty cần thuyết phục khách hàng rằng họ đang lắng nghe khách hàng và đang cố gắng đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Để làm được điều này, công ty có thể cung cấp cho khách hàng rất nhiều lựa chọn, ví dụ như một danh sách liệt kê những điều khách hàng mong muốn ở công ty”. “Nếu công ty có thể thuyết phục khách hàng rằng họ đang lắng nghe khách hàng và cam kết cùng khách hàng vượt qua thời buổi kinh tế khó khăn, thì chắc chắn sẽ có cơ hội để thiết lập mối quan hệ bền vững với khách hàng”.

Trong thời buổi này, các doanh nghiệp càng phải cố gắng thu hút càng nhiều khách hàng thân thiết càng tốt. Theo nghiên cứu của Gallup, khách hàng thân thiết thường tỏ ra trung thành và dễ dàng quay lại ủng hộ, sử dụng sản phẩm, dịch vụ của công ty với số lượng lớn. Tại một công ty cho phép khách hàng sử dụng thẻ tín dụng, khách hàng thân thiết của họ sử dụng thẻ thường xuyên nhiều hơn 45% và chi tiêu nhiều hơn 78% so với khách hàng thông thường.

Tại một cửa hàng bán đồ xa xỉ, khách hàng thân thiết chi tiêu nhiều hơn 44% so với khách hàng thông thường. Trong trường hợp phổ biến, khách hàng thân thiết đem lại khoảng 23% doanh thu, và khách hàng thông thường chỉ chi trả khoảng 13% cho những hãng mà họ sử dụng sản phẩm hay dịch vụ.

Một mức giá hợp lý

Cuối cùng, nền kinh tế sẽ tự hồi phục sau thời buổi khó khăn, và người tiêu dùng sẽ thôi đề phòng với mỗi lần thay đổi giá cả của các công ty. Những công ty còn trụ vững cho đến ngày đó chính là những công ty biết chọn những chiến lược sáng suốt cho mình ngay từ bây giờ. Một chiến lược giá cả khôn ngoan cũng chính là một phần quan trọng trong việc bảo toàn sự sống còn của một công ty.

Như Gourville đã nói: “Vấn đề nằm ở chỗ làm thế nào để đảm bảo rằng sản phẩm của bạn vẫn luôn là sự lựa chọn của khách hàng?” Câu trả lời là: Một mức giá chính xác và hợp lý. Mức giá hợp lý là cách tốt nhất khiến khách hàng cảm thấy được tôn trọng, đồng thời vẫn đảm bảo được lợi ích của công ty và là cầu nối duy trì mối quan hệ giữa doanh nghiệp và khách hàng.

Vietnamnet

Xu hướng Havaianas

Một vài sản phẩm đã trở lên quá quen thuộc và phổ biến, chính vì thế người tiêu dùng thường quên mất nguồn gốc gắn liền với nó.

Hiện tượng này đặc biệt thú vị trong nghành thời trang, ví dụ: Quần jean một sản phẩm đã tạo ra cuộc cách mạng trong phong cách của giới trẻ, nhưng rất ít người mua quần jean quan tâm hay biết rằng người đầu tiên tạo ra loại quần này là Levi’s. Trong khi đó Levi’s vẫn còn đang sản xuất quần jean và các đối thủ khác cũng vậy.

Câu chuyện của thương hiệu Havaianas và cả những đôi dép của họ đều rất thú vị. Havaianas luôn khao khát tạo ra sự khác biệt cho thương hiệu và gạt bỏ những nhận thức tức thời của khách hàng về thương hiệu. Bởi vì dép quai luôn bị coi là rẻ tiền và chất lượng kém. Nhưng thời gian đã thay đổi tất cả.

Thậm chí ngay cả Havaianas cũng không thể tiên đoán được rằng hình ảnh những đôi dép quai lại thay đổi nhiều đến như thế chỉ sau vài năm. Bằng cách nào đó, đôi dép đã trở thành một xu hướng thời thời trang hàng đầu trong thời gian qua.

Đôi dép quai này thu hút được sự chú ý của rất mọi người nhờ luôn là trung tâm của các chiến dịch quảng cáo. Thí dụ, năm 2005 công ty Old Navy đã tổ chức ăn mừng sự kiện Daylight Savings là “ngày chính thức đầu tiên của dép quai”. Đồng thời, Old Navy đã phát động cuộc thi “Top Flip Flop Model”, một cuộc thi tìm kiếm “đôi chân đẹp nhất nước Mỹ”. Giải thưởng lớn nhất là 365 đôi dép quai.

Tháng 4/2008, Hãng hàng không Air New Zealand bắt đầu chiến dịch “Flip My Flop” từ Los Angeles cho tới phi trường Heathrow tại London để quảng bá cho các dịch vụ của hãng. Ông Roger Poulton, phó chủ tịch của Air New Zealand cho biết “Chúng tôi đang sử dụng hình ảnh đôi dép quai như là một biểu tượng của chất lượng cao, gần gũi với người dân Los Angeles, nhưng cũng đủ khác lạ để thu hút người dân London.

Thêm vào đó, chúng tôi muốn biến đổi hình ảnh đôi dép quai trở thành hình ảnh đầy cá tính mà chỉ duy nhất Air New Zealand có thể làm được”. Chiến dịch này bao gồm các đôi dép quai đặc biệt được thiết kế bởi các nhân vật nổi tiếng và các nhà thiết kế, cùng với một đoạn quảng cáo, trong đó có hình ảnh một người bảo vệ mạng dép quai thay cho giầy ống.

Đôi dép quài này đã tự quyết định số phận của chính nó và trở thành một siêu thương hiệu được biết đến rộng rãi. Khách hàng mua dép có thể thấy mọi thứ trên các đôi dép của họ, từ logo công ty hay tên các trường đại học, đến “Fit Flops”, một phiên bản mới hợp thời trang tại Anh, hay thương hiệu “PechPlatinum” với các đôi dép quai độc quyền được làm từ da cá sấu, với giá 400 $/đôi.

Thật đang ngạc nhiên, làm sao một thương hiệu có thể cạnh tranh được trong một lĩnh vực phức tạp đến vậy. Nhưng có một thương hiệu vẫn cố gắng đứng vững, đó chính là Havaianas.

Cái tên dép quai Havaianas (nghĩa là Hawaiians trong tiếng Bồ Đào Nha) được sản xuất bởi công ty Sao Paulo Alpargatas S. A, Braxin. Từ năm 1907, các đôi xăng đan đơn giản, với cái tên Alpargatas đã được sử dụng bởi những nông dân trồng cà phê tại Braxin.

Công ty này cho biết sản phẩm Havaianas được lấy cảm hứng từ đôi dép quai thêu - Zoris của người Nhật, nhưng dép quai chính xác là kiểu xăng đan có quai đã đã xuất hiện cách đây hàng ngàn năm.

Năm 1962, Alpargatas bắt đầu cho ra đời phiên bản của zoris với số lượng lớn bằng việc sử dụng “công thức cao su bí mật”. Công ty này cho biết, từ khi sản phẩm Havaianas được giới thiệu thì đã có 2, 2 tỉ đôi được sản xuất và được bán trên toàn thế giới. Nếu các đôi dép quai này được xếp liền sát nhau thì chúng sẽ bao bọc vòng quanh trái đất đến 50 lần. Điều này cho thấy số lượng dép quai là rất lớn.

Ngày nay, mặc dù giá cả đang giảm không ngừng, nhưng với tính quen thuộc của đôi dép quai, Havaianas tiếp tục thống trị thị trường thế giới, cổ phiếu của nó trên thị trường hiện đã tăng 10%. Một lí do làm cho Havaianas khác biệt với các đối khác, đó chính là đặc tính mềm, dễ chịu và rất bền của đôi dép. Nhưng quan trọng hơn, Havaianas đã phát triển thành một xu hướng thời trang. Khi Alpargatas bắt đầu xuất khẩu chúng vào năm 2001, giờ đây cái tên Haivaianas đã trở nên nổi tiếng.

Nước Mỹ không phải là thị trường duy nhất, nhưng sự chấp nhận của người Mỹ, đặc biệt là những ngôi sao tại đây đối với sản phẩm, làm cho thương hiệu này ngày càng nổi tiếng. Những đôi dép quai bắt đầu xuất hiện trên đôi chân của những ngôi sao điện ảnh và nhạc rock và sau đó xuất hiện trên sàn diễn thời trang.

Công ty đã thiết kế những sản phẩm đặc biệt dành cho các nhân vật nổi tiếng, như “Oscar gift basket” được trao tặng cho các ứng cử viên giải Oscar suốt lễ Academy Awards. Các mũi khâu trên đôi dép được làm bằng tay và chúng được đính pha lê Swarovski. Tương tự, những đôi dép quai thời trang cũng được sử dụng như là một món quà dành cho các ngôi sao xuất hiện tại lễ trao giải Grammy.

Dĩ nhiên, sự thành công không thể kéo dài mãi. Vào giữa thập niên những năm 90, do doanh số bán hàng và lợi nhuận bị giảm, Alpargatas đã giới thiệu một kiểu dép quai mới, mang tên Havaianas TOP, sản phẩm có sức lôi cuốn đối với các khách hàng ưa vẻ đẹp lịch lãm.

Tiếp theo là một chiến dịch quảng cáo nhằm định vị Havaianas như là một sản phẩm lịch lãm và đặc biệt giúp gia tăng lợi nhuận cho thương hiệu. Trước năm 2000, một vài nhân vật nổi tiếng trên thế giới bị bắt gặp đi dép quai và thương hiệu này đã nổi tiếng từ đó. Hiện tại, cứ mỗi giây là có 5 đôi Havaianas được sản xuất và có khoảng 22 triệu đôi được xuất khẩu mỗi năm.

Hiện nay, Havianas luôn phải cạnh tranh rât khốc liệt với các sản phẩm nhái, và các sản phẩm đến từ các công ty chuyên sản xuất những sản phẩm đánh vào tâm lý ưa chuộng các sản phẩm cao cấp của khách hàng. Những đôi dép quai bằng da cá sấu “PechPlatinum” là sản phẩm của PecheBlu. Công ty này cho biết họ sản xuất những đôi dép quai thể thao, mạnh mẽ, đầy cá tính và gọi sản phẩm PechPlatinum là “những đôi dép quai đắt nhất thế giới”.

Nhưng dép quai bằng da cá sấu thì hơi vô vị khi được mang ra so sánh với dép quai được sản xuất bởi Reef. Đây đúng là bạn đồng hành của mọi người bởi những đôi dép của họ mang nhiều tính chất giải trí, ví dụ: Đôi dép có gót được bao bọc bằng nhựa pôliurêtan cho phép chứa được một it nước, vì vậy bạn có thể uống nước từ đôi giép của bạn.

Dường như có quá nhiều cách nhìn khác nhau về chủ đề dép quai. Đây là những gì mà Havaianas đã trải qua, và nó sẽ tiếp tục với con đường của mình một cách khiêm tốn.

Barry Silverstein - Brandchannel. com

Tuesday, September 23, 2008

Tạo dựng lợi thế cạnh tranh

Ba chiến lược này là Chi phí thấp/Cost Leadership (trường hợp hãng hàng không giá rẻ); Khác biệt hóa/Differentiation (trường hợp hãng hàng không chất lượng cao); và Tập trung/Focus (trường hợp hãng hàng không chuyên bay một vài lộ trình)...".

Hãy tưởng tượng bạn sắp đi công tác xa và đang phải lựa chọn một hãng hàng không cho chuyến đi.

Chọn hãng nào đây? Một hãng hàng không giá rẻ để tiết kiệm chi phí hay một hãng có chất lượng dịch vụ tuyệt hảo? Hoặc nên chăng chọn một hãng hàng không chuyên bay lộ trình bạn cần đi, vì họ có nhiều kinh nghiệm về nơi đến hơn các hãng khác?

Trong thời đại ngày nay, với một nhu cầu nhất định, khách hàng có vô vàn sự lựa chọn. Vì vậy, nếu muốn thành công, các công ty cần phải tìm cho mình một cách để luôn “nổi bật giữa đám đông”. Nói cách khác, công ty của bạn phải tạo dựng được lợi thế cạnh tranh trên thương trường.

Trong ví dụ trên, ba hãng hàng không đã áp dụng ba cách thức khác nhau để tạo dựng lợi thế cạnh tranh. Ba cách thức này được gọi chung là “chiến lược cạnh tranh phổ quát” (generic strategies), bởi chúng có thể được áp dụng cho mọi ngành với quy mô lớn hay nhỏ, mọi sản phẩm và dịch vụ.

Năm 1985, ba chiến lược này đã được Michael Porter giới thiệu lần đầu trong cuốn sách kinh điển “Competitive Advantage: Creating and Sustaining Superior Performance”.

Ông đặt tên cho ba chiến lược này là Chi phí thấp/Cost Leadership (trường hợp hãng hàng không giá rẻ); Khác biệt hóa/Differentiation (trường hợp hãng hàng không chất lượng cao); và Tập trung/Focus (trường hợp hãng hàng không chuyên bay một vài lộ trình).

Chiến lược chi phí thấp

Chiến lược này được hiểu là duy trì mức chi phí thấp nhất trong ngành hoặc trên thị trường. Những công ty theo đuổi chiến lược này cần có:

- Vốn để đầu tư cho những công nghệ giúp cắt giảm chi phí.

- Quy trình vận hành đạt hiệu quả cao.

- Nền tảng chi phí thấp (nhân công, nguyên vật liệu, thiết bị…).

Rủi ro lớn nhất khi áp dụng chiến lược này là không phải chỉ có công ty của bạn tiếp cận được các nguồn lực giá rẻ. Vì thế, các đối thủ khác hoàn toàn có thể sao chép chiến lược của bạn. Điều quan trọng là liệu bạn có khả năng duy trì chi phí thấp hơn các đối thủ cạnh tranh trong cuộc đua đường trường hay không?

Chiến lược khác biệt hóa

Nội dung cốt lõi của chiến lược này là làm cho sản phẩm/dịch vụ của công ty khác biệt và hấp dẫn hơn sản phẩm/dịch vụ của đối thủ cạnh tranh (về hình thức, tính năng, độ bền, chất lượng dịch vụ, hình ảnh thương hiệu…). Để áp dụng thành công chiến lược này, công ty cần có:

- Quy trình nghiên cứu và phát triển (R&D), đổi mới sản phẩm tốt

- Khả năng cung cấp sản phẩm/dịch vụ chất lượng cao

- Hoạt động tiếp thị và bán hàng hiệu quả, nhằm đảm bảo khách hàng có thể cảm nhận được sự khác biệt và lợi ích mà nó mang lại.

Những công ty áp dụng chiến lược này phải rất nhanh nhạy trong quá trình phát triển sản phẩm mới. Nếu không, họ sẽ mất một vài “mặt trận” cho các công ty theo đuổi chiến lược “Tập trung trên nền tảng khác biệt hóa” (Differentiation Focus) được mô tả dưới đây.

Chiến lược tập trung

Công ty theo đuổi chiến lược này chỉ tập trung vào những thị trường ngách (niche markets). Đó là những phân khúc thị trường nhỏ với đặc điểm riêng biệt. Lợi thế cạnh tranh của những công ty này được tạo dựng dựa trên việc thấu hiểu sâu sắc những đặc thù của thị trường và khả năng cung cấp sản phẩm/dịch vụ phù hợp với những đặc điểm đó.

Tuy nhiên, việc tập trung vào một thị trường nhỏ phù hợp với nguồn lực của công ty vẫn chưa hẳn là an toàn, vì các công ty lớn với nguồn lực tốt hơn vẫn có thể tấn công vào những phân khúc này.

Trước nguy cơ đó, những công ty áp dụng chiến lược tập trung thường phải tiếp tục tạo ra những lợi thế khác (bằng cách cắt giảm chi phí hoặc khác biệt hóa sản phẩm/dịch vụ), nhằm mang đến nhiều giá trị cộng thêm cho khách hàng trong phân khúc của mình.

Vì thế, chiến lược tập trung còn được chia thành hai chiến lược con: “Chiến lược tập trung trên nền tảng chi phí thấp” (Cost Focus) và “Chiến lược tập trung trên nền tảng khác biệt hóa” (Differentiation Focus). Việc lựa chọn chiến lược nào là phụ thuộc vào năng lực cũng như điểm mạnh của công ty bạn.

Lời khuyên của Michael Porter là không nên theo đuổi nhiều chiến lược cùng lúc, bởi mỗi chiến lược đòi hỏi một cách tiếp cận rất khác nhau. Hãy thử dùng mô hình phân tích SWOT (Strengths, Weaknesses, Opportunities, Threats) để phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của công ty bạn khi áp dụng mỗi kiểu chiến lược nói trên, để hiểu được chiến lược nào có khả năng thành công cao nhất.

Đồng thời, cũng đừng quên kết hợp kết quả này với việc phân tích các tác lực cạnh tranh trong ngành hoặc trên thị trường.

(TBKTSG)

Trở thành "tỷ phú thời gian"

Khi nói tới lãnh đạo, chúng ta thường nghĩ tới sự bận rộn. Những nhà lãnh đạo tài năng cần phải làm chủ được thời gian của mình. Thời gian là một nguồn tài nguyên quý giá mà mỗi người đều sở hữu một số lượng như nhau. Việc hiểu giá trị và sử dụng hiệu quả mỗi phút trôi qua cũng quan trọng như việc tối đa hóa giá trị sử dụng mỗi đồng tiền đầu tư của doanh nghiệp. Một người lãnh đạo giỏi là người hiểu giá trị của một phút và giáo dục được tinh thần đó cho mỗi nhân viên của mình.

Dưới đây là 10 bí quyết vàng về phương thức quản lý thời gian để đạt được thành công trong công việc, thoát khỏi stress và giữ cân bằng cuộc sống.

1. Xóa bỏ từ “ghen tị” ra khỏi từ điển và học cách chăm sóc bản thân

Con người thường không ngừng theo đuổi những gì mình không có và dần cảm thấy mệt mỏi khi không bao giờ tới được đích đến mơ ước. Chính vì vậy, việc xóa bỏ từ “ghen tị” ra khỏi từ điển sẽ giúp bạn cảm thấy dễ thỏa mãn hơn với cuộc sống của chính mình.

Bạn cần trang bị khả năng tự chăm sóc cho bản thân mình. Để thực sự chăm sóc được những người bạn yêu thương, thì điều đầu tiên bạn cần là phải học cách chăm sóc chính bản thân mình. Bạn bè và gia đình sẽ luôn coi bạn như một hình mẫu và bạn cần phải chắc chắn rằng hình mẫu đó biết cách tự chăm lo cho bản thân, biết dành thời gian cho giải trí, thư giãn và học hỏi thêm kiếm thức mới.

2. Tạo khoảng trống trong lịch làm việc

Khi lập kế hoạch cho một ngày làm việc mới, bạn nên để trống cho mình một khoảng thời gian khoảng một tiếng đồng hồ. Nó sẽ giúp bạn tránh khỏi stress trong tình trạng “nước đến chân mới nhảy” hoặc trường hợp các cuộc hẹn quan trọng bị trì hoãn. Hơn nữa, nếu gặp lại một người bạn cũ, bạn vẫn có thể tận hưởng một cuộc nói chuyện bất chợt mà không phải lo lắng tới kế hoạch công việc được vạch ra từ trước.

3. Cân bằng danh sách công việc

Một trong những cách tuyệt vời để giảm bớt sự căng thẳng trong một lịch làm việc dày đặc là cân bằng nó. Trước khi thêm một việc vào danh sách cần phải làm, bạn nên “mạnh tay” bỏ đi một công việc khác. Sự cân bằng này sẽ giúp bạn giải quyết nhanh các vấn đề còn tồn đọng hoặc ưu tiên một công việc quan trọng hơn cần hoàn thành trước.

4. Học cách nói “KHÔNG”

“KHÔNG” là một từ mang sức mạnh làm giảm sự mệt mỏi và stress của bạn hàng ngày. Bạn cần phải học cách nói “KHÔNG” với yêu cầu của ai đó. Đôi khi chỉ cần một nụ cười thân thiện và một lời cảm ơn ai đó đã tin cậy bạn. Sau đó, một lời từ chối khéo léo cũng sẽ không làm họ mất lòng. Nếu cảm thấy khó khăn trong việc từ chối ngay lập tức, bạn nên khéo léo xin một khoảng thời gian suy nghĩ và sau đó có thể gọi điện để giải thích rằng bạn không thể hoàn thành được việc đó trong khoảng thời gian này.

5. Giảm thiểu thời gian đi lại và khéo léo kết hợp các công việc

Nếu bạn cần phải giải quyết một công việc kinh doanh và gia đình trên cùng một tuyến đường, bạn nên kết hợp nó làm một. Nếu cần phải đặt một cuộc hẹn với bác sỹ, bạn có thể tăng tính hiệu quả nếu là người đầu tiên đến vào buổi sáng. Mặt khác, một cách tốt để tiết kiệm thời gian đó là mua hàng qua mạng. Hầu hết các sản phẩm và hàng hóa đều đã được chào bán lên mạng. Bạn chỉ cần lựa chọn và hàng sẽ được chuyển tới tận nơi chỉ sau một cú click chuột.

6. Làm đẹp cho không gian sống

Nếu bạn có đủ tiền bạc để làm mới và trang hoàng lại ngôi nhà thì đó luôn là một công việc gây tốn kém thời gian và làm gia tăng sự mệt mỏi. Lời khuyên từ các chuyên gia là chỉ nên trang hoàng và làm đẹp một căn phòng một lần. Chọn một vài phòng yêu thích nhất trong nhà, sau đó khéo léo tạo khung cảnh dễ chịu cho đôi mắt, Điều đó sẽ là nguồn năng lượng mới cho bạn. Chắc chắn rằng một thiên đường thu nhỏ trong chính ngôi nhà của mình sẽ cho bạn động lực để không ngừng sáng tạo và thúc đẩy công việc.

7. Được làm các công việc tự phát tạo ra cảm giác tự do

Bạn nên chắc chắn rằng, bạn để dành khoảng thời gian nào đó hàng tuần để được làm những công việc tự phát. Xóa bỏ những việc không cần thiết và làm bạn mệt mỏi ra khỏi cuộc sống cũng là một cách tốt để bạn tăng thêm khoảng thời gian này cho mình. Lời khuyên là nên giữ ít nhất một tháng hai kỳ nghỉ cuối tuần không có kế hoạch. Khoảng trống đó sẽ cho bạn cơ hội được làm điều mình muốn như là tận hưởng một kỳ nghỉ ngắn, một cuộc hẹn hò mới, một hoạt động cùng gia đình, hoặc đơn giản là thư giãn không làm gì cả. Cảm giác được tự do sẽ tràn ngập trong bạn xua tan đi mọi phiền muộn và lo âu.

8. Điểm mặt những thứ giết thời gian của bạn

Thay vì việc tạo ra một danh sách dài các công việc cần phải làm và không thể hoàn thành nó. Bạn nên chuẩn bị cho mình một danh sách các công việc trong khả năng của bản thân. Trong danh sách đó, thứ quan trọng nhất là TÊN BẠN phải được đặt ở trên cùng, sau đó là từng công việc và khoảng thời gian dự kiến hòan thành. Từ đó, bạn sẽ nhận ra ngay đâu là công việc làm bạn tiêu tốn nhiều thời gian nhất và làm thế nào để giảm thiểu nó.

9. Hứa ít làm nhiều

Đây là một trong những bí quyết rất hữu ích trong công việc và cuộc sống. Bằng cách tạo cho mình những thời hạn trong khả năng hoàn thành sẽ giúp bạn thoát khỏi stress, giảm thiểu các lỗi sai và tăng sự thỏa mãn trong công việc. Nếu công việc đó bạn dự tính sẽ hoàn thành trong 8 ngày, bạn nên để trên lịch là 9 hoặc 10 ngày, không chỉ bản thân mà những người xung quanh sẽ cảm thấy bất ngờ về khả năng của bạn.
10. Vẽ ra một thế giới nơi mà không có sự hiện diện của STRESS

Bạn hãy nghĩ về một ngày hoàn hảo được làm đầy bởi các hoạt động vui chơi giải trí bên những người bạn yêu quý. Khi tạo ra một bức tranh cụ thể về một ngày không có stress, bạn đã sẵn sàng cho bước tiếp theo trong việc xóa bỏ những thứ gây ra stress cho bản thân mình.

Mr. Tycoon - Leadership Articles

Monday, September 22, 2008

Doanh nghiệp nhỏ có cần logo và tài liệu tiếp thị

Ngày càng nhiều các chuyên gia khuyên rằng những công ty vừa và nhỏ cần phải khuếch trương hình ảnh nhãn hiệu của mình thông qua một biểu tượng (logo) và một tập hợp các dữ liệu tiếp thị nhất quán. Tuy nhiên, họ hiếm khi giải thích rõ lý do đằng sau các lời khuyên này.

Dưới đây là 14 lý do và ích lợi mà công ty bạn có được nhờ một hệ thống các giải pháp tiếp thị hiệu quả cùng một logo khác biệt và đẹp mắt.

1. Để trông “lớn mạnh hơn”.

Những tấm thiệp kinh doanh độc đáo, hay một tấm card thể hiện tầm nhìn và khiếu thẩm mỹ được thiết kế chuyên nghiệp với sự trợ giúp của một số phần mềm từ Microsoft, hoặc những tấm card kinh doanh trực tuyến sẽ đánh bóng hình ảnh công ty bạn trong mắt các khách hàng tiềm năng một cách đáng kể.

2. Để gia tăng cơ hội nhận được nguồn vốn đầu tư mạo hiểm hay bán được nhiều sản phẩm/dịch vụ hơn.

Nếu bạn giới thiệu thành công một bao bì, mẫu mã kinh doanh mới lạ bao gồm các dữ liệu tiếp thị và hình ảnh, sản phẩm/dịch vụ của công ty bạn sẽ trông hoàn hảo hơn rất nhiều.

3. Để thu hút nhiều khách hàng hơn.

Một vài khách hàng luôn tìm kiếm những công ty có tiếng tăm, vì thế, “vẻ bên ngoài cùng cảm giác lôi cuốn” có thể là một trong những yếu tố khiến họ quyết định mua sản phẩm, dịch vụ của bạn.

4. Để quảng bá cho bản thân bạn.

Nếu bạn là một nhà tư vấn, bạn sẽ cần đến logo để xây dựng một hình ảnh và một nhãn hiệu có tác động lan toả lớn hơn những đặc tính nhận biết cá nhân của chính bạn.

5. Để truyền tải những gì bạn đã thiết lập.

Một logo và các dữ liệu tiếp thị được in ấn cẩn thận, chu đáo sẽ cho thấy bạn gắn kết cả với hoạt động kinh doanh lẫn các khách hàng của bạn.

6. Để đem lại cho khách hàng một cảm giác yên tâm rằng công ty bạn luôn ổn định.

Bạn có thể không bắt đầu kinh doanh “kể từ năm 1908”, nhưng sẽ rất cần thiết để khách hàng thấy công ty bạn hoạt động ổn định và phát triển như thế nào qua logo và các dữ liệu tiếp thị về thời gian thành lập. Sẽ là một chặng được dài để xây dựng được lòng tin từ phía các khách hàng.

7. Để được ghi nhớ lâu hơn trong tâm trí khách hàng.

Mọi người sẽ ghi nhớ tốt hơn những gì họ được thấy so với những gì họ được nghe. Do đó, việc tạo ra các hình ảnh nhãn hiệu có mối liên hệ với hoạt động kinh doanh của bạn, cũng như duy trì tính nhất quán của những hình ảnh trên các dữ liệu kinh doanh sẽ giúp công ty bạn, sản phẩm/dịch vụ của bạn được ghi nhớ lâu bền hơn trong tâm trí khách hàng. Hình ảnh công ty bạn sẽ xuất hiện đầu tiên trong tâm trí khách hàng khi họ cần đến một sản phẩm/dịch vụ tốt.

8. Để giải thích tên công ty bạn.

Nếu công ty của bạn bao gồm một số từ ít được biết đến hay những từ viết tắt, logo sẽ đưa ra những gợi mở hình ảnh nhằm giải thích rõ nghĩa tên công ty.
9. Để khách hàng quý mến tên công ty bạn.

Một cái tên công ty khó phát âm hay khó nhớ có thể khiến khách hàng không có cảm tình với sản phẩm/dịch vụ mà công ty cung cấp và khi những khách hàng tiềm năng có nhu cầu đối với sản phẩm/dịch vụ của bạn, họ có thể không nhớ được bạn là ai. Nhưng nếu bạn củng cố cho tên công ty bằng một sự lôi cuốn, bằng những hình ảnh hấp dẫn, các khách hàng sẽ nhớ đến bạn nhiều hơn, họ sẽ nhấc điện thoại và đặt hàng sản phẩm/dịch vụ của bạn.

10. Để giải thích những sự khác biệt trong kinh doanh.

Nếu các hoạt động kinh doanh của bạn khá khác biệt so với truyền thống hay tồn tại trong những ngành, lĩnh vực khó diễn giải, logo có thể giúp bạn giải thích chính xác bạn đang làm những gì.

11. Để thể hiện sự khác biệt giữa bạn và đối thủ cạnh tranh.

Một logo được thiết kế hợp lý có thể mang nhiều ý nghĩa sâu xa khác nhau và có thể truyền tải lịch sử về việc bạn kinh doanh như thế nào, bao gồm cả những hoạt động đặc biệt khiến công ty bạn nổi bật so với các đối thủ cạnh tranh.

12. Để nổi bật trong lĩnh vực bạn đang kinh doanh.

Một logo phù hợp và một hệ thống nhận biết hiệu quả có thể giúp bạn nổi bật hơn rất nhiều so với các đối thủ cạnh tranh, đặc biệt nếu chúng được kết hợp với một chương trình tiếp thị tích cực.

13. Để tuân theo những quy định chung.

Trong một vài lĩnh vực kinh doanh, logo là điều bắt buộc, thậm chí trong lĩnh vực dịch vụ sáng tạo, việc có logo là một tiêu chuẩn của ngành.

14. Để biểu lộ sự gắn kết của công ty bạn và tạo cho mọi người cảm giác có được niềm kiêu hãnh cá nhân.

Nói cách khác, bạn làm ra nó vì chính bản thân bạn.

Có thể nói, những lợi ích kể trên sẽ thúc đẩy hoạt động kinh doanh của công ty phát triển ngày một lớn mạnh hơn, cũng như gia tăng sự tự tin của chính bản thân bạn. Vì vậy, hãy bắt đầu nghĩ đến việc xây dựng một logo và các dữ liệu tiếp thị quảng bá hình ảnh càng sớm càng tốt.

(BwPortal)