Friday, September 12, 2008

Kiến trúc CRM thành công

Ý thức được tầm quan trọng của các hoạt động hướng khách hàng (KH), ngày càng nhiều doanh nghiệp quan tâm hơn đến các ứng dụng quản trị quan hệ khách hàng (CRM).

Mặc dù TGVT PCW B đã có nhiều bài viết về chủ đề này, nhưng với sự cộng tác của tác giả Nguyễn Văn Hiếu, giám đốc công ty cổ phần Phần Mềm BSC, chúng tôi muốn tiếp cận đến khái niệm CRM từ góc độ nền tảng đầy đủ hơn, để từ đó triển khai những ứng dụng thực tế.

Loạt bài viết này sẽ giúp bạn đọc hình dung tổng thể hơn về bức tranh CRM, từ vấn đề nhận thức, xây dựng kiến trúc, chiến lược, tầm nhìn, tới những phương pháp nhằm nâng cao hiệu quả khai thác hệ thống CRM. Trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài viết đầu tiên.
Việc áp dụng CRM cần một kiến trúc chiến lược nền tảng và cân bằng để dựa trên đó đảm bảo các chương trình thực hiện đạt kết quả thành công và cực đại hóa được lợi ích cho doanh nghiệp (DN) và cho KH của DN.

Tầm quan trọng của kiến trúc chiến lược

Để đạt được giá trị lâu dài của giải pháp CRM, yêu cầu kiến trúc chiến lược phải gồm toàn bộ các hoạt động kinh doanh, dịch vụ liên quan đến KH của DN và trên mức độ toàn DN. Tại Việt Nam, chỉ một số ít DN mới áp dụng CRM cỡ DN, còn lại hầu hết áp dụng mức phòng ban hoặc kết hợp CRM vào một hay nhiều dự án khác.

Việc thực hiện CRM ở mức độ DN cũng không dễ, bởi nó yêu cầu tầm nhìn cỡ hội đồng quản trị và ban lãnh đạo để định hướng điều khiển "việc tập trung không ngừng vào KH" trên toàn bộ DN. Trên thực tế, thậm chí hội đồng quản trị hay ban giám đốc dù đã chấp nhận sự cần thiết áp dụng CRM cỡ DN thì CRM vẫn chưa được coi là khẩn cấp nhất so với các yêu cầu về doanh số và lợi nhuận.

Việc không áp dụng được CRM trên toàn DN còn xuất phát từ thiếu sót của ban lãnh đạo như:
* Không có khả năng nhìn thấy "Bức tranh CRM tổng thể" và hiểu được sự cần thiết phải thay đổi.

* Thiếu một kiến trúc chiến lược cho hành trình thực hiện CRM

* Kiến trúc chiến lược CRM cần được tạo bởi sự cân bằng giữa các nhu cầu của DN với nhu cầu của KH. Khoảng 90% DN áp dụng thành công CRM đều cân bằng giữa nhu cầu cải thiện trải nghiệm KH với sự cộng tác của DN.


Để xây dựng được "tầm nhìn CRM" đúng các DN nên xác định trước

Tầm nhìn CRM cho DN

Qua khảo sát hơn 120 DNVN đã áp dụng giải pháp CRM trong năm 2007 -2008 từ công ty BSC cho thấy, tỷ lệ các DNVN xây dựng được "tầm nhìn CRM" đúng chỉ đạt khoảng 20%. Còn phần lớn chỉ đặt CRM trong một vài phòng ban quan trọng liên quan đến KH (như phòng kinh doanh, phòng dịch vụ KH).

Như trường hợp một KH kinh doanh trong lĩnh vực ô tô, mặc dù mục tiêu kinh doanh hướng KH của DN thể hiện tầm nhìn CRM rất cao của ban lãnh đạo, nhưng việc áp dụng CRM vẫn gặp khó khăn và không hiệu quả. Nguyên nhân do việc cổ động, truyền bá, giám sát thực hiện tầm nhìn CRM đến từng phòng ban, nhân viên làm chưa tốt, dẫn tới nhận thức và sự cộng tác của từng nhân viên, lãnh đạo cấp trung thấp, ảnh hưởng tới việc thực thi CRM.

Trong kiến trúc CRM, "xây dựng tầm nhìn CRM" là một trong những khối quan trọng. Tầm nhìn CRM là bức tranh tổng thể về cách nhìn nhận đánh giá và thấu hiểu KH, về KH mục tiêu mong muốn của DN và cách tương tác lý tưởng với các KH mục tiêu đó.

Không có tầm nhìn CRM, KH và các cổ đông của DN sẽ không thể thấy rõ chiến lược CRM và lợi ích của nó. Bản thân nhân viên cũng không biết họ phải làm gì, được những lợi ích gì, điều này khiến sự cộng tác của DN trở nên rất khó khăn.

Để xây dựng được "tầm nhìn CRM" đúng các DN nên xác định trước:

* Vị trí của DN trên thị trường: Tiềm lực, nhân lực, sản phẩm, thị trường KH, đối thủ cạnh tranh, các chính sách liên quan đến KH của DN và của đối thủ cạnh tranh.

* Thông tin về KH của DN: nhu cầu, ước muốn, các đánh giá phản hồi của KH hiện tại, KH tiềm năng về sản phẩm, chính sách bán hàng, dịch vụ hiện tại của DN và của các đối thủ cạnh tranh.

* Cùng bàn bạc thống nhất ở các cấp lãnh đạo cấp cao đến cấp trung để cùng xây dựng một "tầm nhìn CRM" đúng đặc thù cho DN mình.

* Thực hiện: đào tạo, cung cấp tài liệu, video, qui định chính sách… để cổ động, động viên đôi khi là bắt buộc các nhân viên nhận thức và thấu hiểu tầm nhìn CRM của DN

Xây dựng chiến lược CRM

Tại các DN Việt Nam, chiến lược CRM đầy đủ gặp rất nhiều khó khăn. Việc đánh giá vị trí hiện tại của DN liên quan đến giá trị, lòng trung thành và độ hài lòng của KH chưa đầy đủ vì thiếu thông tin KH.

Giá trị KH phần lớn được đánh giá phiến diện theo doanh số trong khi lòng trung thành và độ hài lòng của KH thì gần như không đánh giá được. Việc thiết lập các mục tiêu về KH phần lớn mang tính mơ hồ, không rõ ràng. Đa phần DN đều không quan tâm đến việc chỉ ra các yêu cầu về con người: kỹ năng, văn hóa, tổ chức, trách nhiệm, quyền hạn…

Các yêu cầu về dữ liệu KH thì hoàn toàn thiếu và không thống nhất, dựa trên dữ liệu rời rạc hiện có của các phòng ban riêng rẽ. Ví dụ, một DN phân phối hàng tiêu dùng thì dữ liệu KH đại lý gần như chỉ có dữ liệu cơ bản (tên KH, địa chỉ, doanh số, dữ liệu kế toán).

Trong khi CRM cần nhiều hơn rất nhiều các thông tin này để xây dựng lại mối quan hệ kinh doanh với các KH đã mất hoặc xây dựng các kế hoạch marketing hay chính sách bán hàng, dịch vụ...

Từ thực tế trên cho thấy, xây dựng chiến lược CRM cần bao gồm:

* Việc đánh giá vị trí hiện tại của DN liên quan đến giá trị, lòng trung thành và độ hài lòng của KH.

* Định hướng phân đoạn KH của DN.

* Thiết lập các mục tiêu về KH (bao gồm đạt được, duy trì và phát triển).

* Định nghĩa các thước đo để giám sát sự thực hiện chiến lược CRM (ví dụ: thước đo về độ hài lòng, trung thành, và chi phí đáp ứng).

* Phác thảo chiến lược cho việc phân đoạn sản phẩm, chính sách giá, truyền thông và tương tác, kênh , dịch vụ KH, và quản lý phân đoạn theo yêu cầu KH.

* Chỉ rõ các yêu cầu về cơ sở hạ tầng (bao gồm các kỹ năng, tổ chức, IT, phân tích và dữ liệu) để định hướng cho các chiến lược hoạt động khác.

5 bước để xây dựng một tầm nhìn CRM

Bước 1: Hãy kiểm tra mục tiêu kinh doanh hướng các KH của DN

Bước 2: KH có đồng ý với mục tiêu kinh doanh hướng KH của DN? Nếu có thì hãy dùng các giá trị của những KH này để xây dựng tầm nhìn CRM. Nếu không hãy sử dụng những phản hồi của KH để điều chỉnh mục tiêu kinh doanh hướng KH của DN.

Bước 3: Xác định sự khác biệt giữa mục tiêu kinh doanh hướng KH của DN và các đối thủ cạnh tranh. Nếu không có, DN hãy kiểm tra những đặc điểm chính mà KH xem xét khi lựa chọn DN để mua hàng ( sự cách tân, chất lượng, chuyên môn, sự đứng đầu...) và làm thế nào để sản phẩm, dịch vụ và cách quan hệ của DN làm hài lòng các yêu cầu của KH, từ đó tạo nên một sự định vị thị trường mang tính cạnh tranh.

Bước 4: Mục tiêu kinh doanh hướng KH của DN có được các nhân viên của DN nhận thức và hiểu rõ? Nếu không hãy tạo nên một câu chuyện (bằng kịch bản, video,..) về sự trải nghiệm lý tưởng của KH khi tương tác với DN sao cho tất cả mọi người trong DN hiểu rằng họ phải cố gắng thực hiện những gì để đạt được điều đó.

Bước 5: Lãnh đạo DN phải là người xây dựng nên tầm nhìn CRM cho DN của mình và nỗ lực hết sức để truyền bá, cổ động nó cho các nhân viên, các cổ đông, KH hiện tại và KH tiềm năng của DN.
Theo PCWorld

Mobile Marketing sẽ bùng nổ?

Tính đến đầu năm 2008, Việt Nam có hơn 30 triệu người dùng điện thoại di động với tốc độ gia tăng số lượng thuê bao nhanh chóng.

Theo đánh giá của công ty nghiên cứu thị trường TNS Việt Nam, tốc độ tăng trưởng thuê bao di động của Việt Nam tăng 200% năm 2007. Việt Nam đang dần trở thành mảnh đất màu mỡ để triển khai mobile marketing (tiếp thị qua điện thoại di động).

Sức mạnh của chiếc “alô”

Mobile marketing ra đời đầu tiên tại Mỹ vào đầu năm 2004. Đến nay khái niệm này không còn là điều mới mẻ.

Tiếp thị bằng chiếc điện thoại nhỏ xíu đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều nhà quảng cáo và các tập đoàn có uy tín như: Wheat Crunchies (Anh), chuỗi nhà hàng café Dunkin Donuts (Mỹ), các hãng điện thoại di động Sony Ericsson, Nokia, LG cũng nhanh chân dùng sản phẩm do họ sản xuất vào các chiến dịch quảng cáo.

Mobile marketing đã được khai thác rất thành công tại các nước châu Âu, châu Mỹ và châu Á, được người tiêu dùng đón nhận và đánh giá cao. Công cụ tiếp thị này hội tụ được những ưu thế khác biệt mà các loại hình quảng cáo khác không có được.

Thứ nhất, mobile marketing là một công cụ truyền thông có thể đo lường hiệu quả chính xác hơn các loại hình truyền thông truyền thống. Theo ước tính của các công ty trong ngành, có khoảng trên 75% khách hàng nhận thông điệp quảng cáo nhớ được thông tin quảng cáo trên mobile.

Thứ hai, mobile marketing có khả năng tương tác, đối thoại hai chiều với người tiêu dùng với tốc độ nhanh, chính xác. Điều này có nghĩa là khách hàng có thể gửi phản hồi cho nhà tiếp thị ngay khi nhận được thông điệp tiếp thị.

Doanh nghiệp dùng mobile marketing có thể nhắm tới đối tượng khách hàng mục tiêuđược phân loại theo tuổi tác, giới tính, nơi cư trú, xu hướng tiêu dùng từ cơ sở dữ liệu thông tin khách hàng đã lập trước đó.

Thứ ba, công cụ này có thể tích hợp với các công cụ truyền thông khác như: ti-vi, báo, đài phát thanh, tờ rơi, áp-phích… các chương trình quảng cáo ngày nay (đặc biệt là TVC) đều kèm hướng dẫn gửi tin nhắn nếu khách hàng muốn tham gia chương trình tiếp thị. Ví dụ: Bình chọn ca sĩ yêu thích nhất cuộc thi Vietnam Idol 2008.

Vì vậy mà hiệu quả của các chiến dịch mobile marketing mang lại lớn hơn nhiều so với chi phí đầu tư. Đó là: tăng mức độ nhận biết nhãn hiệu đối với khách hàng mục tiêu, định hướng sự chú ý của khách hàng vào các hoạt động mua bán. Mobile marketing góp phần tạo ra một cơ sở dữ liệu về những mối quan tâm cũng như sự trung thành của khách hàng đối với nhãn hiệu.

Các hình thức phổ biến

Các hình thức mobile marketing thông dụng đang được triển khai trên thế giới hiện rất đa dạng.

Mobile marketing có thể ở dạng thông tin cơ bản (gửi tin nhắn để gửi thông tin sản phẩm mới, chương trình khuyến mại,…). Đó cũng có thể là chương trình bình chọn, xem video trên điện thoại di động.

Hãng xe hơi Jaguar từng thực hiện chiến dịch quãng cáo cho dòng xe Jaguar XF tại Mỹ. Hãng này lập một website dành cho điện thoại di động (www.jaguarxf.mobi) để người tiêu dùng có thể truy cập và xem hình ảnh và các đoạn video về Jaguar XF. Chiến dịch đã thu hút 85.000 khách hàng truy cập. Quảng cáo của Jaguar XF trên di động được thấy 15 triệu lần.

Kỳ vọng ở tương lai

Từ năm 2006, các doanh nghiệp Việt Nam mới biết đến khái niệm mobile marketing. Mobile marketing hình thành khi các nhà cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng trên điện thoại di động phát triển ứng dụng này. Thời gian đầu, mobile marketing chỉ được triển khai nhỏ lẻ ở một vài công ty. Lúc ấy, mobile marketing chỉ dừng lại ở mức download nhạc chuông, bài hát, game, thông tin sự kiện…

Ngân hàng là ngành sử dụng SMS như một công cụ marketing khá hữu hiệu. Những ngân hàng tên tuổi như: ACB, Techcombank, Eximbank, Vietcombank… từ lâu đã sử dụng tin nhắn SMS để thông báo lãi suất tiền gửi, nhắc các khoản vay đáo hạn, dịch vụ tài chính mới…

Cao hơn là dịch vụ kiểm tra tài khoản, thanh toán tiền qua SMS (SMS banking) mà Vietcombank đang áp dụng. Tuy nhiên, ở các hình thức triển khai trên, khách hàng tiếp nhận thông tin một cách thụ động.

Một số nhà cấp dịch vụ SMS tiếp cận khách hàng theo quy trình giới thiệu trực tiếp, ký hợp đồng sau đó kết hợp với nhà khai thác mạng để triển khai. Thông thường toàn bộ thời gian này mất từ 5-10 ngày. Vì thế chiến dịch mobile marketing chưa đáp ứng yếu tố thời gian.

Hạ tầng mạng viễn thông di động cũng là vấn đề làm mobile marketing kém hấp dẫn. Mạng viễn thông di động phổ hiến tại Việt Nam hiện nay là GSM.

Thế hệ mạng này cho phép truyền và tải dữ liệu với dung lượng không cao. Đó là lý do nhiều chương trình chỉ ở dạng SMS marketing (gửi tin nhắn quảng cáo dịch vụ), dạng sơ khai của mobile marketing. Do đó khách hàng đã đồng nhất hai loại hình này.

Số thuê bao di động Việt Nam hiện có khoảng 40 triệu. Hơn nữa, chúng ta đang phát triển mạng viễn thông thế hệ thứ ba (3G). Khi đó, công năng truyền và tải dữ liệu (tin nhắn, hình ảnh, video, e-mail) sẽ nhanh hơn. Đây là cơ hội cho nhà cung cấp dịch vụ mobile marketing cũng như doanh nghiệp.

(Thành Đạt)

Thursday, September 11, 2008

Xây dựng thương hiệu qua 5 bước

Xây dựng thương hiệu là bước đầu tiên và là một trong những khâu khó nhất của quá trình lập kế hoạch marketing, nhưng nó lại là một khâu vô cùng quan trọng để tạo nên hình ảnh công ty.

Hiệp hội Marketing Mỹ (AMA) định nghĩa thương hiệu là một tên, thuật ngữ, dấu hiệu, biểu tượng, thiết kế, hay sự kết hợp của tất cả các yếu tố trên nhằm xác định hàng hóa và dịch vụ của một người bán hoặc một nhóm người bán và để phân biệt họ với những người bán khác.

Để thành công trong việc xây dựng thương hiệu, bạn phải hiểu nhu cầu và mong muốn của khách hàng. Xây dựng một thương hiệu cũng như một trận chiến đấu để dành niềm tin từ phía khách hàng. Việc xây dựng thương hiệu có thể tiến hành theo trình tự các bước như sau:

1. Xác định giá trị của thương hiệu

Đây là bước đầu tiên trong quá trình phát triển chiến lược thương hiệu. Bằng cách xác định thương hiệu của bạn dành cho đối tượng nào, bạn sẽ tạo ra một nền tảng cho các thành phần khác để bắt đầu xây dựng thương hiệu. Hãy bắt đầu bằng những câu hỏi sau:

Bạn cung cấp những sản phẩm/dịch vụ nào? Xác định chất lượng của các sản phẩm/dịch vụ đó.

Giá trị cốt lõi của các sản phẩm/dịch vụ của bạn là gì? Giá trị cốt lõi của công ty bạn là gì?

Sứ mệnh của công ty bạn là gì?Công ty bạn chuyên về lĩnh vực nào?

Ai là thị trường mục tiêu của bạn?

Khẩu hiệu của công ty bạn là gì?

2. Xác định mục tiêu của thương hiệu

Thương hiệu bao gồm các đặc trưng, hình ảnh và giá trị cốt lõi của thương hiệu đó. Những ấn tượng bạn tạo ra cũng như những từ ngữ mà người ta mô tả về công ty bạn với người khác sẽ là cái khung cơ bản của thương hiệu.

Để xác định mục tiêu thương hiệu, hãy đặt ra những câu hỏi sau:

Bạn muốn thương hiệu của bạn làm gì cho công ty?Bạn muốn những người khác biết gì và nói gì về các sản phẩm/dịch vụ của bạn?

Khi đã xác định được mục tiêu, bạn có thể lập kế hoạch để đạt mục tiêu đó. Bước tiếp theo là xây dựng và phát triển chiến lược thương hiệu của bạn bằng cách trả lời câu hỏi như thế nào, khi nào và cái gì bạn định làm để đáp ứng những mục tiêu đó.

3. Tập trung vào khán giả mục tiêu

Sức mạnh thương hiệu của bạn phụ thuộc vào khả năng tập trung của thương hiệu đó thế nào. Việc xác định được thị trường mục tiêu sẽ giúp thương hiệu của bạn tăng tính tập trung và đạt hiệu quả tốt hơn.

Để xác định thị trường mục tiêu, bạn cần phải thực hiện phân tích thị trường chi tiết để có được những dữ liệu cần thiết. Những câu hỏi sau sẽ là gợi ý để bạn thực hiện việc phân tích đó:

Ai là khán giả mục tiêu của bạn?

Khán giả mục tiêu của bạn ở đâu?

Họ nghĩ gì về thương hiệu hiện nay của bạn?

Bạn muốn họ nghĩ về thương hiệu của bạn?

Làm cách nào bạn có thể thu hút họ vào các sản phẩm/dịch vụ của mình?

Có thương hiệu nào khác đang cạnh tranh với bạn?

Bạn đang nhắm vào thị trường doanh nghiệp hay người tiêu dùng?

4. Xác định những rào cản

Khi đã tạo ra chiến lược thương hiệu dành cho sản phẩm/dịch vụ, bạn cần xác định những rào cản cơ bản có thể phải đối đầu. Những rào cản này là các điều kiện thị trường khiến sản phẩm và dịch vụ của bạn có thể bị thất bại.

Để được chuẩn bị kỹ càng khi đối mặt với các rào cản, bạn cần bỏ thời gian phân tích tỉ mỉ về các sản phẩm/dịch vụ của mình. Hãy trả lời những câu hỏi sau:

Bạn có thị trường ngách nào không? Những vấn đề gì các sản phẩm/dịch vụ của bạn cần giải quyết?

Làm cách nào bạn xác định được giá của các sản phẩm/dịch vụ ấy?

Khách hàng tiềm năng của bạn là ai và bạn có thể tìm họ ở đâu?

Đối thủ lớn nhất của bạn là ai? Bạn có thể làm gì tốt hơn họ?

Bạn nên quảng cáo như thế nào? Bạn sẽ tìm thấy thị trường mục tiêu ở đâu? Bạn sử dụng các phương tiện truyền thông mới hay truyền thống?
5. Xây dựng hình ảnh nhận diện thương hiệu

Hình ảnh thương hiệu sẽ xuất hiện thông qua việc giới thiệu của bạn. Làm thế nào để giới thiệu thương hiệu, để nó là một phần không thể thiếu trong công việc kinh doanh và để tạo ra một nhận thức mạnh mẽ về thương hiệu? Bạn có thể đánh giá việc giới thiệu thông qua những công cụ phổ biến sau:

Logo thương hiệu

Bao gói sản phẩm

Danh thiếp và đồ dùng văn phòng

Trang web

Địa chỉ email

Đồng phục nhân viên

Những công cụ này có thể nói lên rất nhiều điều về hình ảnh cũng như những điểm mạnh và điểm yếu trong thương hiệu của bạn. Khách hàng sẽ đánh giá công ty bạn dựa trên những công cụ đó. Vì vậy, nếu muốn thành công trong chiến lược phát triển thương hiệu, hãy bắt đầu từ những điều nhỏ nhất.

Hanghoa va Thuonghieu

Wednesday, September 10, 2008

Truyền thông, quảng cáo, tiếp thị và những tiêu chuẩn đánh giá mới

Quảng cáo có giá trị chỉ đối với mức độ mà nó tác động được đến hành vi người tiêu dùng.

Nhưng liệu quảng cáo có thành công trong việc định hướng cho mọi người mua sắm các sản phẩm, cũng như làm thế nào để nó có khả năng tốt nhất thực hiện được những vấn đề khó trả lời và quan trọng nhất mà các nhà tiếp thị, các công ty truyền thông và cả những đại lý đều đang phải đối mặt.

Trong khi thực tế là tiêu chuẩn đánh giá về ấn tượng sâu sắc của quảng cáo từ lâu đã trở thành một ngành khoa học thiếu hoàn hảo và dễ làm nản lòng, để lại cho các nhà tiếp thị rất ít tùy chọn nhưng lại đưa ra những thông điệp theo những định hướng khác nhau cùng hy vọng rằng một số dấu hiệu về phản ứng của người tiêu dùng sẽ xuất hiện.

Ngay cả sự đơn giản và không xác thực của các phương pháp đánh giá truyền thông truyền thống có thể chỉ có trong quá khứ, nhưng chúng cũng đã đưa ra được những tiêu chuẩn cùng sự chắc chắn có khả năng cho phép các nhà tiếp thị, các đại lý thu mua và cả những công ty truyền thông tiến hành được hoạt động kinh doanh.

Tuy nhiên, ngày nay trạng thái cân bằng này đã trở nên bất ổn. Các nhà tiếp thị đòi hỏi hiệu quả và cả ấn tượng sâu sắc từ những quảng cáo mà họ mua từ các nhà truyền thông. Còn truyền thông kỹ thuật số lại đang cố đạt được số lượng người tiêu dùng then chốt. Và lời hứa có được dữ liệu về phản ứng của người tiêu dùng (thậm chí theo từng thời điểm thực tế) đối với quảng cáo lại là một điều mâu thuẫn nực cười với thực tế.

Chính David Verklin, giám đốc điều hành của Carat Americas và là chủ tịch của Carat Asia-Pacific, đại lý cung cấp truyền thông tự do lớn nhất thế giới, đã phát biểu rằng: “Thời gian gần đây, các nhà tiếp thị trở nên ít quan tâm hơn đến con số những người xem truyền hình hoặc đọc báo mà lại để ý nhiều hơn vào hành vi của những người đó cũng như làm sao để kết nối được thông điệp của quảng cáo đến với họ.”

Hoặc, ở một hướng khác, sự gia tăng nhanh của truyền thông (từ ti vi, đài và báo của ngày trước tới các trang web, điện thoại di động, báo điện tử, hệ thống định vị toàn cầu, các trò chơi, các máy kỹ thuật số hỗ trợ người dùng và nhiều thứ khác nữa của thời nay) cùng sự phân mảnh về người xem từng thể hiện được sự chắc chắn truyền thống của quảng cáo áp lực của người xem, hoặc “sự đạt được” đã trở thành một tiêu chuẩn đánh giá ít thuyết phục hơn nhiều về giá trị truyền thông so với trước đây.

Theo xu hướng, triển vọng thực sự của những tiêu chuẩn mới được góp phần chủ yếu bởi sự phổ biến của các phương tiện truyền thông kỹ thuật số dành cho các nhà quảng cáo.

Trong một khảo sát gần đây của Booz Allen Hamilton được thực hiện cùng với Hiệp hội Các nhà quảng cáo Quốc gia đã cho thấy 62% các nhà quảng cáo được khảo sát đều nói rằng họ sẽ chi phí nhiều hơn vào truyền thông kỹ thuật số nếu các tiêu chuẩn tham chiếu cơ bản chéo tốt hơn thực sự đánh giá được ấn tượng sâu sắc của quảng cáo.

Các nhà tiếp thị có thể sử dụng truyền thông kỹ thuật số để chuyển tải đi những thông điệp thực sự tương xứng với hoàn cảnh và tạo ra thông tin để xác định được những sự tập trung của các khách hàng tiềm năng, chẳng hạn như việc nhắm vào chỉ những người tiêu dùng đang tìm kiếm một chiếc Volvo mới, hay lên kế hoạch một chuyến trượt tuyết tại Deer Valley, hoặc tìm kiếm thức ăn tự nhiên cho cho trẻ em.

Và họ có thể đánh giá được kết quả thực sự dựa trên những nỗ lực đó thay vì nhờ vào việc ngoại suy các đánh giá của khán giả. Hơn nữa, các hành động của người tiêu dùng, bao gồm việc duyệt, nhấn chuột vào một quảng cáo, chia sẻ thông tin với một người bạn, hay mua một sản phẩm, cũng như sự phát triển tính trung thành với thương hiệu, đều có thể được lưu trữ và phân tích, cho phép các nhà tiếp thị theo dõi được chính xác hơn việc một phần cụ thể của quảng cáo ảnh hưởng tới những người tiêu dùng ra sao nhằm đưa ra các quyết định về thương mại và thương hiệu.

Với những khả năng như vậy, chẳng có chút ngạc nhiên nào khi các nhà tiếp thị phải nhanh chóng nắm bắt được mô hình quảng cáo thanh toán theo lần thực hiện của Google, theo đó các nhà quảng cáo thanh toán cho Google chỉ khi các khách hàng tiềm năng thực nhấp chuột vào các trang web của họ.

Các nhà tiếp thị không còn hỏi xem: Cái họ bỏ tiền ra mua điểm xếp hạng cao như thể để là gì nữa? Mà giờ đây, họ muốn biết kết quả một cách chi tiết hơn khi hỏi: Ai đang tìm kiếm sản phẩm hoặc thương hiệu của mình và có thường xuyên không? Những người tiêu dùng mục tiêu của mình thường vào những trang web nào, và họ thường làm gì trên đó? Có bao nhiêu khách hàng đăng ký trực tuyến vào các quảng cáo trực tuyển của mình? Và, quan trọng nhất đó là tất cả những điều này có liên quan tới doanh thu thực tế như thế nào?

Nhưng các tiêu chuẩn đánh giá truyền thông dành cho môi trường truyền thông kỹ thuật số mới mẻ này vẫn còn chưa ổn định về mặt chất lượng. Chúng thiếu đi sự chuẩn hóa có khả năng cho phép sự so sánh đơn giản về ấn tượng sâu sắc của quảng cáo cả trong môi trường trực tuyến và qua cả những kênh truyền thông khác.

Các nhà tiếp thị, các đại lý cùng các công ty truyền thông, tất cả đều đồng ý rằng những cải tiến trong các tiêu chuẩn đánh giá này đang ngày trở nên cần thiết; bởi nếu không có chúng thì sẽ hết sức khó khăn thu được lợi nhuận trên thị trường quảng cáo ngày càng được khắc họa rõ hơn bởi rất nhiều chọn lựa giữa vô vàn các phương tiện truyền thông.

Hay nói cách khác, sẽ cần có một sự thay đổi quy mô lớn đối với các tiêu chuẩn đánh giá cho cả kết quả dựa trên chúng cũng như khả năng có thể so sánh được qua nhiều kênh khác nhau.

Sự thay đổi đối với kết quả dựa vào các tiêu chuẩn đánh giá không phải là một hiện tượng hoàn toàn mới. Trong hai thập kỷ qua, từng có một sự chuyển đổi đều đặn và chậm chạp của những ngân sách tiếp thị từ truyền thông truyền thống thiếu các tiêu chuẩn đánh giá, chẳng hạn như quảng cáo qua ti vi, đài, các tạp chí và cả những tờ báo (vẫn được biết trong tiếp thị như truyền thông “có khuyến mại”) tới quảng cáo và tiếp thị trực tiếp (“không khuyến mại”), cho việc truyền thông ngày càng có khả năng theo được các kết quả với sự chính xác lớn hơn.

Cho tới gần đây, nhiều nhà quan sát đã loại bỏ sự phát triển của việc đầu tư vào quảng cáo “không khuyến mại” như một xu thế được định hướng chủ yếu do các nhà bán lẻ, những người đã từng nói việc sử dụng các quảng cáo thương mại để có được một thị phần lớn hơn về các ngân sách tiếp thị khổng lồ của các công ty lớn sản xuất hàng hóa đóng gói cho người tiêu dùng. Điều đó đã từng là sự thật đối với một số quy mô, nhưng sự thay đổi về đầu tư từ quảng cáo “có khuyến mại” tới “không khuyến mại” vẫn được lý giải tốt hơn nhờ vào thực tế rằng các nhà tiếp thị có thể dễ dàng đánh giá và xác nhận được giá trị của việc đầu tư “không khuyến mại”.

Hình thức mới của kết quả dựa trên những tiêu chuẩn đánh giá kết hợp kinh nghiệm từ truyền thông “không khuyến mại” với những thay đổi về công nghệ trong việc đánh giá, đặc biệt kể cả truyền hình. Không phải tất cả các phương tiện truyền thông có thể, hoặc từng định, phù hợp với những tiêu chuẩn đánh giá phản ứng trực tiếp của Google.

Nhưng sự phát triển chung của những tiêu chuẩn mới ngày càng rõ ràng hơn, ngày càng chính xác hơn này sẽ định hướng được những thay đổi sâu sắc trong thực tiễn và văn hóa của tiếp thị và quảng cáo thương hiệu trong tất cả các phương tiện truyền thông.

Các công nghệ mới sẽ hỗ trợ một sự thay đổi trong việc đánh giá khán giả từ những ước tính tới dữ liệu gần hơn (hay trong một số trường hợp là) dữ liệu điều tra thống kê thực sự - nói một cách khác, để thực tế hơn những kết quả của dự án.

Lấy ví dụ, Nielsen Media Research, ông trùm của những tiêu chuẩn đánh giá việc xem truyền hình, vừa có được dữ liệu xem truyền hình tại nhà một cách truyền thống từ 12,000 hộ gia đình (một phần rất nhỏ so với ước đoán 112 triệu hộ gia đình người Mỹ thường xem truyền hình) và sau đó sử dụng mẫu đó để đưa ra tỷ lệ trên toàn quốc.

Thay vì thế, các hộp set-top (hộp kết nối ti vi với Internet) cùng những thiết bị khác ngày nay được xây dựng thành các hệ thống truyền hình kỹ thuật số sẽ cung cấp dữ liệu về lựa chọn xem có liên quan tới cả các chương trình và cả những quảng cáo của mỗi khán giả. Các nhà tiếp thị sẽ chỉ phải truy cập tới các hãng truyền thông và thông tin phản ứng với quảng cáo sẽ trở nên đơn giản trong việc kết hợp và thể hiện tổng thể cùng dữ liệu lấy được trong ngày tại các điểm bán lẻ hàng hóa.

Ngày nay, Nielsen đang đầu tư lớn vào một tham vọng “Đánh giá truyền thông bất kỳ đâu bất cứ khi nào”, sáng kiến tham chiếu cơ bản chéo được đưa ra nhằm làm tăng quy mô và sự chính xác về mẫu người tiêu dùng của mình. Sáng kiến này sẽ thay đổi một cách sâu sắc hơn trong các phương tiện truyền thông tại chỗ, trực tiếp và trực tuyến cũng như tăng cường chất lượng của dữ liệu được chuyển hóa từ ti vi của hãng.

Cũng vào lúc này, những đối thủ khác như IAG Research và TNS Media Intelligence đều đang đưa ra những thay đổi có cải tiến. Và như vậy thì không lâu nữa, dữ liệu sẽ được thu thập từ những dụng cụ di động có thể theo dõi được việc xem không chỉ có ti vi ở nhà mà còn từ các chương trình tải, chiếu phim trên Internet, cũng như từ những bộ phim được xem trên các máy điện thoại di động PDA, các máy nghe nhạc MP3, và cả những thiết bị đi động khác nữa.

Và trong môi trường năng động đang ngày càng gia tăng này, các tiêu chuẩn đánh giá mới tập trung vào kết quả sẽ thay đổi quan điểm chính về tất cả đánh giá quảng cáo từ hành động tới kết quả. Những tiêu chuẩn đánh giá này sẽ gồm:

Tỷ lệ thương mại: Tỷ lệ người xem quảng cáo nhiều hơn các chương trình, khả năng ghi nhớ các thông điệp thương mại của người tiêu dùng, ảnh hưởng của các vị thế về thương hiệu (chuỗi các thương mại được sắp xếp trong suốt một chương trình quảng cáo giữa một chương trình khác) , và cả kế hoạch tổng thể của thương hiệu.

Xếp hạng về chất lượng và cam kết: Các quảng cáo được chiếu lại trong một kỳ hoặc số người xem, thời lượng phát sóng một kỳ hoặc trung bình các kỳ, số người xem một lần phát sóng và cả sức mạnh của khả năng gợi nhớ thương hiệu.

* Hành vi xem tổng thể: Con số người tiêu dùng và tổng thời gian họ dành truy cập vào các thương hiệu truyền thông qua cả hệ thống trực tiếp và trực tuyến (một tiêu chuẩn đặc biệt thích ứng cho các công ty truyền thông truyền thống đang cố gắng để tăng thêm sự hiện diện bằng kỹ thuật số của mình và cho cả những nhà tiếp thị muốn so sánh hành vi người tiêu dùng truyền thống với kỹ thuật số.)

* Lựa chọn theo hành động: Những người đăng ký trực tuyến, tốc độ mở ra xem, các cuộc gọi miễn phí và cả những yêu cầu trực tuyến hay trực tiếp để có được nhiều thông tin hơn.

* Người tiêu dùng tham gia: Thể hiện được hành động lan truyền chẳng hạn như tốc độ phát triển và phân bổ; các mức độ tương tác với chất lượng thương hiệu như việc đẩy chất lượng thương hiệu lên các trang cá nhân; hay thời gian tương tác thương hiệu.

* Ảnh hưởng doanh thu: Dẫn đầu về lưu lượng khách hàng vào xem và mua hàng, hay khối lượng hàng bán tăng lên tại các cửa hàng bán lẻ.

Nhiều nhà tiếp thị băn khoăn việc sử dụng các tiêu chuẩn đánh giá như vậy phá vỡ mất luật về lợi nhuận từ đầu tư (ROI) tiếp thị và quảng cáo đa môi trường.

Thực tế, gần 70% các nhà tiếp thị tham gia bản khảo sát gần đây của Booz Allen đều nhận thấy các phân tích về ROI đã được cải thiện cùng với những hiểu biết sâu sắc về người tiêu dùng mà họ nhận được như điều được mong chờ nhất về tất cả khả năng quảng cáo. Vậy nên, mong ước của họ là muốn công nhận điều đó một cách chính thức rõ ràng.

(Strategy-business.com)

Nhãn hiệu không phải là thương vụ mà chính là mối quan hệ

Nhãn hiệu là một ấn tượng tâm lý của những cảm xúc được lưu lại trong tâm trí khách hàng. Cũng tương tự như hình xăm bằng mực trên cơ thể, nhãn hiệu có thể bị xóa đi trong tâm trí khách hàng nếu không có được chiến lược nhãn hiệu thật cẩn thận.

Con người ai cũng có những mối quan hệ gắn kết với những gì mà họ có mối quan hệ chặt chẽ, chẳng hạn như với bạn bè thân thiết.

Thông thường những tình cảm trên được bồi đắp qua thời gian và dựa trên sự tương đồng về hành vi và quan điểm giá trị cuộc sống. Xây dựng thương hiệu cũng tương tự như vậy.

Bạn càng hiểu rõ cách thức khách hàng mong đợi ở thời điểm hiện tại và trong tương lai thì bạn càng có nhiều cơ may thành công trong việc thiết lập một nhãn hiệu theo đúng mong đợi của khách hàng và tạo dựng được sự trung thành nhãn hiệu.

Nhãn hiệu là một ấn tượng tâm lý của những cảm xúc được lưu lại trong tâm trí khách hàng. Cũng tương tự như hình xăm bằng mực trên cơ thể, nhãn hiệu có thể bị xóa đi trong tâm trí khách hàng nếu không có được chiến lược nhãn hiệu thật cẩn thận.

Xây dựng nhãn hiệu bao gồm đáp ứng nhu cầu cảm xúc, giữ đúng lời hứu và giảm rủi ro cho khách hàng. Để nắm bắt được tâm tư của khách hàng, doanh nghiệp phải luôn luôn giám sát các chủ chốt của công ty. Sau đó nên dành thời gian và công sức nghiên cứu các nhu cầu, động lực và các tiêu chuẩn của họ. Xây dựng nhãn hiệu thường không gắn liền đến các tính năng của sản phẩm và việc mua bán mà nó liên quan đến mối quan hệ ở cả hai phía.

Các nhãn hiệu thành công đều liên kết thông qua các giá trị chứ không qua đặc tính của sản phẩm. Nhãn hiệu Harley không chỉ liên quan đến phương tiện vận chuyển hay các lọai xe giảm sốc vững chắc. Đó là sự tự do hòan tòan, giải phóng con người nổi lọan bên trong và sống phóng túng.

(Karen Post)

Monday, September 08, 2008

Apple - Facebook: cuộc chiến mới trong ngành công nghệ



Ngày này, các cuộc chiến về công nghệ nền không còn giống như trước đây. Bởi các công ty có thể tạo dựng được thế mạnh riêng cho mình nhờ chiến lược về công nghệ nền.

Ngày nay, các cuộc chiến về công nghệ nền (platform)không còn giống như trước đây.

Hãy xem một bên là Facebook, dù thực hiện những kế hoạch chuẩn mực về chiến lược công nghệ nền, song họ lại đang dần tự bóp nghẹt những tiện ích trong chính hệ thống của mình. Bên kia là Apple, dù bỏ qua các nguyên tắc của chiến lược công nghệ nền, song họ lại đang gây dựng thành công hệ thống phân phối các thiết bị di động với iPhone App Store.

Chúng ta rút ra được điều gì từ thực tế này?

Tại sao các kế hoạch tỷ mỷ trong chiến lược công nghệ nền của Facebook lại làm thui chột các giá trị, trong khi phản chiến lược công nghệ nền của Apple lại hứa hẹn mở toang những giới hạn về sáng tạo giá trị (trong một lĩnh vực mà những giới hạn này lâu nay được xem là cố định và bất khả biến)?

Trước đây, chúng ta coi công nghệ nền là cơ chế để kiểm soát các phần mềm/ phụ kiện được cài đặt/ lắp đặt thêm cho sản phẩm. Các chiến lược gia và kinh tế gia đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng về các cuộc chiến công nghệ nền với tư liệu tham khảo là công trình xuất sắc “Đi đầu về công nghệ nền” (Platform Leadership) của Annabelle và Michael Cusumano.

Hiện nay, đã có cách đơn giản và hiệu quả hơn để nghiên cứu chiến lược về công nghệ nền.

Tôi xin nêu một nhận định ngắn gọn: các công nghệ nền chính là các thị trường. Cách tốt nhất để nghiên cứu về các công nghệ nền là hãy đồng nhất chúng với khái niệm thị trường.

Chính cái tên của App Store đã cho chúng ta thấy: Apple không suy xét vận hành một công nghệ nền mà tính tới việc gây dựng một thị trường. Nhận thức đó là điểm cốt lõi trong sức mạnh chi phối của Apple đối với lĩnh vực hình ảnh truyền thông (mediascape).

Các thị trường – hệ thống và các cộng đồng như đã đề cập – là những vũ khí chiến lược có sức mạnh khủng khiếp. Dưới đây là 3 cách mà các thị trường làm thay đổi triệt để cấu trúc và động lực của các ngành công nghiệp.

Các thị trường thay đổi nền tảng của sự cạnh tranh.

Trong khi Apple lựa chọn lĩnh vực có tính khép kín trong giai đoạn cuối – như hệ thống phân phối các thiết bị di động – sau đó mở rộng một cách triệt để. Thì Facebook - với tư duy cũ - lựa chọn lĩnh vực hoàn toàn mở - như mạng toàn cầu (www) – rồi cố gắng khép nó lại một chút.

Trong khi Apple lựa chọn lĩnh vực bị coi là xấu – như thiết bị di động – sau đó từng bước nâng cấp tới mức tiện dụng như hiện nay, nhằm tạo ra động lực khuyến khích khách hàng sở hữu những tính năng thực sự hữu ích trên máy di động, thay vì hình ảnh rùng rợn của những thây ma (zombie - tên một trình ứng dụng của Facebook).

Facebook - vẫn tư duy theo lối cũ - lựa chọn lĩnh vực hoàn toàn tốt lành – như khuyến khích mọi người tự tổ chức để chia sẻ với nhau những kiến thức trên mạng toàn cầu - rồi từng bước bôi xấu nó: chặn mọi người tiếp cận, gây “ô nhiễm” bằng các kiểu quảng cáo, tạo ra những thành viên giả, chia ra các mạng lưới nhỏ, đưa vào vô số các trình ứng dụng chất lượng thấp.

Các thị trường tạo hiệu ứng domino chiến lược.

Các thị trường là gốc rễ chiến lược: một khi cơ sở cạnh tranh được thay đổi, một làn sóng kinh tế khổng lồ được dấy lên mà thường là không thể ngừng lại. Sự chuyển hướng của động lực cạnh tranh cũng không thể tránh khỏi.

Lấy ví dụ trong lĩnh vực thiết bị di động, phương pháp định hướng thị trường của Apple là khuyến khích từng nhà phân phối cố gắng cởi mở hơn so với nhà phân phối cuối.

Các thị trường chia nhỏ hệ thống phân phối.

Cơ bản, App Store mang tính cấp tiến vì nó chia nhỏ hệ thống phân phối: Ngày nay, số lượng các nhà phân phối tham gia vào hệ thống là không hạn định, miễn là có đủ số lượng các nhà phân phối lớn có năng lực sản xuất và phân phối các trình ứng dụng cho thiết bị di động.

Tảng đá nguyên khối trước đây giờ được chia thành hàng triệu mảnh nhỏ. Nếu thị trường có thể thực sự kết hợp hàng triệu mảnh nhỏ này lại thì hệ thống phân phối mới sẽ đạt siêu hiệu suất. Không thể đi ngược tiến trình chia nhỏ triệt để này vì nó diễn ra quá chậm, âm ỉ, không rõ ràng.

Nhìn chung, Apple thực hiện chiến lược thế hệ kế tiếp (next-gen) sử dụng các thị trường để thay đổi cơ sở cạnh tranh, loại bỏ trở ngại bằng hiệu ứng domino và chia nhỏ hệ thống phân phối. Trong khi đó, các đối thủ cạnh tranh theo luật lệ cũ đều đang bất lực trước các giới hạn cần phá bỏ.

Facebook đang làm điều ngược lại với Apple: bám riết lấy cơ sở cạnh tranh trước đây, ký kết hợp đồng với các đối thủ cạnh tranh thay vì loại bỏ họ, thất bại trong chia nhỏ các phưong tiện truyền thông, trừ phi là giành cho các trình ứng dụng zombies (thây ma), vampires (ma cà rồng) và werewofves (người sói). Việc suy xét về công nghệ nền, chứ không phải về thị trường, luôn được ưu tiên.

Cần làm gì để Facebook không còn thiên về công nghệ nền và bắt đầu suy xét đến thị trường? Đơn giản là trao nhiệm vụ cho các nhân viên phụ trách về trình ứng dụng, bước đầu có thể là tạo động lực nhằm loại bỏ các trình ứng dụng kém hấp dẫn.

Nếu các công ty quảng cáo tài trợ các trình ứng dụng dành cho mọi người thì thị trường của Facebook sẽ luôn bị bóp méo do ngày nay, người quảng cáo cần người tiêu dùng hơn là người tiêu dùng cần người quảng cáo.

Nhận thức về hợp nhất công nghệ nền với thị trường là một trong những điểm quan trọng nhất giúp phân biệt những người tiên phong với những người bị tụt hậu về chiến lược.

Còn có công ty nào khác hiểu rằng công nghệ nền là thị trường? Tất nhiên là Google. Những công ty nào còn mù mờ về vấn đề này và tiếp tục trò chơi cũ? Câu trả lời là Microsoft, AOL, Yahoo. Ngoài ra, còn có những công ty ngoài ngành công nghệ như Ford, Gap, Bear Stearns đang kẹt trong vòng luẩn quẩn của logic công nghệ nền.

Đó có thể là chủ đề cho một bài báo (hoặc một cuốn sách mới). Liệu tư duy về công nghệ nền có kiềm chế các công ty, liệu còn có các công ty nghĩ rằng công nghệ nền sẽ mang lại hiệu quả to lớn?

Theo bạn, ai là người cần tư duy theo thị trường thay vì công nghệ nền? Bạn có thấy những công ty nào đang chuyển từ tư duy công nghệ nền sang tư duy thị trường?

(Harvard Business Online)

Công nghệ nền (platform) là công nghệ cơ sở của một hệ máy tính hoặc một thiết bị di động. Một phần mềm không thể chạy được trên thiết bị có công nghệ nền khác với công nghệ nền mà dựa vào đó nó được viết ra.

Apple Store là hệ thống các cửa hàng bán lẻ thuộc sở hữu và do Apple Inc., điều hành chuyên bán máy tính và các sản phẩm điện tử tiêu dùng của Apple. Đến tháng 7/2008, Apple đã khai trương 219 cửa hàng trên toàn thế giới. iPhone App Store là mạng bán lẻ trực tuyến các sản phẩm iPhone của Apple.

Thuyết tiến hóa dành cho marketing trên Internet

50 năm qua, tiếp thị chỉ có duy nhất một phương thức: quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Giờ đây, mọi việc đã thay đổi, giống như một bước tiến hóa mới: Marketing Internet.

50 năm qua, tiếp thị là hoạt động chỉ có duy nhất một phương thức. Hãng Olgivy, Mather, Young, Bubicam, Saatchi (and Saatchi) và nhiều hãng khác đều xây dựng danh tiếng nhờ các chiến dịch quảng cáo rầm rộ.

Nhưng khi áp dụng trên mạng Internet thì mô hình này đã bị phá sản. Internet cung cấp lượng thông tin phản hồi và đánh giá nhiều gấp bội so với các phương tiện truyền thông khác, thời gian trao đổi thông tin được tính bằng phần nghìn giây chứ không phải theo ngày.

Tiếp thị trực tuyến có quan hệ chặt chẽ với kinh tế học hơn là quảng cáo (Schumpeter[1] có thể tự hào về điều này). Đào thải có sáng tạo (creative destruction), theo đó, những điều đã cũ bị thay thế với tốc độ cực nhanh, là cơ chế hoạt động hiệu quả nhất của quảng cáo trực tuyến.

Hiển nhiên, não bộ con người cũng đào thải có sáng tạo. Bạn có thể thấy điều này qua quá trình ghi nhớ nhất thời, thông tin mới được não bộ ghi nhận và các thông tin cũ bị xóa đi.

Trong kinh tế học cũng như trong quảng cáo trực tuyến hay não bộ con người, chỉ những gì thích nghi tốt nhất là tồn tại

The Search Agency, một trong những công ty của tôi, đã trở thành công ty quảng cáo trực tuyến hàng đầu nhờ học được bài học của não bộ. Với hơn 100 nhân viên, chúng tôi có rất ít hoặc gần như không có nhân viên tiếp thị kiểu truyền thống, thậm chí không có cả giám đốc tiếp thị (CMO).

Lý do là việc áp dụng nền tảng tiếp thị truyền thống vào thế giới trực tuyến truyền thông tốc độ cao thường phản tác dụng. Với khả năng phát hiện những thay đổi trong hệ thống thời gian thực của máy tính, bạn không phải bận tâm nghĩ cách quảng cáo tốt nhất, thay vào đó, bạn hãy tung lên mạng mọi thứ bạn có và hãy xem chúng vận động ra sao. Đây là lúc bạn thấy cơ chế đào thải có sáng tạo phát huy mạnh nhất và nhanh nhất.

Chỉ với một đợt tiếp thị tìm kiếm trên trang Google, ví dụ về một công ty trong danh sách Fortune 500 hay một website trong topten, The Search Agency có thể thử trên 10.000 từ khóa, 1.000 bản copy, hàng trăm bức ảnh và vô số các website khác nhau.

Trên cùng danh sách đó, còn có hơn 20 mức giá, gần 30 sản phẩm và các gói sản phẩm kế tiếp nhau. Các đợt tiếp thị được tính toán về hiệu suất (xác định bởi doanh thu, số lượt truy cập hoặc các thông số khác mà khách hàng cho là quan trọng) căn cứ vào nhiều đại lượng như: thời gian (tính đến giây), địa lý, nhân khẩu học, hồ sơ người sử dụng và bất cứ số liệu bổ sung nào mà chúng ta có thể thu thập được.

Các đợt tiếp thị có mức độ phức tạp cực lớn song mô hình lại đơn giản

Hãy hình dung về một đợt tiếp thị của hãng Ford, thử kiểm tra mọi biến thể của các từ khoá tìm kiếm (như car, cars, auto, Ford Truck, GM Trucks vì các từ khoá của đối thủ cạnh tranh có thể cũng mang lại hiệu quả tốt) và các cách kết hợp sáng tạo khác như: buy Ford, buy Ford Trucks, Ford Trucks are cool, buy Ford Truckes (các từ viết sai chính tả đôi khi cũng mang lại kết quả tốt).

Sau đó, hãy xem từ nào và khi nào từ đó mang lại kết quả tốt nhất: tại Green Bay (Một đô thị thuộc hạt Brown, bang Wisconsin) thì “Ford Trucks” kèm theo từ khoá “car” và “auto” mang lại hiệu quả cao nhất đối với nam giới trong khoảng từ 8h – 10h tối; kém hơn “Ford Truckes” trong thời gian từ 4h – 4h30 chiều tại Green Bay, song lại khá ngang bằng đối với phụ nữ ở Seattle trong cùng thời gian.

Hãy hình dung hàng trăm nghìn biến số, hàng nghìn lượt quảng cáo, tất cả cạnh tranh lẫn nhau để tồn tại và phát triển, chỉ vì một từ Ford Truck. Mỗi tổ hợp của các đợt quảng cáo là một thế hệ mới, tiến bộ hơn trước một bước. Vì nó tiến hoá quá nhanh nên thường chúng ta không nhận biết được vì điều gì hay vì sao nó hoạt động.

Quảng cáo trên Internet đang nhanh chóng trở thành họ hàng tiến hoá gần gũi nhất với ruồi giấm

Làm sao để biết đợt quảng cáo nào là tốt nhất?

Cũng giống như cách ruồi giấm tiến hoá: chúng ta không cần biết và không quan tâm (chúng ta nhận ra sự tiến hóa nhờ suy xét vấn đề sau khi nó đã xảy ra). Thay vào đó, chúng ta hãy để cơ chế đào thải có sáng tạo hình thành nên một mô hình về sự tồn tại của những gì thích nghi tốt nhất, trong đó các đợt quảng cáo tốt nhất tồn tại để tiếp tục cạnh tranh còn những đợt kém hiệu quả nhất bị đào thải.

Bạn thấy có chút gì đó khó chịu? Đúng vậy. Nhưng đó là cơ chế đào thải có sáng tạo dành cho chính bạn. Cuối cùng, tôi có một kết luận:

Không thương hiệu, không xác định vị thế, không tiếp thị, chỉ có cơ chế đào thải có sáng tạo với tốc độ của Internet.

[1] Joseph Schumpeter (1883 - 1950), nhà tiên tri đại tài trong lĩnh vực kinh tế. Năm 1983, tạp chí Forbes đã đánh giá ông là nhà dẫn đường tài ba trong một thế giới kinh tế hỗn độn. Năm 1986 J.K. Galbraith gọi ông là “nhà thủ cựu tinh tế nhất thế kỷ”. Gần đây, năm 2000, tạp chí Business Week đăng bài báo về ông với tiêu đề “Nhà kinh tế nổi tiếng nhất Hoa Kỳ qua đời cách đây 50 năm”. Ngành kinh tế học vẫn nhắc đến những bài giảng của Schumpeter, những cộng đồng theo tư tưởng Schumpeter và cả những giải thưởng mang tên Schumpeter.

(Harvard business Online)

Bài học quảng cáo từ chiếc "bumper sticker"

Khi mà chiếc băng khẩu hiệu (bumper sticker) vui nhộn dán đằng sau xe ôtô có thể chọc tức những tay lái đi phía sau, chiến dịch quảng cáo của bạn dường như không thể nói được những gì bạn muốn các khách hàng mục tiêu lắng nghe.

Trong quảng cáo, có một bài học thú vị từ chiếc bumper sticker này: Nghĩ trước khi bạn nói.

Steve McKee là chủ tịch hãng quảng cáo McKee Wallwork Cleveland với phân đoạn khách hàng chính là các công ty tăng trưởng nhanh có ngân quỹ quảng cáo dưới 1 triệu USD hàng năm.

Gần đây, một đồng nghiệp của Steve kể với ông câu chuyện thực trong cuộc sống của cô. Nữ đồng nghiệp này có hẹn hò với người bạn trai mà trên xe anh ta có gắn một chiếc bumper stickers khá vui nhộn với logo của trường đại học danh tiếng Florida State.

Khi anh này hẹn cô lần thứ hai, cô đã từ chối. Không phải vì cố có mối ác cảm gì với trường đại học Florida State, mà vấn đề là ở chỗ: "Tôi nghĩ rằng, rõ ràng tôi không thể có bất kỳ điểm chung nào với một người tự nguyện lái xe của mình tới cửa hàng, mua một chiếc bumper sticker và dán nó vào đằng sau chiếc xe hơi của mình".

Đó là một trong những vấn đề khúc mắc với chiếc bumper sticker. Người bạn trai trẻ tuổi kia khi dán logo quảng cáo lên chiếc xe của mình nghĩ rằng nó rất thú vị mà không bận tâm tới việc nó sẽ gây ra những tình cảm không mấy tốt đẹp. Và thông điệp vui vẻ anh muốn truyền tải đã để lại nhiều tác động hơn anh nghĩ. Kết quả chính ở cuộc hẹn thứ hai.

Steve McKee cho biết: "Khi bạn đặt chiếc bumper sticker lên xe ôtô hay bất cứ vật dụng gì của bạn, nó chỉ thể hiện một yếu tố trong tính cách của bạn; nó là một minh hoạ nhỏ về cách thức bạn nhìn ra thế giới".

Quả vậy, đối với những tay lái đằng sau chiếc xe của bạn trong giao thông đường phố, nó là nhân tố xác định bạn là ai. Kết quả là, thông điệp bạn gửi đi có thể trở nên ầm ĩ hơn bạn dự định, và thường gây hiểu nhầm.

Thông điệp là tất cả

Lấy ví dụ với chiếc bumper stickers có nội dung "con trai tôi là một sinh viên danh giá". Đó là một suy nghĩ tốt đẹp. Và người mẹ có thể đặt nó lên chiếc xe minival của mình thể hiện sự vui sướng và niềm tự hào về những gì mà đứa con trai mình mang lại. Bà mẹ biểu lộ nó như một phần thưởng cho những nỗ lực của đứa con trai, chứ không phải khoe khoang.

Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người trông thấy nó đều nghĩ như vậy – đó là lý do tại sao nhiều người không thích các bumper stickers đó và cho rằng "con gái tôi có thể giỏi hơn vị sinh viên danh giá của chị" hay thậm chí "chú chó Bulldog giống Pháp của tôi cũng danh giá không kém". Tất cả đều là những nhìn nhận rất chân thật.

Điều tương tự cũng đúng với quảng cáo và tiếp thị kinh doanh. Mọi việc không phải là vấn đề quá lớn khi bạn chấp nhận rủi ro với các lái xe khác bằng thông điệp và hình ảnh của những chiếc bumper sticker dán trên chiếc xe ôtô của bạn. Nhưng khi bạn bỏ ra một lượng tiền lớn để thực thi một chiến dịch quảng cáo, thông điệp mà các khách hàng của bạn nhận được sẽ đóng vai trò quyết định to lớn, không quan tâm tới những gì bạn dự định truyền tải.

Một người bạn của Steve là luật sư chuyên về vấn đề hôn nhân gia đình đã xác định giao tiếp như "nơi hội tụ của ý nghĩa" (the meeting of meaning). Steve cho rằng đó là một định nghĩa khá chuẩn xác. Chúng ta không thực sự giao tiếp bằng việc đơn giản nói tới một ai đó, chúng ta giao tiếp chỉ khi chúng ta khiến phía đối phương biết được ý nghĩa của những gì chúng ta nói.

Thủ thuật của việc xây dựng những hoạt động quảng cáo hiệu quả đó là thâm nhập vào bên trong làn da của những khách hàng mục tiêu, để họ hiểu được thông điệp của bạn qua đôi mắt của họ và nghe thấy nó qua đôi tai của họ.

Bạn đang nói những gì bạn nói như thế nào

Có thể bạn sẽ rất ngạc nhiên với cách thức mọi người diễn đạt lại những gì bạn đang cố gắng nói ra. Một ví dụ rất phổ biến đó là khi bạn nghe các nhân viên bán hàng hét lớn (rất thường xuyên như vậy tại các cửa hàng, siêu thị bán lẻ): "Không có thời điểm tốt hơn để mua". Bạn nghĩ: "Rồi họ sẽ lại đến, cố gắng thuyết phục mình mua chiếc xe ôtô/tivi/bộ bàn ghế".

Rõ ràng là thông điệp quảng cáo này được truyền tải không đúng như mong muốn, không thể hiện được hết ý nghĩa cũng như không tạo được mối quan tâm đích thực từ phía người nghe. Các nhà quảng cáo như vậy đã thất bại.

Ngược lại, có những bài học quảng cáo khá tích cực từ những công ty như Nike, Apple và Gatorade, vốn rất hiếm khi công khai đề nghị khách hàng mua một sản phẩm nào đó. Họ đơn giản xây dựng những quảng cáo lôi cuốn, thú vị và thường khơi mở suy nghĩ, khiến người tiêu dùng cảm thấy có mình trong thông điệp quảng cáo và mời họ tự đưa ra các kết luận của riêng mình.

Ngày càng nhiều hơn các nhãn hiệu định hướng phản hồi trực tiếp như Geico, eBay và Capital One biết rõ rằng cách thức truyền tải thông điệp cũng quan trọng không kém phần nội dung thông điệp. Bởi vì chỉ khi họ hoàn thành tốt nhiệm vụ hiểu rõ ai là những đối tượng đang nỗ lực tiếp cận và sẽ tiếp cận ra sao, các quảng cáo của họ mới có tác động tích cực.
Bạn không phải là mục tiêu

Hãy nhớ rằng, vấn đề không phải ở chỗ những gì các nhà quảng cáo dự định truyền tải mà vấn đề ở cách thức các khách hàng mục tiêu của bạn diễn giải thông điệp quảng cáo như thế nào. Đừng chỉ đặt một quảng cáo ngoài đó bởi vì nó có vẻ tốt đối với bạn.

Bạn có thể thích những gì quảng cáo của bạn truyền tải, nhưng điều đó có thể gây lạc lối. Hơn tất cả, bạn không phải là mục tiêu. Trên thực tế, từ khi bạn biết rất nhiều về các sản phẩm của mình, về ngành công nghiệp, về các đối thủ cạnh tranh và thậm chí cả các ý định tốt đẹp của riêng bạn, các suy nghĩ và phản hồi của bạn có thể rất khác so với suy nghĩ và phản hồi của các khách hàng mục tiêu.

Hãy tiếp thu bài học quảng cáo từ chiếc bumper sticker. Hãy nghiên cứu về những đối tượng bạn đang nỗ lực tiếp cận. Hãy biết rõ về họ, hiểu rõ nhận thức và thái độ của họ, thậm chí cả khi bạn nghĩ họ không đúng. Và đừng chỉ nói những gì bạn muốn nói.

Điều quan trọng luôn là bạn cần làm sao để đảm bảo có được "nơi hội tụ của ý nghĩa" và tôn trọng suy nghĩ của những tay lái phía sau xe ôtô của bạn.

(BwPortal)

Tồn tại thế nào trong một môi trường cạnh tranh?

Đã qua rồi cái thời mà nhiều công ty xem luật sư như “bác sĩ” của mình với việc chỉ khi bị pháp luật “sờ gáy" và không còn cách giải quyết nào khác thì mới sử dụng hạ sách thuê các công ty luật.

Ngày nay, bắt nguồn từ nhiều lợi ích “siêu hưởng nhưng rất thực tế, thói quen thường xuyên sử dụng các công ty luật trong các hoạt động kinh doanh đã trở nên phổ biến. Thị trường tư vấn pháp luật do vậy cũng trở nên cạnh tranh hơn bao giờ hết.

Các cuộc sáp nhập, mua bán đã bắt đầu tái xuất hiện với nhiều công ty luật lớn hơn ra đời.

Giờ đây, các công ty luật cho dù lớn hay nhỏ đều đưa ra những quy định tài chính chặt chẽ hơn cũng như các kế hoạch kinh doanh mới để làm vừa lòng các cổ đông, quan chức hay nhà quản lý chuyên ngành.

Với một môi trường đầy những luật lệ và nghiêm ngặt về tài chính như vậy, các công ty luật đã tiến hành nhiều bước đi khác nhau về chuyên môn, giá cả trong các hoạt động kinh doanh của mình với hy vọng sẽ thu hút được ngày một nhiều hơn số lượng khách hàng.

Do đó, chính sự năng động và nhạy bén trong việc thu hút khách hàng của các công ty luật sẽ là những yếu tố quyết định hoàn toàn sự sống còn và phát triển của những công ty này trong thị trường pháp lý ngày nay.

Các công ty luật đã cố gắng chứng minh khách hàng thấy những khó khăn của họ có thể được giải quyết nhờ vai trò của tư vấn pháp luật, nó sẽ cung cấp thông tin, giải thích pháp luật cho khách hàng và định hướng hành vi của khách hàng trong những điều kiện, hoàn cảnh pháp luật đã dự liệu trước.

Từ đó, các công ty luật sẽ đưa ra những lời khuyên nhằm đem lại cho khách hàng những lợi ích vượt chi phí tư vấn pháp luật, phòng ngừa những tranh chấp và những rủi ro pháp lý khác trong quá trình kinh doanh của họ.

Đó là với khách hàng! Còn đối với hoạt động kinh doanh của chính bản thân mình, nhiều công ty luật đã giao phó trách nhiệm quản lý các chiến lược kinh doanh của mình cho những nhà quản lý chuyên nghiệp (như nhà quản lý công ty, nhà quản lý mối quan hệ với khách hàng, nhà quản lý kinh doanh,…). Việc phân chia trách nhiệm quản lý rõ ràng này đã tạo điều kiện để hoạt động của các công ty luật được ổn định hơn.

Những người quản lý từng bộ phận riêng biệt sẽ chịu trách nhiệm toàn bộ trong công việc của họ. Chẳng hạn như nhà quản lý các mối liên hệ với khách hàng sẽ chịu trách nhiệm từ việc tìm kiếm khác hàng, chăm sóc khác hàng, cung cấp thông tin và duy trì niềm tin của khách hàng, còn nhà quản lý kinh doanh sẽ thoả thuận các hợp đồng, nội dung công việc, giá cả với khách hàng, lên các kế hoạch kinh doanh phát triển thị trường,….

Những nhà quản lý này nói chung phải là các chuyên gia thực thụ cả về kinh doanh, marketing, pháp luật, quản lý cũng như kinh nghiệm để đem lại lợi nhuận và sự thoả mãn của khách hàng về cho công ty của mình.

Vậy đâu là những nhân tố quan trọng để các nhà quản lý kinh doanh, nhà quản lý công ty luật có thể tiến hành thành công các hoạt động kinh doanh pháp lý của mình trên một thị trường không kém phần cạnh tranh?

Nắm vững khách hàng như trong lòng bàn tay

Để duy trì tính cạnh tranh và tiếp tục có được niềm tin các khách hàng, các công ty luật cần có những hiểu biết sâu rộng và kỹ lưỡng về khách hàng, từ các hoạt động kinh doanh đến các mục tiêu hướng tới của khách hàng.

Và quan trọng hơn cả, những nhà quản lý kinh doanh, nhà quản lý công ty cần hiểu tường tận các khách hàng mong đợi gì trong mối quan hệ giữa họ với khách hàng. Các công ty luật đang phục vụ khách hàng là những công ty khác nhau trên thị trường cần nhận thấy rằng thị trường đang thay đổi từng ngày, các hoạt động kinh doanh đang trở nên năng động và nhanh chóng hơn bao giờ hết.

Nhiều công ty khách hàng cần có những quyết định nhanh chóng và hiệu quả để duy trì tính cạnh tranh của họ. Việc hiểu được những thách thức và rủi ro pháp lý mà khách hàng đang đối mặt là rất quan trọng. Trong nhiều trường hợp, các công ty không đơn thuê nhờ đến các nhà tư vấn pháp lý chỉ để đối phó với những tình huống xấu, họ cần đến các công ty luật vì những lời khuyên và dịch vụ tư vấn để họ giảm thiểu rủi ro cũng như những vấn đề pháp lý khác liên quan trước mỗi quyết định kinh doanh.

Việc hiểu nhu cầu, thị trường và mục tiêu kinh doanh của khách hàng luôn là trọng tâm của bất kỳ dịch vụ pháp lý nào để duy trì và hướng tới thành công. Trong khi nhiều công ty luật hiện nay vẫn thường xuyên mắc sai lầm khi không tìm hiểu kỹ về khách hàng trước khi tiến hành hoạt động tư vấn thì những nhà quản lý hoạt động tư vấn nào nhận thấy tầm quan trọng của sự hiểu biết về khách hàng và lợi thế cạnh tranh mà nó mang lại sẽ giúp công ty của mình có những bước tiến dài trên thị trường.

Không may mắn thay, nhiều công ty luật đã không thể đuổi kịp các đối thủ khác trong cuộc đua phục vụ khách hàng một cách tốt nhất. Và kết quả đau đớn là danh tiếng của công ty sẽ bị giảm sút, trở nên tầm thường và chìm nghỉm trong số hàng nghìn các công ty luật khách trên thị trường, những công ty sẵn sàng làm mọi thứ để thu hút khách hàng.

Nhiều công ty luật rất muốn thiết lập mối quan hệ với khách hàng dựa trên cơ sở ổn định và dài hạn. Trong con mắt của các khách hàng, họ thực sự muốn mình là một đối tác pháp lý quan trọng và tin tưởng để sẵn sàng giao phó mọi công việc kinh doanh.

Để có được điều đó, các công ty luật cần trở nên là những người bạn thực sự của khách hàng, tạo mọi điều kiện thuận lợi để khách hàng cảm thấy thoải mái nhất với dịch vụ pháp lý của mình. Các công ty luật cần cho phép các nhà quản lý của mình xây dựng mối quan hệ đối tác thực sự chứ không đơn giản là những giao dịch tư vấn kinh doanh thu lợi nhuận.

Ngoài việc hiểu khách hàng, nắm vững những kiến thức chuyên môn tư vấn trong các lĩnh vực mà khách hàng cần, các công ty luật cần cải thiện dịch vụ pháp lý của mình, ưu tiên đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng. Cũng như tất cả các hoạt động kinh doanh gặp rủi ro do không có lời tư vấn pháp lý hay tư vấn sai lầm, dịch vụ pháp lý cũng có thể thất bại nếu không có những quyết định đúng đắn hay quá tập trung vào chuyên môn mà quên đi việc chăm sóc khách hàng.

Một cách tổng thế, các công ty luật cũng cần tự đánh giá và xem xét lại mình trong việc đang cung cấp dịch vụ pháp lý cho ai và như thế nào. Tính cạnh tranh trên thị trường pháp lý ngày nay yêu cầu các công ty luật thường xuyên đánh giá lại hoạt động kinh doanh để trả lời các câu hỏi như liệu đã thoả mãn các nhu cầu của khách hàng hay chưa? liệu đã giúp khách hàng được những gì? liệu dịch vụ của mình còn có điểm nào yếu kém khiến khách hàng chưa hài lòng?,…

Ngoài ra, những yếu tố như kinh doanh tại phân khúc thị trường nào cho phù hợp, các nhà quản lý thiết lập mối quan hệ với khách hàng như thế nào cũng rất quan trọng để duy trì sự ổn định của các hoạt động tư vấn pháp luật.

Đứng ra đại diện cho một nhóm các nguyên đơn trong một vụ kiện kinh tế luôn là công việc hấp dẫn của các công ty luật ngày nay, nhưng nếu bị đơn là một công ty lớn có tiềm lực tài chính hùng mạnh thì vấn đề có thể hoàn toàn khác. Lúc này, các công ty luật sẽ khó khăn hơn để giành phần thắng và do vậy uy tín cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Vì vậy, đừng để những lợi ích ngắn hạn trước mắt mà ảnh hưởng đến các chiến lược kinh doanh dài hạn cũng như các cơ hội hợp tác với các khách hàng lớn hơn trong tương lai. Công việc tư vấn nhiều khi dễ dàng hơn những hoạt động kiện tụng bởi nó không liên quan nhiều đến các vấn đề tài chính và thủ tục pháp lý. Từ bỏ những khách hàng tiềm năng trong một số trường hợp lại là những hành động đúng, nhưng không hẳn là chiến lược kinh doanh dễ dàng nhất có thể chấp nhận được.

Những hoạt động kinh doanh thành công chỉ thực sự thành công khi các công ty luật kiên định và tập trung vào các chiến lược của mình. Các nhà quản lý tại các công ty luật cần nhận ra điều này và thấy rằng trong mọi giao dịch kinh doanh không phải lúc nào các công ty khách hàng cũng dễ dàng thay đổi các công ty luật mà mình đã thuê.

Chia sẻ hệ thống giá trị với khách hàng

Ngày nay, kinh doanh đang phát triển rất mạnh. Các công ty được hình thành ngày một nhiều. Có những Công ty kinh doanh nhưng thật sự chưa hiểu hết pháp luật, họ kinh doanh theo cách riêng của mình mà quên đi yếu tố điều chỉnh khá quan trọng đó là các quy định pháp luật về kinh doanh. Chỉ cần một hoạt động kinh doanh “lệch” khỏi “đường ray” pháp luật thì công ty rất dễ phải trả giá. Chính điều này đòi hỏi tính chất trợ giúp của các công ty luật.

Rất nhiều các công ty khách hàng ngày nay đều đưa ra những mục tiêu ấn định hay bản báo cáo về triển vọng và nhiệm vụ. Việc này thường liên quan trực tiếp theo một cách nào đó đến giá trị của công ty, quy định hướng dẫn hay nguyên tắc kinh doanh. Nói một cách ngắn gọn, những đánh giá này là hình ảnh thu nhỏ của công ty và các nhân viên của họ.

Sẽ rất quan trọng cho các hoạt động kinh doanh khi nhìn vào các công ty khác, các đối tác kinh doanh để biểu hiện những đặc điểm tương tự. Các công ty luật không phải là một ngoại lệ. Đối với các khách hàng, công ty luật cần nhìn vào giá trị thực sự mà họ muốn đạt được để đề ra các nguyên tắc làm việc cho riêng mình. Hoạt động tư vấn pháp lý thực chất là một dịch chuyên nghiệp phục vụ khách hàng, do đó lợi ích của khách hàng và sự tôn trọng khách hàng cần được đặt lên hàng đầu. Bất kể thứ gì kém hơn, ít hơn đều không thể chấp nhận được.

Đừng thụ động trong công việc của mình

Dù mọi thứ đã thay đổi những vẫn còn nhiều công ty luật chờ đợi khách hàng đem đến cho họ những vấn đề pháp lý cần giúp đỡ. Những vấn đề này xảy ra là kết quả của hoạt động, giao dịch và các mối quan hệ kinh doanh trên thị trường. Sẽ thật là sai lầm nếu chờ đợi như vậy bởi dần dần chính bản thân các công ty luật sẽ mất đi tính hiệu quả trong hoạt tự vấn của mình chứ chưa nhắc gì đến việc khách hàng sẽ không còn mặn mà nữa.

Các công ty luật, những người hiểu hoạt động kinh doanh của khách hàng, sẽ tiến xa và có được nhiều thành công lớn hơn nếu thường xuyên nghiên cứu, phân tích các hoạt động kinh doanh cũng như chiến lược của khách hàng để tìm hiểu và nắm bắt những rủi ro mà khách hàng có thể gặp phải. Từ đó, các công ty luật sẽ đưa ra những lời khuyên phòng tránh rủi ro hay hạn chế thấp nhất những rủi ro có thể xảy ra.

Với công việc này, những mối quan hệ bền vững và chặt chẽ giữa khách hàng và công ty sẽ được tăng cường hơn rất nhiều. Khách hàng sẽ có niềm tin hơn vào hoạt động tư vấn pháp luật, họ coi đây là một trong các chiến lược trợ giúp kinh doanh chứ không đơn thuần là các biện pháp chữa cháy.

Tiếp thu những chiến lược kinh doanh mới

Đã qua rồi thời điểm mà chỉ có một cách làm việc duy nhất. Hợp tác và kinh doanh trong các lĩnh vực khác nhau đang nhanh chóng trở thành những chiến lược kinh doanh hiệu quả. Lĩnh vực tư vấn pháp luật cũng vậy.

Như các thị trường khác, để tồn tại và phát triển trong lĩnh vực này, các công ty luật cần liên tục đặt ra cho mình những kế hoạch kinh doanh khác nhau nhằm ngày một nâng cao chất lượng dịch vụ bảo vệ, duy trì và mở rộng các khách hàng trên thị trường.

Trong bối cảnh công nghệ lấn át kinh doanh, hoạt động tư vấn pháp luật dù được đánh giá là khá “bảo thủ và truyền thống”, các công ty luật cũng cần ứng dụng những công nghệ mới vào trợ giúp công việc hàng ngày của mình chẳng hạn như thiết lập hệ thống hoá đơn điện tử, hệ thống quản lý văn bản, lưu giữ thông tin và các công nghệ hiện đại khác. Chính những công nghệ này sẽ một mặt sẽ nâng cáo tính hiệu quả trong hoạt động tư vấn mặt khác sẽ giảm thiểu chi phí thuê tư vấn cho khách hàng đến mức thấp nhất.

Các công ty luật nên thường xuyên thay đổi mình, đáp ứng tốt nhất mọi mong muốn của khách hàng để công ty mình có tên trong Danh sách những công ty được yêu thích và lựa chọn của khách hàng.

Hãy là đối tác lâu dài và đáng tin cậy

Khi mà ngày càng có nhiều công ty luật trên thị trường sẵn sàng nhảy vào chiếm lấy các khách hàng của bạn, việc thiết lập và duy trì một quan hệ đối tác lâu dài và tin tưởng giữa công ty luật với các khách hàng là rất cần thiết để sao cho cứ khi nào cần là khách hàng sẽ nhờ ngay đến mình hay chí ít thì cũng xem xét có nên tiếp tục hợp tác nữa hay không. Nhiều và nhiều hơn các khách hàng công ty ngày nay đã đề ra các chiến lược kinh doanh thắt chặt chi tiêu và việc phải nhờ đến tư vấn từ bên ngoái.

Việc tạo ra mối quan hệ đối tác chiến lược mặc dù hứa hẹn nhiều công việc pháp lý ổn định trong tương lai những không đảm bảo rằng công việc sẽ suôn sẻ và sự uỷ thác sẽ vô hạn định. Phần lớn những mối quan hệ hợp tác này không kéo dài quá thời gian 12 tháng. Tuy nhiên, nhiều công ty vẫn nâng cao khả năng cạnh tranh để được lựa chọn và duy trì sự hiện diện của mình trong Danh sách những công ty luật được khách hàng yêu thích và lựa chọn.

Kết luận

Những doanh nhân làm nghề sản xuất, kinh doanh sẽ không sản xuất kinh doanh những mặt hàng không đem lại lợi nhuận cho họ. Còn các công ty luật, có khi biết nguy hiểm vẫn phải làm. Chẳng hạn đứng ra bào chữa cho những công ty đã vi phạm pháp luật kinh doanh khỏi bị thiệt hại năng nề. Có thể những hành động này khiến nhiều người không thích các công ty luật, nhưng đó là một trong những “hoạt động kinh doanh thu lợi nhuận” của họ.

Trong kinh doanh, các doanh nhân đương nhiên phải tính toán sao cho có lợi nhuận. Nhưng, khoản lợi nhuận ấy phải do bàn tay khéo léo và khối óc thông minh tạo ra. Đó là nghệ thuật kinh doanh chân chính. Những công ty luật thành công trong một thị trường đầy cạnh tranh như hiện nay là những công ty hiểu được nhu cầu, giá trị, hình ảnh và mục tiêu kinh doanh của khách hàng.

Làm việc thêm giờ miễn phí không phải là cái gì đó bất thường đối với những công ty luật thành công bởi theo họ điều này đồng nghĩa với việc họ đang cùng với khách hàng chia sẻ khó khăn nhằm đạt được những mục tiêu kinh doanh đề ra. Qua đó, sẽ xây dựng một mối quan hệ hợp tác lâu dài và ổn định trong tương lai với khách hàng.

Các công ty luật cần hiểu rõ một chân lý rằng họ đang kinh doanh một dịch vụ theo yêu cầu của khách hàng, khách hàng quyết định sự tồn tại của mình và mối quan hệ giữa mình với khách hàng là mối quan hệ cộng sinh, hai bên cũng có lợi.

Thị trường tư vấn pháp luật giờ đây không khác các thị trường là là bao, đều có những thách thức và mang tính cạnh tranh nhằm thu lợi nhuận cao nhất. Hoạt động tư vấn pháp luật là một nghề giống như mọi nghề khác, cùng chịu sự chi phối của quy luật thị trường. Do đó, để tồn tại và phát triển, các công ty luật cần tiếp thu và đề ra các nghệ thuật kinh doanh mới cho phù hợp./.

Vài nét về tác giả: Richard Brzakala là một nhà quản lý hoạt động tư vấn luật pháp tạo Phòng luật của Viện tài chính ở Toronto, Canada. Tại đây, Richard có trách nhiệm quản lý hoạt động tư vấn của nhiều luật sư nổi tiếng cũng như chịu trách nhiệm báo cáo tài chính về những thông tin chi phí tư vấn pháp luật, sự tuân thủ của các công ty luật.

Với bài viết này, bằng kinh nghiệm thực tế của mình, Richard muốn chia sẻ những đánh giá và phân tích của mình về hoạt động của các công ty luật trong một thị trường pháp lý đầy tính cạnh tranh như hiện nay.

Gần đây, Richard đã làm việc và đưa ra nhiều lời khuyên về việc triển khai và cung cấp các công nghệ hiện đại như thanh toán trực tuyến, mạng nội bộ, mã hoá những thông tin liên quan đến dịch vụ pháp luật tại công ty của mình.

(BwPortal)