Thursday, August 14, 2008

Để khoác lên sản phẩm "tấm áo choàng" của niềm tin

Để duy trì một thương hiệu có uy tín và lâu dài, doanh nghiệp cần phải đầu tư xây dựng thương hiệu.

Thế nhưng đầu tư như thế nào và đầu tư vào lúc nào? Nghiên cứu của Giáo sư John Quelch và đồng nghiệp sẽ mang lại cho công ty bạn nhiều ý tưởng hay từ thực tế. Xây dựng uy tín thương hiệu phải là một phần trong kế hoạch phát triển.

Jim Burke, nguyên CEO của Johnson & Johnson, khẳng định giá trị của một thương hiệu là “giá trị của lòng tin được tích lũy nhờ hoạt động đầu tư tiếp thị và sự trải nghiệm của khách hàng qua thời gian”.

Một thương hiệu được đánh giá cao khoác lên sản phẩm... hoặc dịch vụ tấm áo choàng của niềm tin và sự nể trọng.

Chi phí cho xây dựng thương hiệu sẽ giảm nhẹ chứ không tăng thêm, mức độ mạo hiểm đối với hoạt động kinh doanh sẽ thấp hơn do uy tín thương hiệu giúp che chở công ty trong thời gian khủng hoảng, bảo vệ công ty trước các đối thủ cạnh tranh bằng giá thấp và tạo bệ phóng cho tăng trưởng. Uy tín thương hiệu là tài sản của công ty mà mọi CEO và ban quản trị buộc phải lưu tâm đến.

Đầu tư tiếp thị cho thương hiệu nhằm gắn bó khách hàng với những tính năng hoặc khả năng giải quyết vấn đề, đôi khi là cả những lợi ích tinh thần đặc biệt. Một thương hiệu luôn thu hút sự chú ý về những gì nó có thể mang lại.

Nếu một thương hiệu được đảm bảo, hoặc mang lại nhiều lợi ích hơn mức kỳ vọng của khách hàng khi mua sản phẩm, tổng doanh số bán và tỷ lệ mua lại sản phẩm đó sẽ cao hơn. Áp lực cạnh tranh về giá từ các đối thủ khác có thể được dẹp bỏ. Tiếng đồn có lợi cho thương hiệu sẽ nhiều hơn.

Các thương hiệu có tiếng quay vòng nhanh hơn vì vậy lãi suất cận biên và giá bán lẻ có thể thấp hơn so với những hàng hóa tương tự, nhờ đó tác động mạnh hơn tới mức cầu. Khách hàng trên toàn thế giới luôn hào hứng với những sản phẩm mới được tung ra thị trường dưới sự bảo hộ của một thương hiệu uy tín.

Nếu một thương hiệu lâm vào tình trạng rắc rối không mong đợi thì uy tín thương hiệu đã tạo dựng được nhờ luôn làm hài lòng khách hàng sẽ mang lại cho thương hiệu đó cơ hội thứ hai để vượt qua.

Ngày nay, việc kiên trì đầu tư cho thương hiệu có thể đưa các công ty lên vị trí dẫn đầu và tăng thêm giá trị của cổ đông.

Samsung hiện xếp thứ 21 trong danh sách các thương hiệu có giá nhất toàn cầu của công ty tư vấn Interbrand (được xác định căn cứ vào lãi suất mà thương hiệu có thể mang lại cho doanh nghiệp trong tương lai), trong khi 10 năm trước tập đoàn này thậm chí còn không được xếp hạng.

Danh sách BrandZ 2008 của Millward Brown xếp Google là thương hiệu mạnh nhất thế giới, trên cả General Electric, Microsoft và Coca Cola.

Các công ty B2B (giao dịch giữa các công ty với nhau) cũng như các công ty tiêu dùng đều có thể định hướng tăng trưởng thông qua quảng bá thương hiệu. Trong danh sách của Interbrand, 4 thương hiệu đứng đầu đều là của các công ty chủ yếu bán sản phẩm, dịch vụ cho các công ty khác như General Electric, IBM, Microsoft và Intel.

Những công ty này ý thức được rằng sự ghi nhận của người tiêu đối với chất lượng và những cải tiến sản phẩm sẽ tăng cầu từ phía các nhà phân phối với vai trò là kênh đưa sản phẩm, gồm cả những phiên bản mới nhất, đến người tiêu dùng.

Kế hoạch phát triển của công ty cần phải quy định chi phí đầu tư cho xây dựng thương hiệu và định hướng đầu tư thương hiệu theo hướng phát triển thương hiệu hiện tại hay xây dựng thương hiệu mới. Tung tiền cho quảng bá thương hiệu khi “không có gì mới” là một sự lãng phí.

Tiếp thị và xây dựng thương hiệu tác động nhiều nhất tới tăng trưởng của công ty khi đi kèm với những cải tiến thực sự về công nghệ hoặc cách thức hoạt động. Trong trường hợp của Samsung, đầu tư xây dựng thương hiệu chỉ được xúc tiến sau khi công ty đã mạnh dạn chuyển sang các sản phẩm công nghệ số và phát triển các kênh phân phối được cải tiến mạnh mẽ.

Hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng của tiếp thị và xây dựng thương hiệu sẽ kém nhất khi cam kết của thương hiệu đối với khách hàng vượt quá khả năng công ty có thể mang lại. Như trường hợp các hãng hàng không Mỹ là một điển hình: họ thiếu thận trọng trong việc quảng cáo lịch trình đúng giờ, hạng vé hành khách tiện nghi hoặc chuyển giao đồ mau lẹ.

Nhìn chung, các công ty thu được lợi ích thông qua việc tập trung xây dựng một thương hiệu chính thật mạnh có uy tín như nhau tại tất cả các thị trường. Sau đó có thể mở rộng thương hiệu dọc theo các mức giá thành (dù mở rộng theo chiều giá xuống dễ hơn theo chiều giá lên, nhưng Toyota lại đưa ra nhãn hiệu Lexus theo chiều lên).

Công ty cũng có thể mở rộng thương hiệu theo chiều ngang theo các danh mục sản phẩm; nâng cấp thương hiệu hiện có theo cách này có thể tiết kiệm chi phí. Song các thương hiệu có giá nhất trên thế giới đều tập trung vào duy nhất một danh mục sản phẩm.

Microsoft tập trung vào phần mềm, Nokia vào điện thoại di động, Coca Cola vào đồ uống. Liệu người mua đàn piano của Yamaha có đánh giá cao thương hiệu này vì công ty đồng thời sản xuất ván trượt tuyết và mô tô hay chính sự đa dạng về danh mục hàng khiến người tiêu dùng thêm bối rối?

Các sản phẩm mới mang tính đột phá thực sự xứng đáng có được một cái tên nhãn hiệu mới, nhưng quá nhiều nhãn hiệu được đặt dưới sự bảo hộ của nhãn hiệu chính hiện có sẽ dẫn đến hậu quả là tiềm năng thu lợi của chúng không được ghi nhận.

Thử nghĩ điều gì sẽ xảy ra nếu IBM hoặc Microsoft phát triển Google. Liệu những thương hiệu này có kìm hãm sự phát triển của Google, biến công cụ tìm kiếm thành một phần hoạt động mở rộng thay vì là một dịch vụ quan trọng?

Thực tế, Google là một thương hiệu để chiếm hữu. Những người dùng ban đầu cảm thấy họ được khám phá một dịch vụ độc lập, không có tính kinh doanh và rồi chiếm hữu nó. Những người sử dụng Google tập hợp lại dưới dạng một câu lạc bộ không chính thức và họ tin tưởng Google “không làm gì xấu”.

Tên thương hiệu nổi tiếng có thể tạo cơ hội để khách hàng đánh giá về các sản phẩm mới, nhưng nếu không có mối liên hệ giữa hình ảnh thương hiệu đã được tạo dựng với một dịch vụ, sản phẩm mới hoặc giữa những người hiện sử dụng thương hiệu hiện có với đại diện tiềm năng của sản phẩm cải tiến, bạn cũng có thể đạt được hiệu quả lợi nhuận tốt hơn với một thương hiệu mới và một chiến dịch tiếp thị riêng rẽ .

Khi nhận thấy do quá tập trung vào phân khúc hàng tiêu dùng bán lẻ tăng trưởng nhanh trong thập kỷ 90 gây tổn hại đến mối quan hệ với những thương nhân chuyên nghiệp vì việc gắn bó với thương hiệu gặp khó khăn, công ty Black & Decker đã đưa trở lại thương hiệu DeWalt (cưa tay bánh răng tròn), coi đó là cơ sở để tung tiếp ra thị trường một loạt các thiết bị điện hiệu suất cao, không liên quan gì đến nhãn hiệu chính. Doanh số bán của DeWalt tăng mạnh khi các thương nhân giao riêng cho thương hiệu đặc biệt này.

(Vietnamnet)

Xác định thời điểm thích hợp để xây dựng kế hoạch marketing

Khi được hỏi:“Khi nào là thời điểm thích hợp nhất để xây dựng và triển khai kế hoạch marketing trong năm? Rất nhiều người sẽ trả lời bạn rằng: “Không có thời điểm nào thích hợp hơn hiện tại”.

Đó không chỉ bởi vì đã sắp hết tháng Hai, và cũng không có nghĩa là đã quá muộn để lên kế hoạch marketing cho năm nay. Jay Levinson, đồng tác giả cuốn sách “Marketing du kích trong 30 ngày”, đã nói: có hai thời điểm thích hợp nhất để triển khai một chiến lược marketing.

Thời điểm thứ nhất là ngay bây giờ, ngay thời điểm này và thời điểm thứ hai là bất cứ khi nào mà bạn bắt tay vào kinh doanh. Nếu bạn đã bỏ lỡ cơ hội lập kế hoạch marketing khi bắt đầu kinh doanh và chẳng có cách nào để thời gian quay trở lại, thì bạn hãy tập trung xây dựng nó ngay bây giờ.

Hoạt động marketing rất phức tạp. Nó là tập hợp của rất nhiều chiến lược và các thành tố khác nhau và để hoạt động marketing có hiệu quả, việc đầu tiên là bạn phải lên kế hoạch, sau đó tập hợp nguồn lực để kiên định thực hiện kế hoạch mà bạn xây dựng.

Việc thiết lập ra một lịch trình cho việc thực hiện kế hoạch marketing là cách tốt nhất để tổ chức các hoạt động marketing của bạn. Và lịch trình thực hiện kế hoạch cũng được xem như là một tài liệu làm việc cần thiết mà bất cứ khi nào cần, bạn có thể xem lại và cập nhật thêm kế hoạch trong suốt cả năm.

Lịch trình thực hiện kế hoạch marketing không phải được xây dựng dựa trên sự tưởng tượng hay tính võ đoán. Bạn nên tham khảo và sử dụng biểu đồ. Trục X là trục thời gian. Trục Y là các sáng kiến marketing, các sự kiện hoặc các hoạt động marketing bạn sẽ thực hiện trong năm kế hoạch.

Ví dụ, nếu bạn có dự định thực hiện các hoạt động xúc tiến bán hàng hai tháng một lần, bắt đầu từ tháng Hai, bạn có thể đặt vào trục X các cột tháng Hai, tháng Tư, tháng Sáu, tháng Tám, tháng Mười, tháng Mười Hai. Nếu như bạn có dự định phát hành thư chào hàng mỗi tháng một lần, tên các tháng trong năm sẽ được đặt trên đầu các cột của trục X tương ứng với tên hoạt động đó ở phía bên trái các cột.

Làm cách nào bạn có thể lên được một lịch trình thực hiện các kế hoạch marketing trong năm? Các hoạt động marketing nào bạn sẽ thực hiện? Tất cả các ý tưởng marketing xuất hiện bất chợt nếu chỉ nằm im trong đầu của bạn, chúng sẽ chẳng có nghĩa lý gì cả, nhưng biết đâu nếu đem áp dụng, nó sẽ trở nên rất có ý nghĩa và mang lại hiệu quả bất ngờ.

Hãy cân bằng các hoạt động marketing với những hoạt động khác bạn cần làm trong kinh doanh của bạn. Lên kế hoạch cho những gì bạn có thể làm phải trọn vẹn, đầy đủ chứ không phải chỉ đưa ra một cách hời hợt, nửa vời. Và vấn đề đầu tiên mà bạn cần phải xem xét trước khi đưa ra các ý tưởng của mình vào ma trận, đó là sự phù hợp, tính thực tế và khả năng tài chính.

Sử dụng lịch trình cụ thể cho một kế hoạch marketing cho phép bạn làm được bốn điều sau đây đối với các hoạt động marketing của mình:

1. Giúp bạn có thể tổ chức, phân loại và ưu tiên thực hiện các ý tưởng và hoạt động marketing trong năm. 2. Giúp bạn phát hiện và đặt các hoạt động marketing vào đúng vị trí.

Nếu có quá nhiều cột trên trục X có nghĩa là bạn nên mở rộng các hoạt động kinh doanh của mình. Tuy nhiên, nhiều khi các ý tưởng về hoạt động marketing đưa ra trong lịch trình chỉ là kết quả của các hoạt động kinh doanh mang tính thời vụ và dựa trên thói quen mua hàng của người tiêu dùng.

Ví dụ, các hoạt động bán lẻ sẽ diễn ra mạnh vào quý thứ ba trong năm, và rất nhiều hoạt động khuyến mại, giảm giá sẽ được thực hiện trong quý thứ tư, vì đó là mùa của nghỉ ngơi và du lịch.
3. Giúp bạn loại bỏ các khoảng trống trong hoạt động marketing.

Việc thực hiện một kế hoạch dày đặc các hoạt động marketing sẽ khiến cho các sản phẩm của bạn luôn ở trong sự lựa chọn của khách hàng hiện tại, cũng như là cơ hội tốt để vươn tới các khách hàng tiềm năng. Mục tiêu quan trọng của bạn đối với các hoạt động marketing là phải giành được vị trí đầu tiên trong nhận thức của khách hàng.

Tính kiên định, trước sau như một là một chìa khóa quan trọng, và điều này chỉ có được khi các hoạt động marketing được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong năm. Vì vậy, hãy loại bỏ những khoảng trống trong hoạt động marketing của bạn.

4. Giúp bạn đánh giá một cách dễ dàng hơn các hoạt động marketing.

Vào thời điểm cuối năm, hoặc bất cứ quý nào hoặc thời điểm nào mà bạn đã định ra, hãy phân loại các hoạt động và ý tưởng sáng tạo. Bạn có thể sử dụng cách phân cấp tầm quan trọng, xếp theo thứ tự từ 1 đến 10. Hoặc bạn cũng có thể sử dụng phân loại đơn giản hơn, theo thứ tự A, B, C.

Nếu như các ý tưởng sáng tạo mang lại hiệu quả cho hoạt động kinh doanh của bạn, hãy đánh dấu nó lại. Nếu như nó mang lại thành công vừa phải, hãy xếp nó ở vị trí trung bình. Còn nếu nó không hoạt động hiệu quả hoặc khó thực hiện, hãy xếp nó vào vị trí thấp.

Giá trị thiết thực của hoạt động này là: khi bạn lên kế hoạch marketing cho năm tiếp theo, hãy xem xét và áp dụng lại những hoạt động đã mang lại hiệu quả và những gì đã được bạn đánh giá cao. Cố định, cải tiến hoặc cũng có thể cắt bớt các hoạt động mà bạn xếp vào mức độ trung bình. Cuối cùng, loại bỏ các hoạt động marketing mà không mang lại hiệu quả nào cả.

Đây là những giá trị mà việc lập lịch trình cụ thể để thực hiện các kế hoạch marketing sẽ mang lại cho bạn. Hãy làm những gì mà bạn thấy cần thiết phải làm cho hoạt động kinh doanh của mình.

Bạn có thể lên kế hoạch cho từng quý, nếu thấy việc này dễ dàng hơn cho việc lên kế hoạch cho hàng tháng. Một khi bạn đã lập ra được kế hoạch marketing, hãy theo sát và kiên trì thực hiện nó. Các thành công trong kinh doanh sẽ đến với bạn.

(Entrepreneur)

Mười lý do cho việc đánh giá lại chiến lược marketing trong xây dựng thương hiệu

Việc đánh giá lại để đảm bảo sự hợp lý có thể là một công cụ đầy sức mạnh tác động đến sự thay đổi trong các tổ chức và thương hiệu.

Chúng cần được lên kế hoạch cẩn thận, thận trọng và cần có kinh nghiệm, nhưng rõ ràng chúng có thể giúp thương hiệu và tổ chức của bạn tiến lên một cấp độ mới. Chúng đặc biệt quan trọng đối với những nhà quản lý những người có trách nhiệm tạo ra, xây dựng và duy trì thương hiệu.

Cân nhắc lại chiến lược marketing, một số lý do chính:

1. Để xác nhận lại toàn bộ các vấn đề về thương hiệu và chiến lược trong quản lý.

Các thị trường được đáp ứng bởi hầu hết tất cả các tổ chức đang thay đổi với tốc độ bất thường. Trong khi đó tuyên ngôn sứ mạng, tầm nhìn và toàn bộ định vị thương hiệu của bạn có thể là được thiết kế cho những điều kiện dài hạn. Điều này là mấu chốt khiến bạn cần xem lại và xác nhận lại thương hiệu, chiến lược của mình.

Những thay đổi về công nghệ, hoạt động cạnh tranh, kinh tế thế giới và một vài vấn đề khác có thể đòi hỏi bạn phải thay đổi định vị thương hiệu. Tối thiểu thì chiến lược hoạt động trong ngắn hạn cần phải được xem lại và phải được điều chỉnh cho phù hợp với những thay đổi thực tế. Và, vẫn có nhiều công ty lớn không có tuyên ngôn định vị chính thức được xác định cho tương lại xem xét lại là một ý tưởng không tệ.

2. Để thống nhất trong quản lý

ngay cả những đội ngũ quản lý tốt nhất cũng có thể đánh sự tập chung vào mục tiêu chính bởi mỗi cá nhân trong đội làm việc ở những mảng khác nhau. Việc đánh giá lại có thể là một cách tốt để thống nhất trong toàn đội và đảm bảo rằng tất cả mọi người trong đội đều hướng đến mục tiêu và chiến lược chung.

Đánh giá lại cũng là một cách tốt để giúp những nhân tố mới hòa nhập với đội. Trong cả buổi họp chính thức lẫn thời gian giải lao, ăn trưa, nghỉ ngơi có thể giúp mọi người hiểu về nhau tốt hơn và điều đó là rất cần thiết khi công việc đang ngày càng trở lên phức tạp.
3. Để giải quyết những bất đồng và làm dịu những căng thẳng

Những bất đồng về quan điểm, căng thẳng giữa những thành viên xuất hiện trong mọi tổ chức. Chúng dần trở thành những u nhọt phá hoại tổ chức, những cuộc thảo luận mở có thể là một cách tốt để mọi người cùng chia sẻ quan điểm của mình và cùng giải quyết vấn đề.

4. Để xác định những vấn đề phát sinh.

Những vấn đề phát sinh thường không được giải quyết ngay. Bởi vì không có được sự thống nhất trong cách giải quyết giữa các bộ phận. Trong điều kiện hoạt động đánh giá lại được thực hiện tốt, những vấn đề phát sinh có thể được nhận diện, việc phân tích bắt đầu được tiến hành hoặc kế hoạch hành động sẽ được vạch ra.

5. Để động não và sáng tạo

Khác hẳn những xung đột của công việc hàng ngày, không phải trả lời điện thoại và email. Nó có thể thúc đẩy sự sáng tạo ở mức độ cao hơn. Nhóm sáng tạo cần được hỗ trợ rất nhiều như một người có thể làm rõ được ý tưởng của người còn lại.

6. Để phát triển sản phẩm và chương trình mới

Thêm vào việc động não cho sản phẩm và chương trình mới, cuộc thảo luận lành mạnh có thể vạch ra những định hướng và kế hoạch mới. Bởi vì sản phẩm và chương trình mới liên quan đến hành động của tất cả các phòng ban, xem xét lại toàn bộ vấn đề có thể là cách tốt để vạch ra kế hoạch, phân công công việc, lên thời gian biểu, lập ngân sách và nhiều hành động khác từ viễn cảnh của một bức tranh lớn.

7. Để đối mặt và giải quyết khủng hoảng

Cho dù là những thương hiệu tốt nhất cũng có lúc gặp khủng hoảng, dạng này hoặc dạng khác. Khi khủng hoảng xảy ra thường xuất hiện những cuộc họp khẩn cấp để xem xét và đánh giá vấn đề và đưa ra hướng giải quyết. Việc đánh giá lại toàn bộ vấn đề không chỉ giúp tổ chức đối đầu với khủng hoảng trước mắt mà còn giúp cho tổ chức phát triển bền vững trong tương lai.

8. Để cung cấp việc đào tạo quản lý

Một lợi ích chính của việc đánh giá lại một vấn đề đó là sự cung cấp các kiến thức quản lý một cách liên tục từ những nguồn thuộc nội bộ hay bên ngoài về những chủ đề khác nhau. Trong khi thảo luận những người diễn thuyết có thể cung cấp các thông tin về môi trường hiện tại của ngành mà tổ chức tham gia, những xu hướng mới hoặc những thông tin khác giúp nhà quản lý và đội ngũ của họ làm việc hiệu quả hơn. Đánh giá lại cũng là một cách hoàn hảo giúp những lãnh đạo mới nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm của họ trong tổ chức.

9. Để thưởng và nhận biết những cá nhân có thực lực

Một yếu tố quan trọng trong việc đánh giá lại đó là nhận diện những cá nhân suất sắc trong đội ngũ của tổ chức, những người luôn có đóng góp nổi bật đối với tổ chức. Thảo luận về những thành công và thành quả của họ. Nếu điều này được làm tốt có thể thúc đẩy tinh thần của cả tổ chức. Rõ ràng những thành quả đều được tán dương nhưng cũng cần nhận biết ai đã giúp đỡ cả đội, động viên mọi người đạt được kết quả tốt như thế.

10. Để xây dựng sự đồng tâm nhất trí

Nếu thực hiện tốt chín điều trên sẽ rất có ích trong việc xây dựng sự đồng tâm, nhất trí cùng hướng đến mục tiêu của thương hiệu. Điểm cuối cùng này được thể hiện như một bản tóm tắt bởi người lãnh đạo có thể vấp phải những rào cản trong việc phát triển công ty.

Việc đánh giá lại một vấn đề có thể cho phép bạn nhận dạng những rủi ro của vấn đề đó và giúp cho đội ngũ của bạn đạt được kết quả tốt nhất trong công việc. Khi một nhóm cùng tham gia thực hiện một công việc sẽ thành công hơn nhiều so với việc thực hiện theo chỉ thị và mệnh lệnh.

Thương hiệu luôn luôn phát triển và thay đổi liên tục. Việc giám sát và đánh giá lại là rất cần thiết để có thể xác định đúng lợi ích lâu dài của thương hiệu.

(brandchannel)

Từ “hẹn hò” tốc độ đến tiếp thị thành công

Các ý kiến và nhận định của chúng ta được hình thành trong chớp mắt. Và nghệ thuật nằm chính ở chỗ bạn phải làm sao để tạo ra các quảng cáo thu hút được sự chú ý của mọi người mà không cần quá hoành tráng.

Bạn đã từng bao giờ nghe đến thuật ngữ “hẹn hò tốc độ” (speed dating)? Đây là xu hướng mới nhất của những người độc thân sống tại các khu vực đô thị lớn ở châu Âu và Mỹ.

Nắm bắt nhu cầu cho một dịch vụ mới mẻ, hàng loạt các công ty mới được thành lập để phục vụ các khách hàng, chẳng hạn như 8 Minute Dating, Hurry Date hay PreDate.

Công ty PreDate cho biết “hẹn hò tốc độ” là một phương thức hiệu quả và thú vị dành cho những người độc thân bận rộn có điều kiện gặp gỡ nhau. Đầu tiên, họ sẽ gặp gỡ mặt đối mặt với những người khác trong cùng độ tuổi của mình và có cùng mối quan tâm tại những quán bar hay nhà hàng địa phương trong vòng 6 phút. Thật tuyệt vời... có đến 12 cuộc hẹn hò mặt đối mặt trong một đêm!.

Hãy tạo ra một ấn tượng tốt đẹp ngay trong 6 phút đầu tiên hoặc mối quan hệ sẽ chấm dứt. Điều này sẽ tạo ra nhiều sức ép. Song về một mặt nào đó, 6 phút có lẽ đã là quá nhiều. Theo chuyên gia giao tiếp nổi tiếng Michael Sunnafrank, mọi người có xu hướng đưa ra các kết luận về một ai đó trong vòng 3 phút gặp mặt đầu tiên.

Và các nhà nghiên cứu tại trường đại học Carleton còn cho rằng chỉ mất chưa đầy 5 giây để mọi người quyết định mình thích hay không thích một ai đó hay một điều gì đó. Thật là nhanh chóng.

Đương nhiên, có thể có rất nhiều tranh luận về việc này. Liệu những nhận xét về một ai đó dựa trên những ấn tượng đầu tiên có chính xác không? Và cũng không khó để tìm ra các ví dụ về một đôi uyên ương nào đó đến với nhau trên cơ sở “tình yêu từ cái nhìn đầu tiên” và sau đó họ lại tiếc nuối về nó.

Tuy nhiên, tranh cãi về vấn đề có hay không hành động dựa trên những ấn tượng đầu tiên chắc chắc không thể thay đổi sự thực rằng các ấn tượng đầu tiên luôn tồn tại – và chúng có sức mạnh rất lớn. Những gì đúng trong các mối quan hệ giữa những con người cũng đúng với hoạt động tiếp thị và quảng cáo.

Julie Roehm, phó chủ tịch phụ trách tiếp thị của Wal-Mart đã nhận ra điều này: “Nếu tôi có thể khiến các bạn để ý và phì cười cũng như cảm thấy thoải mái với nhãn hiệu của chúng tôi trong chương trình quảng cáo TV, thì tức là tôi đã thành công”. Rõ ràng, Julie hiểu được vai trò của những ấn tượng đầu tiên đối với hoạt động quảng cáo, tiếp thị.

Đáng tiếc, ít người có được những suy nghĩ và hành động như Julie. Họ như những người đã thất bại trong việc tạo ra ấn tượng đầu tiến nhưng vẫn tiếp tục kéo dài các cuộc hẹn hò tốc độ tiếp theo và mong đợi sẽ có được kết quả trong 6 phút.

Việc này không những không thể xảy ra, mà nếu bạn vẫn còn tiếp tục quá sốt sắng, bạn có thể huỷ hoại các cơ hội còn lại của mình. Ttrong các hoạt động kinh doanh, rõ ràng bạn không thể thường xuyên khơi mở và kết thúc một giao dịch bán hàng trong duy nhất một cuộc gặp.

Một kế hoạch tiếp thị tuyệt vời bao gồm sự pha trộn hợp lý tất cả các chiến lược được thiết kế cho cùng một mục tiêu cụ thể. Một vài hành động nhằm tạo ra những ấn tượng đầu tiên, một số khác nhằm cung cấp thông tin, và một số không ít nữa để thúc đẩy khách hàng đi đến quyết định mua hàng.

Nhưng quy trình tổng thể phải đem lại cho khách hàng mục tiêu của bạn cảm thấy thoải mái nhất. Hãng Chrysler hiểu rõ điều đó, ít nhất là dưới triều đại quản lý của Roehm.

Cả tập đoàn Tiffany cũng vậy. Tiffany đã quảng cáo trên tờ New York Times kể từ đầu thập niên 20 của thế kỷ trước, và qua nhiều năm, họ đã sở hữu riêng một vị trí quảng cáo có kích thước 4 x 7 inch tại trang thứ ba.

Đương nhiên, Tiffany thường xuyên nêu bật một sản phẩm trong quảng cáo, nhưng nó không quá thiên về giới thiệu và thúc đẩy bán hàng mà thay vào đó hãng luôn trung thành với sự đem lại sự thoải mái của khách hàng. Trong quảng cáo của hãng luôn có hình ảnh để minh hoạ, và trong suốt quy trình bán hàng khách hàng của họ luôn cảm thấy dễ chịu.

Để thấy rõ hơn, bạn hãy ghé thăm trang web của công ty. Caroline Naggiar, phó chủ tịch phụ trách tiếp thị của Tiffany, cho biết: “Hầu hết các trang web đều trông như trang nhất của một tờ báo khổ lớn đăng tin rao vặt hàng chục loại sản phẩm cùng được bày lên một lúc”.

Đồng thời, bạn đừng rơi vào trường hợp của một công ty môi giới bất động sản đã từng công bố tên kinh doanh mới bằng một thông điệp khuyếch trương “Một cái tên ngắn gọn, cùng những khả năng có một không hai”. Rõ ràng, công ty này nên thận trọng hơn, không nên đưa ra một khẩu hiệu bóng bẩy như vậy. “Những khả năng vô song” không phải là yếu tố các khách hàng cần tới.

Theo Caroline, quảng cáo của hãng Tiffany không hướng tới những hành động mua bán ngay lập tức mà thay vào đó là những yếu tố nhẹ nhàng, dễ chịu và chất lượng. “Chúng tôi muốn trở thành một ốc đảo dễ chịu giữa sa mạc rộng rộng lớn”, Caroline cho biết.

Luôn có một thời điểm thích hợp để chào hàng, một thời điểm để thúc đẩy các mối quan hệ, và một thời điểm để đề nghị đơn đặt hàng. Những nhà quảng cáo thành công nhất hiểu được điều này và họ không bao giờ hy vọng trong một quảng cáo riêng lẻ có thể thực hiện cùng một lúc tất cả các chức năng trên.

Trên thực tế, những nhà quảng cáo chuyên nghiệp tập trung toàn bộ sức lực của mình để nuôi dưỡng các mối quan hệ, họ hiểu rằng rằng những khách hàng nào yêu thích và tôn trọng nhãn hiệu của họ sẽ mua hàng của họ. Quả vậy, nghe đúng như một chiến lược “hẹn hò tốc độ” tuyệt vời.

Hãy chú ý tới ấn tượng đầu tiên mà quảng cáo của bạn tạo ra trong tâm trí mọi người. Đừng đề nghị họ hành động quá nhiều. Hãy quan tâm tới tính tinh tế và sự nhẹ nhàng. Và dĩ nhiên, bạn không thể không nhìn lại và đánh giá những thông điệp đã gửi đi.

(Bwportal)

Mobile thương hiệu Việt: Đã đi đến đâu?


Ít ai biết được thương hiệu mobile Việt đầu tiên là Vfone do Maseco tạo dựng. Nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau mà có lẽ quan trọng nhất là yếu tố thị trường, hiện nay thương hiệu này dường như không còn tồn tại trên thị trường nữa.

Thương hiệu ĐTDĐ cho người Việt là mong muốn của nhiều người tiêu dùng trong nước. Các đơn vị kinh doanh cũng hiểu rõ điều đó sẽ mở ra một hướng đi tốt trong môi trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay. Tuy nhiên, giữa việc nhìn ra và thực hiện lại là cả một quãng đường dài. Hãy cùng nhìn lại những gì mobile Việt đã làm trong thời gian qua.
Mobile Việt - ngày càng nhiều thương hiệu

Sự cạnh tranh quá khốc liệt trong thị trường kinh doanh điện thoại di động đã khiến cho các doanh nghiệp tham gia trên thị trường có những chọn lựa khác nhau để thay đổi tình hình kinh doanh. Xu hướng làm riêng cho mình một thương hiệu điện thoại di động là xu hướng được nhiều đơn vị kinh doanh chọn lựa.

Tỉ suất lợi nhuận trong việc kinh doanh một thương hiệu ĐTDĐ riêng biệt cao hơn hẳn với việc bán hàng cho các hãng Nokia, Motorola, Samsung, Sony Ericsson, LG... Đó chính là ưu điểm nổi bật của việc phát triển thương hiệu điện thoại di động riêng.

Ngoài ra, các đơn vị kinh doanh ĐTDĐ theo thương hiệu riêng của mình lấy điểm mạnh là đa tính năng, giá rẻ, họ hi vọng rằng sẽ giành được một miếng bánh giá trị trên thị trường mobile. Điều này có vẻ hợp lý khi mà xu hướng của thị trường đang tăng trưởng ở phân khúc khách hàng thu nhập thấp.
Mobile Việt - ngày càng nhiều

Ít ai biết được thương hiệu mobile Việt đầu tiên là Vfone do Maseco tạo dựng. Nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau mà có lẽ quan trọng nhất là yếu tố thị trường, hiện nay thương hiệu này dường như không còn tồn tại trên thị trường nữa.

Trong vòng vài năm trở lại đây, với nhiều người, kể cả những người đang hoạt động trong ngành ĐTDĐ Việt Nam đều vẫn cho rằng các thương hiệu: Wellcom, Mobell, Vcall, E-touch, Malata, Connspeed, Bavapen, Q-Mobile, HQ... tất cả đều là thương hiệu mobile của người Việt.

Nhưng thực chất thì chỉ có các thương hiệu như: Bavapen, Connspeed, Q-mobile mới đúng do người Việt tạo dựng và phát triển. Các cái tên còn lại như Wellcom, E-touch, Malata... là thương hiệu nước ngoài và có mặt tại Việt Nam sau khi đã xuất hiện tại các quốc gia khác.

Bên cạnh việc số lượng thương hiệu điện thoại ngày càng nhiều hơn, các doanh nghiệp này cũng dần thể hiện sự thay đổi trong quan điểm định hình thương hiệu. Nếu như lúc đầu đa phần các thương hiệu đều muốn tạo một cái mác "ngoại" thì nay họ lại có khuynh hướng Việt hóa thương hiệu.

Bằng chứng là nhiều doanh nghiệp đang quảng bá những thông điệp kiểu như: Thương hiệu ĐTDĐ Việt đầu tiên chính thức công bố hay thương hiệu ĐTDĐ chuẩn hóa cho người Việt. Có thể đây là một động thái khẳng định sự tự tin đối với các dòng sản phẩm mà các doanh nghiệp đang hướng đến cho một đối tượng khách hàng nhất định trong nước.

Bên cạnh việc số lượng thương hiệu điện thoại ngày càng nhiều hơn, các doanh nghiệp này cũng dần thể hiện sự thay đổi trong quan điểm định hình thương hiệu

Nhưng thực trạng là…

Sự thay đổi dù tích cực trong quan điểm của các doanh nghiệp không thôi vẫn chưa đủ để thể thay đổi được “định kiến” của khách hàng. Cụ thể là khách hàng vẫn quen dùng cụm từ “điện thoại Trung Quốc” khi nói đến nhóm sản phẩm này. Không quá khó để có thể lí giải được điều này.

Thứ nhất, quá trình xây dựng thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa đủ độ chín và chưa đủ mạnh để tạo ra sự khác biệt cho thương hiệu của mình so với các thương hiệu “mobile Việt quốc nội” khác, chứ chưa dám nói đến việc “bằng vai phải lứa” với các hãng mobile danh tiếng thế giới.

Chính vì chưa tạo ra được sự khác biệt đó nên khách hàng thấy rằng nhóm thương hiệu này cứ “na ná nhau”. Và bằng chứng là ngay cả giới kinh doanh ĐTDĐ Việt Nam cũng khó phân biệt được rõ ràng thương hiệu nào thực sự của người Việt.

Thứ hai, hiện Việt Nam chưa có các đơn vị gia công ĐTDĐ do dây chuyền sản xuất đòi hỏi phải có một nguồn vốn đầu tư lớn. Tuy nhiên, ngay cả khi đã có dây chuyền rồi, nếu không sản xuất số lượng lớn thì chi phí giá thành cũng rất cao.

Trong khi đó, các nhà máy gia công tại Trung Quốc, Đài Loan… đang gia công cho khá nhiều hãng điện thoại nên lợi thế về số lượng sản xuất lớn. Do vậy, nếu các đơn vị Việt Nam đặt hàng tại các nhà máy sản xuất này sẽ giảm được chi phí sản xuất.

Việc thuê gia công một cách tiện lợi như trên mặc dù có ưu điểm là ít tốn kém hơn, nhưng một hệ quả đi kèm của việc này là các sản phẩm làm ra đa phần chỉ dựa trên các mẫu mã do chính phía sản xuất đề nghị.

Chính vì thế, nó làm cho các sản phẩm mobile thương hiệu Việt đều “na ná” giống nhau và giống với các dòng sản phẩm mà người ta vẫn quen gọi là “ĐTDĐ Trung Quốc” trên thị trường. Giống đến nỗi, nhiều lúc, các model ĐTDĐ mang thương hiệu Việt với ĐTDĐ “made in China” tựa như cặp song sinh khiến không ít khách hàng thắc mắc.

Đây chính là điều khiến khách hàng chưa thể xóa bỏ những định kiến vốn đã ăn sâu để rồi từ đó họ khó có thể đánh giá cao các sản phẩm mang thương hiệu Việt.

Những nỗ lực được ghi nhận

Hơn ai hết, chính các đơn vị kinh doanh Việt là người nắm được rõ nhất thực trạng cũng như tâm lý của người tiêu dùng. Mặc dù thực trạng đó cũng có những nguyên nhân khách quan, nhưng không thể phủ nhận các doanh nghiệp vẫn đang tìm cách để khắc phục và nỗ lực khẳng định mình.

Với mong muốn tạo ra những chiếc mobile mang đậm dấu ấn Việt, ABTel đã tích hợp một số nội dung như hình ảnh Việt Nam vào các model điện thoại di động của mình. Model Z23 của Q-Mobile có hẳn một bộ sưu tập hình ảnh về Việt Nam như: vịnh Hạ Long, động Phong Nha, nhà thờ Đức Bà… Theo đơn vị này, sắp tới họ sẽ còn đầu tư cho sản phẩm nhiều hơn khi tích hợp thêm một số công nghệ mới nhằm nâng cao tầm sản phẩm.

Thành Công Mobile cũng đang rất nỗ lực cho sản phẩm Bavapen của mình bằng cách mạo hiểm phát triển cả dòng điện thoại di động dành cho doanh nhân là Bavapen P800, sử dụng hệ điều hành Windows Mobile, bàn phím QWERTY, có tích hợp Bluetooth cùng nhiều tính năng cao cấp khác.

Rõ ràng, với P800, Thành Công Mobile đang hình thành những tiêu chí đầu tiên cho việc phát triển một thương hiệu Mobile Việt đúng nghĩa. Đó là đa dạng và khác biệt hóa chất lượng sản phẩm.

Dù chưa thể so sánh với những dòng sản phẩm E-series của Nokia hay P-series của Sony Ericsson… nhưng phần nào thể hiện sự đột phá và bước tiến lớn của các doanh nghiệp sản xuất điện thoại Việt trên con đường xây dựng một nền công nghiệp điện thoại di động mang đậm “màu cờ sắc áo”.

Với những nỗ lực trên, hi vọng rằng, trong một tương lai không xa, người Việt sẽ có được cho riêng cho mình những thương hiệu mobile đạt chất lượng cao. Và xa hơn nữa, hy vọng mobile Việt không những làm hài lòng các khách hàng “nội địa” mà còn phải đặt mục tiêu vươn ra khu vực, chinh phục thị trường quốc tế.

(e-Chip Mobile)

Hãy tận dụng tốt lời giới thiệu của đối tác

Khi được một trong số những mối quan hệ làm ăn giới thiệu vị khách hàng quen thuộc của họ, bạn đừng vội nghĩ rằng người khách tiềm năng ấy sẽ luôn sẵn sàng lắng nghe những gì bạn trình bày về sản phẩm hoặc dịch vụ của mình rồi mua ngay món hàng.

Điều đầu tiên cần nói là cảm ơn và ngay sau đó bắt đầu công việc tìm hiểu thông tin.

Bạn sẽ phải cần nắm bắt được liệu những gì bạn chào hàng sẽ phù hợp với những nhu cầu của người khách hàng ấy. Sau đây là những cách bắc cầu từ “xa lạ” đến “thân thuộc”.

1. Đi từ tên và địa chỉ liên lạc.

Khách hàng lần đầu gặp bạn biết rất ít về bạn ngoài tên công ty và địa chỉ liên lạc của bạn. Điều cốt lõi là ít nhiều trong họ vẫn có niềm tin đối với bạn, do đó hãy tận dụng tốt lợi điểm ấy để phát triển mối quan hệ với khách hàng.

2. Được phép nhắc tên người giới thiệu.

“Ông A đã giới thiệu quý vị cho tôi” - bằng câu nói này, bạn đã tạo nên được một mối quan hệ gần gũi hơn với khách hàng.

3. Xin lời khen từ người giới thiệu hoặc thư giới thiệu.

Nếu được, hãy cố gắng thuyết phục người giới thiệu khách hàng mới viết hẳn một lá thư kèm những lời nhận xét về doanh nghiệp lẫn các sản phẩm hay dịch vụ của bạn. Được như thế, uy tín trong bạn với khách hàng mới sẽ tăng lên rất nhiều.

4. Coi trọng cú điện thoại của người được giới thiệu.

Nếu được người giới thiệu báo rằng khách hàng kia sẽ sớm tìm đến bạn qua một cú điện thoại cá nhân thì hãy chuẩn bị tâm lý, thời gian và cả nội dung để trò chuyện với khách hàng ấy, bởi ngay từ lúc nhấc máy, họ đã muốn lắng nghe những thông tin từ bạn.
5. Tận dụng cơ hội gặp gỡ tại hội nghị.

Nếu được gặp mặt và giới thiệu khách hàng kia trong một hội nghị nào đó thì đối với bạn, giờ đây vai trò của người giới thiệu kia đã gần giống như của một nhân viên kinh doanh. Điều này giúp ích rất nhiều trong việc tạo niềm tin to lớn của khách hàng mới đối với bạn. Vì vậy, hãy nghĩ nhiều đến yếu tố quảng bá hình ảnh của sản phẩm và dịch vụ của mình một cách sâu sắc hơn.

6. Thực hiện ngay bản cam kết đã có sẵn.

Nếu người giới thiệu khách hàng mới đã mô tả những đặc tính và lợi ích của sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn thì đó như là một lời cam kết bán hàng trước khi bạn biết mặt khách hàng mới. Việc còn lại của bạn là giao hàng và thu tiền về. Để đạt đến mức độ này, bạn phải làm việc nhiều với người giới thiệu, để cho họ biết những gì bạn thật sự sở hữu.

Nhìn chung, nếu người giới thiệu biết càng nhiều về bạn, cũng như tin tưởng về bản chất và doanh nghiệp của bạn, bạn sẽ có được nhiều người khách hàng mới dễ tính. Đừng quên giới thiệu với họ những điều mới lạ của công ty bạn và nhờ người ấy giới thiệu cho người khác.

Hãy luôn cố gắng đầu tư đủ thời gian và sức lực trong việc tìm cách mở những cánh cửa khác trong mối quan hệ cộng tác rộng lớn với những đối tác của mình. Làm như vậy bạn sẽ đạt được những gì mình hy vọng.

(DNSGCT)

Monday, August 11, 2008

“Bạn đang tặng cái gì vậy?” – Những thách thức về tiếp thị ở châu Á

Theo một nhóm các chuyên gia tiếp thị phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp châu Á của Wharton thì các công ty phương Tây đang tiến hành công việc kinh doanh ở châu Á, đặc biệt ở Trung Quốc, thì thường không phải đương đầu với một thị trường thuần nhất, cũng như những cách mà những người tiêu dùng đưa ra quyết định về cái họ mua thường không thể dự đoán được.

Cũng giống như những người tiêu dùng thuộc thế giới đã phát triển, nhiều người dân thành thị Trung Quốc đều có sự am hiểu về công nghệ và thoải mái tìm kiếm thông tin sản phẩm trên các trang web.

Nhưng không may là họ lại thường không có tính trung thành với thương hiệu và thường bị thay đổi do giá cả hơn là những nhận thức về chất lượng sản phẩm hoặc uy tín.

Hãy xem xét trong lĩnh vực mỹ phẩm. Ellene Hu, giám đốc tiếp thị chăm sóc da toàn cầu của Estee Lauder tại châu Á cho biết phụ nữ Trung Quốc sẽ sẵn sàng thanh toán cho những sản phẩm đắt tiền mà công ty cô bán. Nhưng họ cũng sẵn sàng chuyển sang một thương hiệu cao cấp khác nếu công ty đó đưa ra một quà tặng hấp dẫn hơn.

Vậy nên cô Hu đã nhận xét rằng: “Đối với mỹ phẩm, thị trường châu Á vẫn còn bị quảng cáo định hướng rất nhiều. ‘Bạn đang tặng cái gì vậy?’ luôn là một câu hỏi trong suy nghĩ của người tiêu dùng. Chúng tôi vừa mới phải vật lộn để làm sao làm được điều đó cũng như bảo đảm được uy tín cho thương hiệu của mình.”

Hơn nữa, theo lời cô Hu thì những người tiêu dùng châu Á, nước nào cũng vậy, đều có sự đón nhận nhiệt tình dành cho các thương hiệu phương Tây theo những mức độ khác nhau. Phụ nữ Nhật Bản có xu hướng thích dùng các nhãn hiệu Nhật Bản, khiến các công ty nước ngoài vô cùng tốn kém để thâm nhập được vào thị trường này. Trái lại, phụ nữ Hàn Quốc lại rất chuộng các thương hiệu phương Tây cho dù điều đó bắt đầu khiến các nhà sản xuất nội địa phải đầu tư khá nhiều vào tiếp thị và R&D.

Và như vậy: “Ở Trung Quốc, các thương hiệu Nhật Bản có thể có được một số thành công, và phụ nữ luôn sẵn sàng nhìn ngắm các thương hiệu phương Tây.”

Nhờ vào sự tăng trưởng kinh tế chóng mặt của Trung Quốc mà những người tiêu dùng tại đây cũng đang trở nên hiểu biết và sáng suốt hơn. Nhưng cho tới giờ họ vẫn không quảng cáo nhiều các thương hiệu và những kỹ thuật tiếp thị của phương Tây bằng những thứ tương tự của họ ở thế giới đã phát triển. Bởi thế nên trong giai đoạn điều tra, bằng việc thử những thương hiệu khác nhau, nhiều thương hiệu chỉ gần đây mới thâm nhập được vào quốc gia này. Vậy nên cô Hu đã lưu ý rằng: “Bạn sẽ thấy có những người con gái đưa mẹ của mình tới những quầy mỹ phẩm và nói với họ nên mua cái nào.”

Khẩu trang phẫu thuật của Louis Vuitton

Còn Fred Young, trưởng bộ phận châu Á của Swain Tours cho biết thêm: “Những người tiêu dùng Trung Quốc không hề trung thành với thương hiệu, nhưng họ lại biết rõ về thương hiệu. Trong suốt thời gian xảy ra dịch SARS, tôi đã thấy một số người mang khẩu trang phẫu thuật của Louis Vuitton. Thực sự tôi không tin đó là thực nhưng vẫn phải tin bởi một số người đã chấp nhận thương hiệu Louis Vuitton và muốn tranh thủ kết hợp nó luôn thể.”

Cho dù thế thì những người tiêu dùng ở Trung Quốc và cả ở những quốc gia châu Á đang phát triển nhanh nữa đều có xu hướng ít quan tâm tới những thương hiệu cao cấp hơn hàng hóa của họ ở phương Tây. Đơn giản đó chính là do vấn đề về tình trạng kinh tế. Mặc dù nhiều người tiêu dùng đang trải nghiệm một sự nâng cao đáng kể trong điều kiện sinh hoạt của mình nhưng họ vẫn thường so sánh sự nghèo khó tương ứng với những người ở thế giới đã phát triển.

Và theo Mike Booker, một đối tác chính của Bain & Co tại Singapore thì kết quả là: “Bạn đang nhìn thấy một sự trỗi dậy ở châu Á về cái mà chúng ta gọi là phân khúc ‘đủ tốt’ chính là việc đưa ra tính năng cơ bản về một chi phí có đủ khả năng. Và như thế, bạn sẽ có được những cái tương tự như bạn thấy ở những thị trường đã phát triển nhưng sẽ được đưa ra với một mức giá thấp hơn.”

Booker cũng lưu ý rằng dĩ nhiên, các phương pháp của những nhà tiếp thị sẽ khác nhau phụ thuộc vào chủng loại hàng hóa của họ. Một số chủng loại chiếm được ưu thế nhờ vào những yếu tố đủ tốt. Những cái khác, như mỹ phẩm hay sữa cho trẻ em, tự bản thân chúng vận động thành những sản phẩm đắt tiền tại những quốc gia đang phát triển ở châu Á, ngay kể cả như chúng thực hiện ở Nhật Bản, Mỹ và châu Âu.

Booker giải thích: “Không một ai muốn bị xem như tiếc của cho con của mình, bởi vậy sữa cho trẻ em rất đắt. Và khi giá cả tăng lên thì có nghĩa doanh thu cũng tăng lên. Điều này sẽ mãi luôn đúng với một sản phẩm đắt tiền, vì thế mà không có lý do gì để các công ty giảm bớt thị phần của mình bằng cách đưa ra những tiêu chuẩn ít tốn kém hơn.”

Trái với mỹ phẩm và sữa cho trẻ em đó chính là sô-cô-la. Mặc dù nhiều công ty đưa ra những sản phẩm sô-cô-la mức giá thấp ở những thị trường đã phát triển nhưng những hãng nổi tiếng như Hershey lại đang ngày càng cố gắng chuyển lên phân khúc cao cấp và thúc ép những người tiêu dùng lên theo. Ví dụ như năm ngoái, Hershey đã bán ra thị trường loại sô-cô-la cao cấp mang tên Dagoba Organic Chocolate.

Nhưng ở các thị trường châu Á, một dây chuyền chính sản xuất ra sô-cô-la như Nụ hôn của Hershey (Hershey's Kiss) đã có thể được coi như một sản phẩm cao cấp và các nhà sản xuất địa phương cũng bán không hề rẻ. Vậy nên Booker đã lưu ý: “Bạn có thể có một thanh sô-cô-la ba cent ở Inđônêxia. Đó chính là phân khúc đủ tốt. Còn đối với các tập đoàn đa quốc gia, phân khúc cao cấp ở đây vẫn còn rất nhỏ. Và khi đạt được điều đó thì nhà sản xuất sô-cô-la địa phương đã trở thành một công ty có doanh thu 5 tỷ đô la một năm.”

Young, người trước đây từng là một giám đốc nghiên cứu cấp cao cho Ủy ban 100, một tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào việc cải thện các quan hệ Trung Mỹ, đã cảnh báo rằng các thị trường châu Á nói chung và Trung Quốc nói riêng, đều có tính đa dạng lớn hơn, điều mà chính nhiều nhà tiếp thị phương Tây cũng phải thừa nhận.

Young giải thích: “Chẳng đâu như con người ở Trung Quốc. Như ở Thượng Hải, mọi người thích có một chiếc máy nghe nhạc MP3 riêng và một chiếc di động riêng. Còn ở các thành phố khác, mọi người đều muốn một thiết bị thôi. Ở Thượng Hải, mọi người đều muốn những thứ được nạp sẵn vào các máy nghe đĩa CD của mình. Nhưng ở miền nam, những ổ đĩa CD đã là tốt rồi bởi vì chúng rẻ hơn. Và thị hiếu có thể hoàn toàn khác nhau khi bạn xâm nhập dần vào các thành phố nhỏ. Mọi người ở đó thường vẫn không quan tâm lắm tới các thương hiệu nước ngoài.”

Booker của Bain cũng đồng ý như vậy và còn chỉ thêm rằng nhiều nhà sản xuất đang phải cố gắng để phù hợp được với những tiêu chuẩn theo thị hiếu địa phương. “Một hãng sản xuất sữa chua vừa mới giới thiệu một loại sữa có sự pha trộn giữa dưa chuột và quả kiwi do đã kiểm tra cẩn thận qua một số người tiêu dùng Trung Quốc, còn Colgate thì đưa ra loại kem đánh răng có hương vị trà xanh.”

Việc chơi quả bóng cứng

Theo John Hofheimer, giám đốc về hiểu biết thị trường và người tiêu dùng tại Hills Pet Nutrition, một bộ phận của Colgate Palmolive cho hay trong mười năm Colgate Palmolive hoạt động ở châu Á, họ đã có cơ hội phát triển được một sự hiểu biết sâu sắc về các khách hàng của mình cũng như thị hiếu của họ. Và trong khi đang còn là nhà sản xuất kem đánh răng cao cấp hàng đầu ở nhiều thị trường châu Á thì nó cũng đã phải chịu đựng một số thách thức trong thời gian đó.

Ví dụ như năm 2004, công ty này đã phải đối mặt với một sự khủng hoảng tiếp thị ở Trung Quốc khi các phương tiện truyền thông địa phương đã tung tin thuốc đánh răng của hãng gây bệnh ung thư. Một số sản phẩm của Colgate và của những công ty khác kể cả thuốc diệt khuẩn đều bị coi có triclosan.

Các quan chức ở Trung Quốc và cả ở nơi khác đã phải ra lệnh cấm sử dụng hóa chất đó, nhưng một nghiên cứu tại trường đại học ở Mỹ đã chứng minh rằng chất đó chỉ gây bệnh ung thư khi kết hợp với florua. Vì nghiên cứu của riêng hãng và những nghiên cứu do những nơi khác thực hiện nên Colgate Palmolive đã chắc chắn rằng những sản phẩm của hãng đều an toàn.

Hofheimer cho biết: “Ở Trung Quốc, việc nghiên cứu được tiến hành kỹ càng, và do đang dẫn đầu nhãn hiệu về kem đánh răng nên chúng tôi hoàn toàn đơn độc. Tất cả những tờ báo lớn đều đăng tải những câu chuyện nói rằng ‘Colgate gây bệnh ung thư’. Nhưng quan trọng nhất là quản lý của chúng tôi đã nói rằng: ‘Điều này không đúng, vì vậy hãy để cho nó tự qua đi.’ Nhưng trong vòng hai tuần, hoạt động kinh doanh của chúng tôi tại Trung Quốc đã giảm xuống 25%. Vì vậy, chúng tôi đã quyết định điều chỉnh nó bằng một chiến dịch tiếp thị rầm rộ. Và chúng tôi đã thật bất ngờ khi thiếu sự hỗ trợ của chính phủ. Chúng tôi đã hoàn toàn đơn độc.”

Hoàn cảnh của Colgate Palmolive đã trở nên trầm trọng bởi chính sự dàn xếp của các đối thủ cạnh tranh. Hofheimer đã lưu ý rằng: “Có một thủ đoạn tiếp thị ở châu Á được gọi là ‘những cô gái đưa chuyện’. Những phụ nữ trẻ được trả tiền để tiếp cận những người tiêu dùng bằng những câu chuyện và đưa ra những sản phẩm cho họ.

Những cô gái đưa chuyện này luôn kể với mọi người rằng kem đánh răng của chúng tôi gây ung thư.” Colgate Palmolive đã học được từ chính những sai lầm đó và họ sẽ nhanh chóng đáp trả lại nếu phải đối diện với một vấn đề tương tự như vậy ở châu Á trong tương lai. “Bởi không đáp trả ngay mà chúng tôi đã để lại ấn tượng xấu, mà chúng tôi lại không đủ đầu tư vào việc xây dựng mối quan hệ với chính phủ nước này.”

Theo cô Hu của Estee Lauder, một thách thức khác của những nhà tiếp thị phương Tây đang hoạt động tại châu Á là “thị trường xám”. Các công ty nổi tiếng với những nhãn hiệu cao cấp có thể muốn được thông cảm để thay đổi có cân nhắc khi tham gia vào các thị trường mới, việc nghiên cứu về giá cả một cách đầy đủ, xác định vị thế cùng các kênh phân phối.

Nhưng nếu chúng quá chậm, các nhà đầu tư địa phương sẽ bắt đầu bí mật xuất khẩu hàng hóa của họ ngay. “Lấy ví dụ ở Ấn Độ, chúng tôi đã không có được một thỏa thuận tiếp thị bán lẻ chính thức. Vì thế chúng tôi đã bán được các sản phẩm của mình cho nhiều người ở nơi khác cũng như bán được chúng trên thị trường xám.” Về lý thuyết, đó là phi pháp, nhưng những điều luật thường mờ nhạt trên những thị trường đang phát triển còn sức ép thì lại yếu kém.

Bất chấp sản phẩm hay vị thế của nó mà các công ty cần có những nỗ lực lớn hơn để nghiên cứu các thị trường châu Á cũng như những sở thích của người tiêu dùng địa phương trước khi gia nhập.

Booker cho biết: “Tôi đã bị sốc khi thấy một số bản nghiên cứu đó kém như thế nào. Nhiều người thực sự không biết điều gì sắp diễn ra trên thị trường dành cho các sản phẩm của họ. Nhưng điều đó có nghĩa rằng một công ty có hiểu biết có thể tiến hành theo bài bản và có được một lợi thế. Nhiều dữ liệu cơ bản vẫn chưa có sẵn ở Trung Quốc, vì thế bạn phải làm việc hết sức mình khá vất vả.”

Một hãng không phải tiêu tốn nhiều tiền hoặc thuê một nhà tư vấn để biết được kiến thức đó, cô Hu cho biết thêm. Như công ty của cô chỉ dựa vào những người lao động bản địa cùng sự hiểu biết quá rõ đặc tính riêng về thị hiếu và sở thích của các khách hàng của họ. Bản thân chính hãng Estee Lauder cũng tiến hành nhiều nhóm tiêu điểm với các khách hàng hiện tại và tiềm năng.

Và bất kể điều gì khác mà các nhà tiếp thị phương Tây tiến hành ở châu Á thì họ cũng cần chắc chắn rằng họ thuê được những đội ngũ nhân viên thuần thục cả tiếng Anh và tiếng bản địa hoặc ký hợp đồng được với những người phiên dịch thật giỏi, Young của Swain Tours cho biết.

Sau đó họ nên đưa ra các quảng cáo và tài liệu tiếp thị đặc biệt dành cho thị trường địa phương. Young cũng lưu ý rằng: “Bạn không thể chỉ thuê một ai đó và bảo dịch các quảng cáo ở nước Mỹ của mình được. Coke đã làm như vậy và khẩu hiệu của nó là ‘Coke bổ sung cho cuộc sống’ cuối cùng đã chuyển thành ‘Coke đưa tổ tiên của bạn từ cõi chết trở về’.”

(BwPortal)

Mục tiêu của thương hiệu

Nghiên cứu về các thương hiệu hàng đầu đã chứng tỏ rằng đặt ra một mục tiêu luôn luôn là yếu tố cơ bản cho thương hiệu.

Mục tiêu giúp tạo ra những giá trị vững chắc, biểu hiện qua những sản phẩm chất lượng cao, thu hút đựơc nhiều người sử dụng.

Các nhà tiếp thị trên thế giới vẫn còn tranh cãi về một vấn đề khá nổi cộm yếu tố quan trọng nhất trong xây dựng một thương hiệu mạnh là gì?

Có phải là chiến dịch quảng cáo rầm rộ? Hình thức phân phối thích hợp? Các nghiên cứu sâu sắc? Tất cả các yếu tố vừa nêu? Đã có nhiều câu trả lời khác nhau được đưa ra nhưng khó lòng xác định được đâu là lời giải đúng.

Tương tự như bất kỳ cuộc tranh luận về tiếp thị khác, cuối cùng người ta cũng đi đến một lời kết rằng những nhân tố thích hợp cho thương hiệu này thì có thể không phù hợp với thương hiệu khác. Những ai cẩn thận thì lại đưa ra một lời nhận xét chung chung đại lọai như “tất cả các yếu tố khác nhau trong tiếp thị tới người tiêu dùng phải được kết hợp lại với nhau tùy theo vị trí của từng thương hiệu”, một nhận xét tuy không sai nhưng lại thiếu chỉ dẫn cho những ai đang đi tìm những lời khuyên cụ thể trong xây dựng thương hiệu mạnh.

Theo ý kiến của Kartikeya Kompella, giám đốc kinh doanh của DM Agency hàng đầu ở Chennai, Ấn Độ, yếu tố quan trọng nhất để xây dựng thành công một thương hiệu mạnh chính là mục tiêu của thương hiệu (brand’s intent) và sự rõ ràng trong cách diễn đạt của thương hiệu ấy. Thoạt nghe thì có vẻ cũng mơ hồ không kém nhận xét vừa nêu ở trên nhưng thật ra ý kiến này có thể giúp ích rất nhiều cho những nhà quản lý thương hiệu.

Trước tiên hãy xem xét các thương hiệu thành công hiện nay. Trong giới doanh nghiệp vẫn truyền nhau câu chuyện về Levi Straus và cách thức xây dựng thương hiệu của ông. Levi đã thành công nhờ đặt ra mục tiêu luôn hoàn thành tốt những việc mình làm. Lọai quần jeans ông sản xuất luôn đảm bảo chất lượng cao và rất hợp với người tiêu dùng. Với mục tiêu rõ ràng như vậy, mọi việc về sau sẽ trở nên rất dễ dàng. (Tuy nhiên, đây chỉ là một câu chuyện kể về một thương hiệu đã được đơn giản hóa về quá mức và không chú trọng đến những khó khăn mà Levis chắc hẳn đã mắc phải trong quá trình họat động)

Walt Disney cũng là một trường hợp tiêu biểu. Mục tiêu đề ra của hãng này là mang đến những bộ phim giải trí dành cho gia đình. Trong suốt những giai đọan thành công cũng như những khi gặp khó khăn, Walt Disney luôn trung thành với mục tiêu đã đề ra và tận dụng tất cả những tiến bộ về kỹ xảo làm phim trong mọi thời đại để tạo ra những sản phẩm tinh thần có giá trị, và dần dần tên tuổi Walt Disney được ca ngợi trên tòan thế giới.

Nghiên cứu về các thương hiệu hàng đầu đã chứng tỏ rằng đặt ra một mục tiêu luôn luôn là yếu tố cơ bản cho thương hiệu. Mục tiêu giúp tạo ra những giá trị vững chắc, biểu hiện qua những sản phẩm chất lượng cao, thu hút đựơc nhiều người sử dụng.


Nhưng nói vậy liệu có nghĩa là những thương hiệu không thành công là những thương hiệu không có mục tiêu và giá trị rõ ràng hay không? Đó là một suy diễn hết sức sai lầm. Nhưng lại xảy ra một số trường hợp trong đó mục tiêu không được thể hiện một cách rõ ràng trong sản phẩm cũng như trong truyền thông và vì vậy, các nhãn hiệu không thể thành công được.

(Vietnambranding)

Cả công ty làm tiếp thị

Có một chân lý rằng: Không chủ doanh nghiệp nào có đủ thời gian trong ngày để làm hiệu quả tất cả những việc cần làm liên quan tới hoạt động kinh doanh.

Trên vai nhà quản lý là gánh nặng của rất nhiều công việc khác nhau, từ kế toán, hoạt động, công nghệ, IT, nhân sự, bán hàng và đương nhiên là cả tiếp thị nữa.

Và trong số đó, tiếp thị là nơi mà việc xây dựng một tập thể, sử dụng các nguồn lực nội bộ lẫn bên ngoài và uỷ thác hiệu quả sẽ luôn được đền đáp xứng đáng.

Thậm chí cả khi không có một nhân viên tiếp thị chuyên môn, các doanh nghiệp có thể dùng tới tất cả các nhân viên khác để làm tiếp thị. Trên thực tế, hầu hết các nhân viên trong doanh nghiệp đều có thể làm được điều gì đó hữu ích.

Nhưng trước khi lôi kéo toàn thể công ty vào những nỗ lực tiếp thị, mỗi doanh nghiệp cần xác định được chính xác những gì sẽ làm trong nội bộ và những gì giao phó cho các chuyên gia bên ngoài.

Khi quyết định những gì được làm trong nội bộ và những gì nên nhờ cậy một chuyên gia tiếp thị hay một dịch vụ tư vấn bên ngoài, 3 yếu tố quan trọng nhất đó là khối lượng công việc, kinh nghiệm và chuyên môn. Các nhân viên trong mỗi doanh nghiệp thường có xu hướng chuyên môn hóa, vì vậy các doanh nghiệp trước tiên phải xác định rõ khối lượng công việc của các nhân viên để xem liệu họ có thể giải quyết tốt các nhiệm vụ giao thêm hay không. Chắc hẳn các nhà quản lý doanh nghiệp không muốn thấy một nhân viên kế toán tham gia vào chiến dịch direct-mail để rồi bỏ sót nhiều hoá đơn thông thường.

Thứ hai, doanh nghiệp cần nhìn vào kinh nghiệm trong quá khứ của các nhân viên hiện tại. Với một nhân viên đã từng đảm trách giải quyết các mối quan hệ giao tế công cộng hay có kinh nghiệm làm báo, doanh nghiệp có thể muốn nhân viên này bắt đầu công việc xây dựng các mối quan hệ với báo chí. Sau đó, khi xác định được rõ hơn các thị trường mục tiêu và các giải pháp cụ thể, lúc này doanh nghiêp mới cần tuyển dụng một chuyên gia nhiều kinh nghiệm hơn để thực thi các nỗ lực toàn diện.

Nếu kế hoạch tiếp thị của doanh nghiệp là thích hợp và tập trung vào việc uỷ thác chỉ một vài nhiệm vụ tiếp thị mỗi ngày, đa phần các nỗ lực tiếp thị có thể được thực hiện trong nội bộ. Việc xác định rõ điều này là rất quan trọng.

Xuất phát từ việc tiếp thị được cấu thành từ nhiều thành phần khác nhau, việc mọi người cùng nhau làm việc, trải rộng các nhiệm vụ tiếp thị xuyên suốt công ty được xem như một cách thức thông minh để đạt được các mục tiêu tiếp thị nhanh chóng nhất.

Một khi doanh nghiệp đã quyết tâm sử dụng các nguồn lực nội bộ cho tiếp thị, điều tiếp theo cần quan tâm là các vài cách thức khác nhau để lôi kéo cả công ty làm tiếp thị:

Nhân viên lễ tân

Thông thường, tiếp xúc đầu tiên của khách hàng với doanh nghiệp là qua nhân viên lễ tân, vì vậy doanh nghiệp nên tập trung sự chú ý vào cách thức các khách hàng được chào đón.

Trong doanh nghiệp đã có các hướng dẫn về việc trả lời điện thoại và chúng có định hướng tiếp thị? Một điều chắc chắn rằng các công ty thành công hướng tới nhiều điều hơn ngoài đơn thuần lời chào khách hàng và ghi nhận tên công ty trước khi chuyển điện thoại. Có một vài cách mà nhân viên lễ tân có thể giúp đánh bóng hơn hình ảnh doanh nghiệp:

* Xây dựng những trả lời điện thoại mới, không mang tính chuẩn mực, góp phần giới thiệu các sản phẩm của tháng.

* Đưa ra những thông tin sản phẩm, các catalog hay thông tin đặt hàng tới tất cả khách hàng.

* Sử dụng thời gian rảnh rỗi để tự tay viết các tấm thiệp cảm ơn của doanh nghiệp gửi tới các khách hàng quan trọng.
Nhân viên kế toán

Nhiều doanh nghiệp có thể không nhìn vào phòng kế toán như một thành viên của tập thể tiếp thị, nhưng các hoá đơn khách hàng được thiết kế cá nhân hoá có thể tạo ra những ấn tượng lớn về hình ảnh kinh doanh. Có một vài cách để các nhân viên kế toán tham gia vào tiếp thị:

* Đưa các dữ liệu tiếp thị vào hoá đơn bán hàng.

* Tự tay viết các chú ý lên những bản thống kê hoá đơn.

* Cung cấp một đường dây nóng kế toán tới khách hàng.

* Tham gia trong các tour khách hàng và trong các liên minh bán hàng.

Nhân viên chuyên môn

Một vài doanh nghiệp thấy trước và loại trừ bất cứ sai lệch nào có thể phát sinh qua việc truyền tải thông tin giữa các nhân viên với nhau, chẳng hạn từ nhân viên bán hàng tới các nhân viên dịch vụ khách hàng, bằng cách để các nhân viên chuyên trách nói chuyện trực tiếp với khách hàng.

Ví dụ một hãng in ấn đã để các nhà thiết kế đồ hoạ nói chuyện trực tiếp với khách hàng về các hình ảnh và hoạ tiết trang trí. Những nhân viên thiết kế này thường thấy tự hào là một phần của quy trình tiếp thị, đặc biệt khi họ thực sự có khả năng trong việc cải thiện trải nghiệm khách hàng.

Nhân viên sản xuất và giao nhận

Đừng đánh giá thấp vai trò của các nhân viên trực tiếp sản xuất hay giao nhận sản phẩm, dịch vụ - họ biết rõ mọi thứ và có thể giúp đỡ doanh nghiệp tiếp cận trực tiếp khách hàng. Có một vài cách để các nhân viên này gây ấn tượng cho hình ảnh kinh doanh:

* Đính kèm một nhắc nhở việc đặt hàng tiếp trong bao bì sản phẩm.

* Đưa các nhân viên này tham gia vào các buổi họp bàn về đóng gói hay đề xuất ý tưởng.

* Giới thiệu bộ phận sản xuất và giao nhận trong các tour khách hàng.

* Nêu bật hồ sơ và năng lực các nhân viên này trong các thư newsletter của doanh nghiệp.

* Đưa một thông báo trong tất cả bao bì đóng gói, diễn giải rằng "“Sản xuất và Đóng gói với niềm Tự hào", kèm theo chữ ký của nhân viên.

Cho tất cả các nhân viên

* Để các nhân viên nghiên cứu về cạnh tranh hay nghiên cứu và tập hợp cơ sở dữ liệu khách hàng. Điều này đặc biệt hiệu quả với những nhân viên thường xuyên làm việc trên máy tính và thích lướt web.

* Sử dụng các nhân viên có kỹ năng đồ hoạ máy tính tốt mà thường không sử dụng được vào công việc hàng ngày khi doanh nghiệp cần một logo hay những hình ảnh sáng tạo giúp phát triển quảng cáo và tiếp thị. Các nhà quản lý doanh nghiệp có thể ngạc nhiên về mức độ nhiệt tình của các nhân viên này đối với nhiệm vụ được giao.

* Đưa ra các bản thông cáo báo chí về hoạt động của các nhân viên trong doanh nghiệp, chẳng hạn như các hoạt động tình nguyện, từ thiện cộng đồng.

* Đề nghị các nhân viên tham gia vào các buổi họp bàn tập thể về việc hoạch định các bước tiếp thị sáng tạo, hoạch định các giao tiếp khách hàng cũng như hoạch định sự kiện,.... Doanh nghiệp sẽ không cần tới những chuyên gia tiếp thị để có được ý tưởng tuyệt vời.

* Để các nhân gửi cái gì đó tới khách hàng trong thời gian rảnh rỗi. Đó có thể là việc giao một sản phẩm thực, gửi một tấm thiệp cảm hơn hay một món quà cụ thể.

Không có giới hạn nào cho những nỗ lực tiếp thị có sự tham gia của tất cả các nhân viên trong doanh nghiệp. Điều quan trọng là cần để các nhân viên thấy trước được mình sẽ tham gia ra sao và ở mức độ nào. Qua đấy, chiến dịch tiếp thị của doanh nghiệp sẽ tiến một bước dài, đồng thời cải thiện được hình ảnh kinh doanh trong con mắt khách hàng.

(BwPortal)

Bảy ứng dụng quan trọng của định giá thương hiệu

Ban đầu người ta phát triển các kỹ thuật định giá thương hiệu nhằm phục vụ cho các họat động liên kết và sát nhập.

Xác định được giá trị của thương hiệu sẽ giúp công ty tính được chính xác giá trị của toàn bộ doanh nghiệp. Kể từ đó công tác định giá đã góp thêm những phần quan trọng vào các kĩ thuật quản lí chiến lược.

Mối quan hệ với các nhà đầu tư bên ngoài

Nếu như trước đây giá trị thương hiệu chỉ được quan tâm trong họat động liên kết và sát nhập thì hiện nay nhiều công ty thành đạt lại muốn sử dụng nó để làm nổi bật thành tích kinh doanh của mình.

Theo đó, sức mạnh của thương hiệu sẽ được phản ánh vào trong giá trị cổ phiếu. (Ở nhiều thị trường, các tiêu chuẩn kế toán được điều chỉnh tương thích để ghi nhận thương hiệu như là một tài sản trong bảng cân đối kế toán)
Quản lí marketing nội bộ

Tại các công ty hàng đầu, định giá thương hiệu ngày càng trở thành công cụ quản lí đắc lực. Ví dụ: những số liệu liên quan đến giá trị của thương hiệu có thể được sử dụng để định giá cho sản phẩm mới lẫn những cơ hội phát triển thị trường, giúp thiết lập các mục tiêu kinh doanh, phân chia ngân sách đồng thời đánh giá thành tích và trọng thưởng cho chính nhân viên của họ.

Đề ra mức phí bản quyền trong nội bộ

Khi phần tiềm tàng của lợi nhuận tạo ra từ các thương hiệu ngày càng rõ ràng, càng có nhiều tập đòan muốn tính tiền bản quyền khi tiến hành nhượng lại quyền sử dụng thương hiệu đó cho các chi nhánh, công ty con của họ.
Nhượng quyền

Các công ty cần định giá thương hiệu của mình khi tiến hành nhượng quyền sử dụng thương hiệu cho các tổ chức bên ngoài sử dụng. Dựa vào đó, chúng ta có thể đưa ra mức phí bản quyền hợp lí.
Lập kế hoạch trả thuế

Khi thương hiệu được quản lí ngày càng phức tạp như các loại tài sản khác, chính phủ nhiều nước bắt đầu tìm cách thu về một phần ích lợi từ cách thức các công ty quản lí chúng. Vì vậy, ngày càng nhiều tập đoàn không bỏ qua bất kì cơ hội nào để điều chỉnh việc sử dụng các loại chi phí sao cho hiệu quả nhất đối với cấu trúc thương hiệu của mình đồng thời họ lập ra trong đầu chiến lược trả thuế cho từng thương hiệu đó.

Khoản bảo đảm

Có lẽ điều này rất lạ nhưng thực tế đến cả ngân hàng một nơi được xem là vô cùng thận trọng cũng công nhận giá trị của tài sản thương hiệu. Vì thế thương hiệu cũng có thể được sử dung để đảm bảo các khoản vay, đặc biệt ở Mỹ những công ty như Disney có thể vay một số tiền lớn chỉ bằng tên tuổi thương hiệu của họ.

Hỗ trợ khi xảy ra tranh chấp

Đó là những trường hợp sử dụng bất hợp pháp tên tuổi thương hiệu gây ra tổn thất cho công ty. Định giá thương hiệu giúp công ty tính toán phần thiệt hại để đòi hỏi được bồi thường. Mặt khác nó giúp tài sản kinh doanh của công ty tránh khỏi trường hợp bị định giá thấp hơn giá trị thực có.

(LantaBrand)