Saturday, December 27, 2008

Chỗ đứng của marketing trong thời kì suy thoái

Một trong những khoản hầu hết doanh nghiệp sẽ cắt giảm đầu tiên trong thời kỳ suy thoái kinh tế sẽ là chi phí marketing. Tuy nhiên chân lý không hẳn thuộc về đa số.


Dữ kiện khá bất ngờ trên do tiến sĩ Trần Mai Anh đưa ra tại hội nghị “Marketing 2009, xu hướng và giải pháp”, hội nghị do Thời báo kinh tế Việt Nam và AdMicro phối hợp tổ chức. 200 đại diện từ các doanh nghiệp với các diễn giả trong và ngoài nước là các chuyên gia trong lĩnh vực quảng cáo, truyền thông và đại diện doanh nghiệp đã đến tham dự hội nghị.

Tại phòng hội thảo cao cấp của Vinpearl Land (Nha Trang), hội thảo đã diễn ra trong hơn 7h với trình bày của gần 15 chuyên gia.

Trong bài tham luận của mình tại hội nghị, tiến sĩ Trần Mai Anh đã chỉ ra, trong khi hầu hết các doanh nghiệp đều có những phản ứng rất giống nhau trong thời kỳ suy thoái, thì đã từng có rất nhiều doanh nghiệp thành công khi tăng hoặc ít nhất giữ nguyên ngân sách cho hoạt động marketing. Trong số này có những nhãn hiệu rất quen thuộc như Pepsi, Walmart, P&G, …

Những câu chuyện trên có thể không mang tính phổ quát thì ít nhất cũng nói lên sự cần thiết của marketing ngay cả trong thời kỳ khủng hoảng.

Chú ý đến hiệu quả hơn

Marketing không thể thiếu ngay trong thời kì suy thoái, nhưng rõ ràng tính hiệu quả phải được chú ý hơn.

Vì thế không có gì đáng ngạc nhiên khi cả hai bài tham luận tại hội thảo lần này của hai đại diện đơn vị đồng tổ chức AdMicro đều tập trung vào ý kiến tư vấn cho doanh nghiêp về việc nâng cao tính hiệu quả của quảng cáo online.

Bà Phan Đặng Trà My, đại diện AdMicro, lưu ý các nhà quảng cáo cần chú ý đến việc tổ chức không gian quảng cáo sao cho hiệu quả khi tiến hành các chiến dịch quảng cáo trên các site.

Để đạt được điều này, cần lưu ý tới những yếu tố như định vị độc giả phù hợp. Nhà quảng cáo cần quyết định quảng cáo trên một trang đại chúng với lượng người truy cập lớn hay một trang chuyên ngành, lượng truy cập thấp nhưng chất lượng độc giả cao, không gian trang gồm những thương hiệu có giá trị tương ứng…

Cũng xuất phát từ khía cạnh mang tính kỹ thuật, đại diện báo Dân trí đã nêu lên những khuyến nghị đáng chú ý về quy luật thị giác, các thông số về chất lượng độc giả, những đối tượng mà các quảng cáo nhằm vào, hay nói cách khác là những người sẽ xem quảng cáo.

Quy luật: 1+ 1 = 1,1

Đề cập đến vấn đề độ phủ, ông Nguyễn Thế Tân, chuyên gia Internet, đưa ra công thức rất thú vị 1+1 = 1,1. Khi đặt quảng cáo trên hai trang không có nghĩa là nhà quảng cáo sẽ đạt được độ phủ bẳng tổng độ phủ của hai trang, vì độc giả của hai trang có thể sẽ có độ trùng lặp khá lớn. Đây là khía cạnh để các nhà quảng cáo cần lưu ý để tăng tính hiệu quả cho chi phí bỏ ra.

Bài trình bày của ông Tân nhận đựoc khá nhiều câu hỏi do đề cập đến một lớp các vấn đề khá rộng của thị trường online, từ độ đo hiệu quả cho đến các dự báo cho thị trường online 2009.

Một trong những vấn đề rất được các doanh nghiệp chú ý là vấn đề về ứng phó với khủng hoảng. Ông Tân đưa ra những khuyến nghị rất thiết thực với doanh nghiệp sự dụng internet ứng phó khi xảy ra khủng hoảng: Cần ứng phó nhanh. Nên chọn những trang báo lưọng truy cập có thể không phải rất cao, nhưng uy tín, để tăng tính xác thực; Tiếp theo nên chọn một kênh đại chúng để lấy độ phủ; Cần bài viết chất lượng để tăng tính lan truyền ….

Từ góc nhìn doanh nghiệp

Ông Huỳnh Tấn Vinh, Phó Tổng giám đốc Furama Resort, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng đã chia sẻ kinh nghiệp thực tế của Furama trong việc ứng phó với suy thoái kinh tế, với những hành động rất thực tế.

Furama đã chủ động điều chỉnh chiến lược marketing, sau khi đã định dạng lại nhóm khách hàng chiến lược. Ngân sách dành cho quảng cáo lên đến 250.000USD/năm, với một phần đáng kể đang được xem xét để chuyển sang marketing online.

Ngoài ra doanh nghiệp này còn chủ động liên kết với các doanh nghiệp khác trong lĩnh vực du lịch để tránh một cuộc chiến giảm giá.

Một khuyến nghị rất thú vị được đưa ra là trong thời kỳ này, Furama tranh thủ đào tạo kỹ năng nhân viên, nâng cấp cơ sở vật chất.

Source: CafeF

No comments:

Post a Comment