Wednesday, November 26, 2008

Đông Nam Á: Đích mới của trùm Murdoch

Murdoch từng chèo lái đế chế truyền thông hùng mạnh của mình vượt qua rất nhiều cuộc biến động trong chu kỳ kinh tế thế giới. Những bài học về sự bền bỉ trong cuộc đại suy thoái lần trước lần này đã đặt ông và News Corp. vào một vị trí rất thuận lợi nhằm tận dụng sự hỗn loạn để tiến xa hơn nữa.


Nội dung chính bài phỏng vấn

Trong khi vừa cảnh báo sự điêu đứng của nền kinh tế thế giới, Murdoch lại khẳng định tập đoàn của ông sẽ không có bất cứ một sự giảm tốc nào. Ông cho hay tại thời điểm này News Corp. rất dư dả về tiền bạc, và đang sẵn sàng khai thác bất cứ cơ hội nào do các công ty khác “vứt bỏ”.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn hiếm hoi này, Murdoch nói rõ rằng ông đang đặc biệt để mắt tới những khu vực mới ở Nam Mỹ trong khi vẫn duy trì mối quan tâm đối với Ấn độ và các nước Đông Nam Á.

Ông trùm rất ấn tượng với những tiềm năng về công nghệ mới và một thực tế thú vị là hàng năm khoảng 10 triệu người dân Châu Á được xếp vào tầng lớp trung lưu. Vì vậy ông muốn mở rộng công việc kinh doanh truyền hình trả tiền, đồng thời nhận thấy những triển vọng mới mở ra đối với lĩnh vực sản xuất phim và các chương trình truyền hình cũng như hệ thống điện thoại ở khu vực này.

Murdoch bác bỏ những dự đoán của các nhà phân tích về việc “biến mất” các loại báo giấy trong tương lai. Ông nói thêm mới chỉ vừa bắt đầu khám phá những tiềm năng của tờ The Wall Street Journal mà ông đoạt được năm ngoái.

Ông cũng cho hay sẽ nghiên cứu tỉ mỉ về chính quyền của tổng thống Mỹ mới đắc cử Barack Obama. Ông quan tâm về khả năng có thể bùng nổ chế độ bảo hộ nền công nghiệp ở Mỹ và những biện pháp thương mại trả đũa trong một bối cảnh kinh tế toàn cầu đang chững lại.

Với tâm lý của những người tiêu dùng mức trung bình ở phương Tây đang phản ứng trước những diễn biến phức tạp của nền kinh tế, Murdoch hy vọng rằng tình trạng kinh tế hiện nay sẽ sớm được khắc phục. Tuy nhiên, ông cũng đưa ra lời khuyên rằng người phương Tây phải học cách từ bỏ việc ghi chồng chất các khoản nợ và tốt hơn hết nên nghĩ tới việc phát triển một nền “văn hóa tiết kiệm”.

Đối với ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng phố Wall, Murdoch tin rằng một nửa số Quỹ Đầu tư Hợp tác (chủ yếu mua bán đầu cơ) sẽ bị xóa sổ vào cuối năm nay và số còn lại sẽ “nối gót” ngay sau đó. Dựa vào kinh nghiệm của riêng mình trong vai trò là một cổ đông, ông sẽ chấp nhận thực tế này thay vì cố gắng cứu vãn.

Không có cơ hội "làm ăn" ở... quê hương!

Phóng viên: - Ông nói rằng tập đoàn News Corp. (chủ sở hữu của Tờ The Australian) hiện đang giữ nhiều tiền mặt và sẵn sàng cho các thương vụ làm ăn? Vậy ông đang nhằm vào loại tài sản nào?

Murdoch: Hiện thì tôi không thể tiết lộ về các thỏa thuận làm ăn của chúng tôi. Tôi đang rất có một bất đồng nghiêm trọng với con trai tôi (James Murdoch, giám đốc điều hành News Corp tại Châu Âu và Châu Á) do một tuyên bố rằng chúng tôi đang nỗ lực hết sức cho những cái mà chúng tôi không bao giờ mua được. Đó là một câu chuyện nội bộ nhưng rồi lại được đăng tải trên Tờ the London.

- Lĩnh vực nào ông đang quan tâm?

Murdoch: Tôi sẽ tìm kiếm mọi cơ hội trên toàn thế giới, nhưng có lẽ tôi sẽ thiên về những lĩnh vực không phụ thuộc quá nhiều vào quảng cáo và dựa nhiều hơn vào việc đăng ký mua dài hạn. Tại Mỹ chúng tôi đã tạo ra sự bùng nổ về lĩnh vực truyền hình cáp. Các kênh truyền hình cáp nhận được nguồn thu từ các công ty truyền hình cáp và các công ty truyền hình cáp lại có được nguồn thu từ các hoạt động quảng cáo, tuy nhiên hoạt động quảng cáo lại ít quan trọng một phần là do sự pha trộn, như chống lại các chương trình truyền hình miễn phí mà chỉ có một nguồn thu duy nhất từ các hoạt động quảng cáo.


- Vậy ông nghĩ sao về bối cảnh truyền thông của Australia?

Murdoch: Rất tiếc là ở Australia không có cơ hội lớn nào trong lĩnh vực mà chúng tôi muốn mua hoặc được phép mua. Có những chương trình nhỏ mà bạn thích mua nhưng không được phép mua. Và điều này khiến cho Lachlan Murdoch - con trai lớn của tôi thất vọng vì nó muốn sống ở đây và làm theo ý thích của nó, nhưng nó thấy có rất ít cơ hội hấp dẫn trong ngành truyền thông ở đây.

Như vừa rồi, Hiệp hội người tiêu dùng và Cạnh tranh Australia có những quyết định rất kỳ lạ. Chúng tôi bị buộc phải dừng việc mua lại trang Seek.com.au – một trang web hàng đầu Australia về việc làm. Tôi thích nghĩ rằng chúng tôi có nhiều người dân bản xứ xung quanh và có thể khởi đầu những công việc kinh doanh mới mẻ. Chúng tôi rất tự hào vì đã làm được những điều tuyệt vời nhất cho tất cả mọi người – như kênh truyền hình Fox News chẳng hạn.

- Vậy ông đang dành mối quan tâm tới mạng truyền hình trả tiền?

Murdoch: Ở Mỹ, hiện chúng tôi mới chỉ bắt đầu xây dựng 2 kênh truyền hình cáp mới. Trong năm đầu tiên thì cả 2 kênh này đều làm ăn thua lỗ. Tuy nhiên, 1 kênh trong số đó đã dành được sự quan tâm của khán giả và trong 12 tháng tới sẽ thu được một khoản lợi nhuận nhỏ.

Nếu như anh quan tâm tới hãng truyền thông vệ tinh BskyB, thì sẽ thấy được chúng tôi khởi nghiệp nó từ con số 0. Mọi người cho rằng chúng tôi sẽ đi đến bờ vực phá sản và chúng tôi gần như đã bị như vậy. Nhưng hiện nay BskyB lại là một hãng truyền thông hàng đầu với hàng nghìn nhân viên. Doanh thu của BskyB rất lớn và còn tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.

Hiện giờ chúng tôi có tất cả 129 kênh truyền hình cáp có mặt ở khắp mọi nơi trên thế giới. Một số chỉ là những kênh truyền hình nhỏ. Nhưng chúng vẫn có đầy đủ các chương trình và dành được nhiều sự quan tâm thậm trí cả ở đất nước nhỏ bé như Bungari. Khu vực Nam Mỹ có mức tăng trưởng lớn, do ở đây người dân có nhu cầu rất lớn về các kênh truyền hình tiếng Tây Ban Nha.

Nam Mỹ, Đông Nam Á - đích mới của ông trùm

- Vậy theo ông cuộc khủng hoảng tài chính hiện giờ ảnh hưởng như thế nào tới lĩnh vực quảng cáo?

Murdoch: Các mục rao vặt mà chúng tôi đang có sẽ bị tác động không nhỏ, nhưng với mục quảng cáo trưng bày truyền thống thì vẫn rất ổn định trong mấy tuần vừa qua. Nhưng thẳng thắn mà nói, nền kinh tế thế giới hỗn loạn tới mức mà không một công ty nào có thể đưa ra được một bản kế hoạch phát triển dài hạn cả.

- Các giám đốc điều hành sẽ có phản ứng như thế nào với cuộc khủng hoảng này?

Murdoch: Họ sẽ xem xét kỹ công việc kinh doanh để tránh những rủi ro, và sẽ ngày càng thận trọng hơn khi đưa ra các quyết định. Và nếu như họ có một bản báo cáo kết quả kinh doanh mĩ mãn và nguồn tiền mặt dồi dào, như chúng tôi chẳng hạn, thì họ sẽ chờ đợi những cơ hội lớn. Ví dụ như khi tất cả các ngân hàng, các công ty hay người dân đồng loạt muốn bán tài sản, bán nhà thì phản ứng tự nhiên là giá trị của những tài sản ấy sẽ giảm xuống. Và tôi tin rằng trong truyền thông thì cũng sẽ có những cơ hội lớn như vậy.

- Những cơ hội ấy sẽ nằm ở đâu thưa ông?

Murdoch: Tôi cho rằng trong thời gian tới chúng tôi sẽ giảm sự ưu ái với thị trường ở khu vực Đông Âu. Ấn Độ là một thị trường đầy sức hấp dẫn. Ngoài ra chúng tôi sẽ để mắt tới các thị trường như Brazil và khu vực Đông Nam Á. Tôi tin rằng nếu như có một tầm nhìn kinh tế vĩ mô dài hạn thì anh sẽ thấy rằng ở khu vực Châu Á có những cơ hội phát triển đáng kinh ngạc.

Ở đó, hàng năm có 60 đến 100 triệu người thoát khỏi nghèo đói và tham gia và nền kinh tế thế giới. Trong 20 năm tới hoặc hơn những bước tiến vượt bậc ấy sẽ vẫn tiếp diễn. Tất cả điều này sẽ dẫn tới sự thịnh vượng, giàu có và tiến tới một thế giới toàn cầu hóa và tương trợ như thế giới mà chúng ta đang sống. Tuy nhiên cùng với những bước tiến vĩ đại thì sẽ xuất hiện rất nhiều vấn đề đau đầu.


Vẫn chưa tin Obama

- Theo ông, đâu là tác động của vị Tổng thống Mỹ mới đắc cử Barack Obama đối với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu?

Murdoch: Không ai có thể biết trước được dưới thời chính quyền Obama chuyện gì sẽ xảy ra, nhưng chính sách của Đảng Dân Chủ có thể sẽ là một bước lùi đối với tiến trình toàn cầu hóa. Tuy nhiên, các vị tổng thống thường không thực hiện đúng với những cam kết trong quá trình vận động tranh cử vì khi trở thành tổng thống họ bị ràng buộc bởi những sự kiện hay những tình huống thực tế xảy ra.

- Liệu kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ có thể “dập tắt” cuộc khủng hoảng này không?

Murdoch: Chắc chắn là không. Ở một vài khía cạnh, thì cuộc khủng hoảng này còn vượt quá cả tầm kiểm soát của các chính trị gia. Anh dễ dàng nhận thấy các chính trị gia luôn luôn bị hạn chế về việc mà họ có thể làm - họ có thể khiến một sự việc trở nên tồi tệ hơn chứ không thể dừng sự việc đó lại.

- Có phải ông cũng quan tâm tới những tiềm tàng của cuộc chiến thương mại do suy thoái kinh tế gây ra không?

Murdoch: Cả thế giới đang tranh cãi quyết liệt về mậu dịch tự do hơn và vòng đàm phán thương mại Doha. Tôi thì không mấy lạc quan về tiến trình đó nhưng chắc chắn thỏa thuận đạt được sẽ có lợi cho tất cả các nước trên thế giới. Cũng như giúp cho chúng ta vượt qua được cuộc suy thoái này nhanh hơn. Nhưng mặt trái của nó là có thể khiến công việc kinh doanh và thương mại chậm lại.

- Vậy còn những chính sách khác của Obama thì sao?

Murdoch: Theo tôi chính sách thuế thật “lố bịch”. Anh nghĩ xem ông ta sẽ làm thế nào để cắt giảm thuế của người dân Mỹ khi mà đưa ra đề xuất 95% dân số Mỹ sẽ được giảm thuế và 40% không phải đóng thuế (người già, trẻ em và một số đối tượng khác)? Hay anh có thể đưa cho người dân một tấm séc phúc lợi như những gì mà vị tân tổng thống đã hứa, 500USD, số tiền quá ít ỏi và sẽ hết ngay lập tức?

Dù Obama quả quyết rằng đang đưa ra những chính sách rất công bằng nhưng sự thật không phải như vậy. Sự thật chỉ là ông ta muốn tăng thuế cho những người có mức thu nhập trên 250.000USD/ năm.

Bài học: Không nợ ngân hàng một xu nào cả

- Vậy theo ông số phận của các Quỹ hợp tác đầu tư sẽ đi tới đâu?

Murdoch: Theo tôi một nửa số Quỹ hợp tác đầu tư sẽ biến mất vào cuối năm nay và có thể cuối năm tới thì tất cả các Quỹ hợp tác đầu tư sẽ biến mất hoàn toàn. Từ những kinh nghiệm của cá nhân tôi, với tư cách là một cổ đông, tôi ủng hộ việc biến mất của các quỹ này.

Họ đến và đưa đề nghị muốn mua lại công ty của chúng tôi, họ gây áp lực để buộc chúng tôi bán cổ phần nhưng chúng tôi đã cự tuyệt - trong khi hầu hết mọi người đều đồng ý. Vì vậy mà chúng tôi đã mua lại một lượng cổ phiếu lớn để đổi kênh truyền hình vệ tinh DirecTV cho 500 triệu cố phiếu.

- Tập đoàn News Corp trải qua nhiều khó khăn trong cuộc suy thoái lần trước. Vậy bài học gì mà ông học được từ đó?

Murdoch: Đó là vào khoảng những năm 1990 - lỗi của tôi. Trong nhiều năm, tôi chỉ vay tiền từ các ngân hàng vì khoản vay này rẻ hơn nhiều so với trái phiếu chính phủ. Và khi các ngân hàng o ép thì trong suốt nửa năm chúng tôi sống trong lỗi lo lắng. Chúng tôi đã không ngừng kinh doanh để làm ra tiền. Rắc rối của chúng tôi là đã chi tiêu vượt quá cả nguồn vốn kinh doanh.

Bài học là hiện nay chúng tôi không nợ ngân hàng một xu nào cả.

Hài lòng với thực tại, kỳ vọng vào tương lai

- Ông nhận định như thế nào về ngành công nghiệp điện ảnh và âm nhạc?

Murdoch: Ngành công nghiệp điện ảnh đang phát triển rất mạnh mẽ. Nghành công nghiệp âm nhạc vẫn sẽ phát triển nhưng với cách thức khác nhau. Các công ty âm nhạc sẽ tiếp tục phát triển nhưng quy mô sẽ nhỏ hơn. Mọi người sẽ thưởng thức âm nhạc nhiều hơn nhưng tiền sẽ chảy thẳng vào túi các nghệ sĩ.

Trong khi đó các công ty ghi âm sẽ tự hủy hoại mình khi tiếp tục đưa 20 ca khúc vào trong một CD và bán với giá 20 đô la nhưng người nghe chỉ muốn nghe một. Hiện nay, nếu muốn có được ca khúc yêu thích người nghe có rất nhiều cách để có nó hợp pháp và vẫn chi trả tiền. Điện thoại – đặc biệt là điện thoại di động – là một lĩnh vực rất rộng và tiềm năng. Các trang web sẽ biến đổi nhanh chóng. Chúng tôi đang có những khó khăn trong việc tìm cách kiếm tiền từ chúng. Và làm thế nào để đưa một chương trình quảng cáo vào tất cả những thứ đó.

- Có phải hiện ông rất hài lòng với tờ The Wall Street Journal?

Murdoch: Trong những ngày đầu, chúng tôi có tất cả 17 điểm in. Sắp tới chúng tôi dự định sẽ đóng cửa 10 điểm và thuê những tờ báo lớn vẫn còn công suất in dùm. Ví dụ tờ nhật báo Chicago Tribune sẽ in và phân phối các bản in giúp chúng tôi. Thông qua hình thức đó chúng tôi sẽ có được khoản tiết kiệm lớn.

Suốt 6 tháng qua The Wall Street Journal là tờ báo duy nhất có tổng số phát hành tăng đều đặn. Chúng tôi đang tạo ra nhiều sự thay đổi và rất hài lòng vì chất lượng phục vụ được nâng lên và có nhiều phản hồi tốt từ phía người đọc.

Trang web của The Wall Street Journal (http://online.wsj.com/public/us) cũng đã có được vị trí dẫn đầu. Đây là website duy nhất của một tờ báo trên thế giới mà người đọc phải trả tiền. Những người đăng ký sẽ trả nhiều tiền và họ còn phải trả nhiều hơn nữa nhưng đấy là do họ tự nguyện với mong muốn tờ báo sẽ ngày càng phát triển.

- Ông nhìn nhận như thế nào về tương lai của News Corp.?

Murdoch: Chúng tôi sẽ xây dựng hình ảnh một tập đoàn ngày càng năng động và sáng tạo. Chúng tôi sẽ tiến hành sản xuất phim, viết và biên tập báo giấy cũng như viết và biên tập sách nữa. Chúng tôi còn phải xây dựng các hệ thống phát hành nữa. Thực sự chúng tôi muốn hình ảnh của chúng tôi như là một tập đoàn hùng mạnh và đầy sáng tạo.

- Ông có lời khuyên gì cho những người mới bắt đầu khởi nghiệp không?

Murdoch: Trước tiên tôi muốn nhấn mạnh một điều: nếu như bạn khởi đầu sự nghiệp kinh doanh mà không có niềm đam mê thì sẽ không hay chút nào. Điều đó có nghĩa là, từng giây từng phút, bạn phải tập trung vào công việc, sẵn sàng từ bỏ sự xa xỉ và hy sinh cuộc sống gia đình. Hơn nữa, nếu làm kinh doanh chỉ vì nhìn thấy một cơ hội kiếm được ít tiền thì sẽ không đem lại kết quả tốt đẹp. Hãy luôn tin tưởng vào những việc bạn đang làm.

Mai Chi/By The Australian

No comments:

Post a Comment