Wednesday, October 29, 2008

Thương hiệu và giải thưởng

Nhiều doanh nghiệp khi quảng cáo thương hiệu hay tổ chức sự kiện luôn “nhắc” về các giải thưởng, danh hiệu mà họ đạt được hay việc họ được đứng vào một bảng xếp hạng nào đó. Một số doanh nghiệp còn sử dụng các danh hiệu, đánh giá của các cơ quan truyền thông nước ngoài để làm công cụ quảng bá.




Hiện nay có rất nhiều giải thưởng và danh hiệu dành cho doanh nghiệp, từ danh hiệu cấp nhà nước đến các giải thưởng của các cơ quan truyền thông. Sự phát triển về số lượng các giải thưởng có tác động tích cực là giúp các doanh nghiệp có thêm động lực phát triển sản xuất kinh doanh nhưng cũng để lại đôi điều suy ngẫm về chất lượng một số giải, về tiêu chí chấm giải, về vai trò và sự công tâm của ban giám khảo.

Những giải thưởng và danh hiệu được doanh nghiệp trân trọng thường có tiêu chí chấm giải rõ ràng, lộ trình cụ thể, đơn vị tổ chức uy tín và ban giám khảo là những người có kinh nghiệm và năng lực. Còn các giải thưởng mà vai trò ban giám khảo không rõ ràng, một số tiêu chí bình chọn định tính như “Tính đồng bộ trong chất lượng nhân lực” hay “Nhận thức khách hàng về năng lực đổi mới” rất khó đạt được sự đồng thuận trong ban giám khảo lẫn doanh nghiệp khi chấm giải, vì doanh nghiệp cũng không rõ mình sẽ được đánh giá như thế nào, chưa nói đến việc so sánh mình với các doanh nghiệp cùng ngành khác. Vì vậy, khó tránh khỏi việc một số giải thưởng, danh hiệu tạo ra ấn tượng không tốt là được ban phát theo chỉ tiêu, doanh nghiệp “biết trước” mình sẽ đoạt giải từ khi chưa có kết quả chấm giải.

Người tiêu dùng chỉ đánh giá cao các giải thưởng hay danh hiệu được tổ chức chấm giải nghiêm túc, khách quan và một điều không kém phần quan trọng để nâng cao thương hiệu của doanh nghiệp là sau khi đoạt giải tiếp tục phát triển chất lượng sản phẩm, dịch vụ.

Tuy nhiên, để cả doanh nghiệp và người tiêu dùng thật sự hưởng lợi từ sự phát triển của các giải thưởng, danh hiệu, các bảng xếp hạng, nên có một cách nhìn toàn diện hơn về mối quan hệ giữa thương hiệu với giải thưởng.

Theo Giáo sư Tôn Thất Nguyễn Thiêm: “Thương hiệu không phải là một chủ đề chỉ mang tính thuần túy thủ tục pháp lý, đăng ký hành chính, tổ chức tiếp thị hay kỹ thuật quảng cáo và trình bày hình thức logo, bao bì mẫu mã mà bản thân nó là cả một “sự kiện xã hội - kinh tế, văn hóa và tâm lý tổng thể””.

Nếu đồng ý với ý kiến trên, ta sẽ nhận ra rằng dù doanh nghiệp có nhận được bao nhiêu giải thưởng, chất lượng sản phẩm được ca tụng như thế nào, mà khi hoạt động chỉ chú trọng đến doanh số, lợi nhuận chứ không hề quan tâm đến việc bảo vệ lợi ích cho khách hàng, cho cộng đồng (những tiêu chí không có trong sổ sách kế toán), thì giải thưởng ấy sẽ không có giá trị giúp nâng cao giá trị thương hiệu. Khách hàng và xã hội đòi hỏi doanh nghiệp đoạt giải phải đóng góp tích cực vào sự minh bạch hóa thị trường, vào hoạt động bảo vệ môi trường và biết chia sẻ lợi nhuận với cộng đồng...

Thu gọn số lượng và nâng cấp chất lượng các giải thưởng sẽ có lợi cho nhà tổ chức về uy tín; sẽ giúp ban giám khảo chấm giải chứng tỏ kinh nghiệm, năng lực và sự công tâm; nâng cao giá trị của doanh nghiệp tham gia cũng như thương hiệu của họ và người tiêu dùng được hưởng lợi là có được nguồn thông tin thị trường đáng tin cậy.

VŨ ĐẶNG DƯƠNG - The Saigon Times

No comments:

Post a Comment