Tuesday, October 21, 2008

Chiến lược phát triển sản phẩm

Samsung tin rằng khi có được chiến lược xây dựng thương hiệu đúng đắn và đặc biệt là cải tiến sản phẩm tốt nhất, họ sẽ dẫn đầu. Và thực tế đã chứng minh điều đó…

Khác với những đối thủ như Sony và Apple, từ những năm 70, Samsung đã quyết định không phát triển các phần mềm bản quyền và các chương trình như âm nhạc, phim ảnh hay video game, vốn là thế mạnh của các công ty này.

Chiến lược của Samsung là tập trung vào phần cứng và các thiết bị, và cộng tác với các nhà cung cấp chương trình phù hợp.

Tuy nhiên, cho đến đầu những năm 90, sản phẩm của Samsung còn kém đa dạng, chất lượng không vượt trội và thiết kế chưa có sự khác biệt.

Với “Chương trình quản lý mới” năm 1994, cựu chủ tịch Samsung Lee Kun-Hee tin rằng với chiến lược xây dựng thương hiệu đúng đắn và đặc biệt là cải tiến sản phẩm tốt nhất, Samsung sẽ vươn lên dẫn đầu.

Đa dạng hoá sản phẩm

Nhiều công ty hàng đầu chỉ tập trung vào một loại sản phẩm nhất định, chẳng hạn Nokia tập trung vào điện thoại di động, Sony nổi tiếng với sản phẩm điện tử gia dụng, Intel tập trung sản xuất bộ vi mạch.

Trong khi đó, Samsung nghiên cứu phát triển nhiều loại sản phẩm và chính sự đa dạng hoá này đã làm nên khác biệt giữa Samsung với các đối thủ cạnh tranh. Tuy đã nhen nhóm từ những năm 80 nhưng sau “Chương trình quản lý mới”, định hướng này mới được cải tổ triệt để. Từ những năm 97, các sản phẩm của Samsung đa dạng và có chất lượng cao hơn.

Theo số liệu thống kê của Gartner Dataquest, IDC, Display Search, năm 2007, Samsung là nhà sản xuất hàng đầu thế giới của 13 mặt hàng gồm ti vi màu (17,8%), DRAM (27%), SRAM (32%), bộ nhớ NAND (38%), màn hình máy tính (16,8%)... và đứng thứ hai ở các mặt hàng như điện thoại di động (14,4%), máy in đa chức năng đơn sắc (20,8%)…

Những năm gần đây, Samsung càng đa dạng hoá sản phẩm hơn với việc bổ sung các mặt hàng như máy photocopy, máy ảnh, laptop…

Đổi mới sản phẩm kỹ thuật số

Vào cuối những năm 90, Samsung nhận ra sự chuyển đổi từ công nghệ điện toán (analog) sang công nghệ kỹ thuật số (digital) đã mang đến cơ hội mới nhằm đuổi kịp các đối thủ. Sáu năm sau, Samsung tạo ra một dòng chảy không ngừng các sản phẩm kỹ thuật số mới từ đội ngũ 17.000 nhà khoa học, kỹ sư, thiết kế làm việc tại các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) Samsung.

Sự đầu tư bằng cách thu hút và giữ các nhà khoa học tài năng đã mở đường cho Samsung tập trung vào các lĩnh vực chủ lực, mang đến một loạt các sản phẩm làm kinh ngạc các doanh nghiệp hàng đầu thế giới.

Khi phát triển sản phẩm kỹ thuật số, Samsung rất quan tâm đến tốc độ tung sản phẩm. Vì có thể biến một khái niệm trên bản vẽ thành hàng hoá  trong vòng năm tháng, Samsung có thể làm mới dòng sản phẩm nhanh gấp hai lần bình thường. Cựu Phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc tập đoàn Samsung Yun Jong-Yong gọi đây là “lý thuyết sashimi”.

Dù có đắt đến đâu, sashimi chỉ ngon nhất khi còn tươi, để một ngày thì món ăn trở nên kém ngon, rẻ tiền, và để thêm một ngày nữa thì đành vứt bỏ. Yun giải thích: “Trong thời kỳ điện toán, những hãng đi sau rất khó đuổi kịp. Giờ sang kỷ nguyên số, tốc độ sẽ quyết định tất cả và hàng tồn kho cũng như sashimi để lâu, luôn có hại”.

Cải tiến quy trình

Samsung cũng nhận ra 80% chi phí sản xuất và chất lượng sản phẩm được quyết định trong giai đoạn đầu khi phát triển sản phẩm. Vì thế, công ty lập ra phòng VIP (Value Innovation Project), là nơi mà trong vòng ba tháng sẽ hình thành các quá trình lập kế hoạch cho sản phẩm, nghiên cứu thị trường, thiết kế, tiếp thị và phân phối.

Các kỹ sư và thiết kế hàng đầu của Samsung được đưa đến phòng VIP để hoàn thành một nhiệm vụ phát triển sản phẩm quan trọng nào đó. Mặt khác, Samsung cũng tạo ra hệ thống chiến lược lập trình sẵn thời gian biểu chặt chẽ cho mọi hoạt động sản xuất. Chẳng hạn mỗi năm, sau khi nhân viên đưa ra ý tưởng mới về mẫu mã sản phẩm (tháng 3, 4) thì giám đốc chi nhánh sẽ trình lên hội đồng quản trị (tháng 5, 6).

Ba ý tưởng xuất sắc nhất sẽ được lựa chọn làm sản phẩm chiến lược của công ty trong năm kế tiếp. Áp dụng nghiêm túc thời gian biểu này, mọi bộ phận, phòng ban có thể hợp tác chặt chẽ với nhau để cho ra đời các mẫu sản phẩm mới tốt nhất.

Trong chiến lược phát triển sản phẩm, bên cạnh việc cho ra đời các mẫu mã mới, Samsung luôn đầu tư vào R&D. Không một công ty công nghệ nào, kể cả Intel, Microsoft hay Sony đầu tư nhiều vào R&D như Samsung. Tỷ trọng dành cho R&D trong tổng doanh thu tăng dần từ 7,4% năm 2001 lên 9,4% năm 2007 với 6,3 tỉ USD.

Việc Samsung hiện có mặt tại 171 địa điểm thuộc 61 quốc gia và vùng lãnh thổ, cũng như vươn lên vị trí 21 toàn cầu với giá trị thương hiệu đạt gần 17,7 tỉ USD (theo bảng xếp hạng 100 thương hiệu hàng đầu mới nhất của Interbrand vào tháng 9.2008) chứng tỏ các kế hoạch đầu tư vào sản phẩm mới của Samsung rất chiến lược và dài hạn.

Theo SGTT

No comments:

Post a Comment