Cơn chao đảo tại thị trường chứng khoán phố Wall đã khiến ngành quảng cáo Mỹ lâm vào tình cảnh “chó cắn áo rách”.
Bởi lẽ thị trường này vốn đã không mấy yên ả, nay càng thêm ngả nghiêng và chắc không còn hy vọng nào có thể cứu vãn cho một năm ế ẩm.
Tài chính ngân hàng là lĩnh vực được quảng cáo nhiều thứ ba tại đại lộ Madison, hay còn được mệnh danh là Trung tâm quảng cáo của nước Mỹ.
Nó chỉ đứng sau các quảng cáo về ôtô và các sản phẩm bán lẻ (như các mặt hàng tiêu dùng). Nhưng cách đây một năm, lĩnh vực này đã loạng choạng do cuộc khủng hoảng tín dụng.
Con số lợi nhuận thu được từ quảng cáo tài chính ngân hàng từ con số hàng chục của 3 quý đầu năm 2007 xuống thành con số 0 tròn trĩnh trong năm 2008.
Kinh tế Mỹ khủng hoảng, thị trường quảng cáo đóng băng
Sự khủng hoảng kinh tế bất ngờ của Mỹ đã khiến ngành quảng cáo nước này xuống dốc trầm trọng. Hậu quả của cuộc khủng hoảng tín dụng vẫn còn đang ăn sâu vào nền kinh tế toàn cầu, khiến cổ phiếu của các công ty Mỹ rớt giá thảm hại, đặc biệt là các công ty truyền thông.
Hiện giá cổ phiếu của các công ty truyền thông có giá thấp hơn nhiều so với cổ phiếu của các công ty thuộc lĩnh vực công nghệ. Giá cổ phiếu của Walt Disney Co. giảm 5%; Time Warner Inc. giảm 8%; Viacom Inc. giảm 21%; CBS Corp. giảm 47%. và thậm chí hùng mạnh như News Corp. cũng giảm 39%.
Trong cơn khủng hoảng này, tập đoàn bảo hiểm AIG đã phải huỷ bỏ tất cả quảng cáo với khẩu hiệu “Tập đoàn bảo hiểm lớn nhất Thế giới, AIG cùng bạn phát triển vốn” của họ. AIG đã thoát chết trong tích tắc, nếu không có sự giúp đỡ của chính phủ Mỹ, tập đoàn bảo hiểm này sẽ phải tuyên bố phá sản.
Không may mắn như AIG, tập đoàn Lehman Brothers Holdings Inc (LEH) đã tuyên bố phá sản vào thứ hai tuần này. Cái chết của LEH kéo theo một loạt quảng cáo của tập đoàn. Không chỉ ảnh hưởng đến ngành quảng cáo, LEH phá sản là cơn địa chấn với hệ thống tài chính và nền kinh tế của nước Mỹ.
Không ai mua quảng cáo, không ai xem quảng cáo
Jon Swallen, phó giám đốc của trung tâm nghiên cứu thị trường truyền thông TNS cho biết:
“Cuộc khủng hoảng tại phố Wall không chỉ làm rung chuyển thị trường quảng cáo tại thời điểm hiện tại mà nó còn có thể kéo dài sang năm sau. Vấn đề tôi đề cập là sau những cuộc khủng hoảng kéo dài, những vụ phá sản của các tập đoàn tài chính hàng đầu, những người có tiền có còn đủ tự tin mang tiền của mình đầu tư vào các công ty tài chính?
Đến lúc đó, quảng cáo mãi chỉ là quảng cáo, chẳng ai tin quảng cáo cả vì sự thật là các công ty tài chính và ngân hàng đang khủng hoảng".
Ông nói thêm: “Kinh tế khó khăn, các công ty tài chính và ngân hàng sẽ phải chắt chiu hơn cho các khoản chi phí. Họ bó hẹp ngân sách dành cho quảng cáo là điều dễ hiểu. Thị trường quảng cáo sẽ lại tiếp tục đóng băng vì không có cả người đăng quảng cáo lẫn người xem quảng cáo”
Charlie Armstrong, giám đốc quảng cáo của AIG thừa nhận: “Chúng tôi phải dừng tất cả quảng cáo ở cấp độ tập đoàn, tuy nhiên những quảng cáo của các công ty con vẫn được tiếp tục như bình thường. Đây không phải là thời điểm thích hợp để rêu rao thông điệp của tập đoàn vì trên thực tế chúng tôi đang rất khó khăn”. Năm ngoái, AIG dành cho quảng cáo 118,7 triệu đôla Mỹ, chủ yếu là quảng cáo trên truyền hình.
Đại diện của tập đoàn đã phá sản LEH từ chối mọi cuộc phỏng vấn nhưng theo tiết lộ của TNS, số tiền LEH chi cho quảng cáo năm ngoái là 1, 2 triệu đô la, một con số khá khiêm tốn và chỉ bằng một nửa so với năm 2006.
Merrill Lynch & Co, tập đoàn tài chính hàng đầu phố Wall vừa bị bán cho ngân hàng Bank of America Corp, cũng có quỹ dành cho quảng cáo lên tới 37,1 triệu đôla Mỹ. Phó giám đốc về vốn của Merrill, David Deacon nói:
“Cho đến thời điểm này vẫn chưa có gì thay đổi trong chiến lược quảng cáo của chúng tôi. Chúng tôi chưa chắc về kế hoạch trong vài tháng tới khi chuyển về Bank of America Corp. Kế hoạch quảng cáo mới vẫn đang được bàn bạc thêm”.
Hãng Merrill chủ yếu quảng cáo bằng báo in như trên The Wall Street Journal, The Financial Times hay The Economist.
Jon Swallen so sánh sự sụp đổ của Lehman và Merrill chỉ như “muối bỏ bể” vì ngân sách dành cho quảng cáo của những công ty này không quá lớn. Nhưng AIG thì ngược lại. Chính phủ Mỹ không thể để chuyện AIG phá sản xảy ra. Nếu thế, không chỉ ngành quảng cáo mà còn cả nền tài chính nước Mỹ hùng mạnh cũng phải chao đảo. Nền kinh tế toàn cầu vì thế cũng sẽ không được yên ả.
Quảng cáo cho cải cách kinh tế của các ứng viên tổng thống "vớ bở"
Trong khi thị trường quảng cáo đang đóng băng, giá cổ phiếu của các công ty truyền thông liên tục giảm thì vẫn còn một số hãng truyền thông sống sót, thậm chí còn “ăn nên làm gia”. Đó là các kênh truyền hình và các tờ báo về kinh tế chính trị.
Những khủng hoảng kinh tế khiến người dân Mỹ nhìn nhận cuộc bầu cử tổng thống một cách nghiêm túc hơn. Người Mỹ quan tâm tới kinh tế hơn lúc nào hết trong chiến dịch tranh cử của các ứng viên.
Họ tìm kiếm, chờ đợi các bản tin tài chính trên truyền hình, các bài bình luận nhận xét về tình hình kinh tế của các tờ báo uy tín… Hai ứng cử viên tổng thống lại tiếp tục đổ tiền vào việc quảng cáo cho các chính sách cải cách kinh tế của mình. Các kênh truyền hình và các tờ báo về kinh tế chính trị bỗng nhiên đắt khách.
Brian Steel, đại diện của hệ thống truyền hình cáp CNBC đã từ chối bình luận về thông tin cho rằng lợi nhuận từ quảng cáo của kênh truyền hình này đang tăng lên. Tuy nhiên ông cũng không phủ định việc doanh thu của kênh tài chính của CNBC đã có mức tăng trưởng hai con số vào 6 tháng đầu năm 2008. Hơn nữa vào tháng 7 năm nay, số người xem CNBC đạt mức cao nhất trong lịch sử của đài này. Còn tỉ suất người xem CNBC tháng 8 là con số cao nhất từ năm 2002.
Tuy vậy, khán giả của CNBC không thể giúp cho công ty mẹ của nó là General Electric Co. (GE) cải thiện được giá cổ phiếu. So với tầm này năm ngoái, giá cổ phiếu của GE đã giảm 31%. Đây cũng là thực trạng chung của các công ty truyền thông.
(Vietnamnet)
No comments:
Post a Comment