Thursday, July 17, 2008

Văn hóa tiếp thị: 1001 kiểu... cần xem lại!

Người thì đến tặng quà theo kiểu đòi nợ, người "chăm sóc khách hàng" theo trường phái... "lưu manh". Kẻ cư xử với nghệ thuật thậm vô văn hóa. Chuyện vẫn xảy ra hàng ngày!


Chuyện người cho



Buổi trưa, cả khu tập thể vắng lặng trong giấc ngủ trưa, người mẹ trẻ tranh thủ thư giãn vài phút sau một hồi đánh vật với đứa con quấy khóc, cuối cùng nó cũng chịu ngủ. Đột nhiên có tiếng gõ cửa dồn dập cùng tiếng nhốn nháo của một nhóm người. Đứa trẻ bị đánh thức lại khóc váng lên, người mẹ trẻ nhăn nhó bế con lên dỗ dành.


Nhóm người bên ngoài có vẻ thiếu kiên nhẫn bèn gọi toáng: "Bác ơi! Cô ơi! Anh chị ơi!... Ai ở trong nhà ra nhận quà nào!". Người mẹ ôm con chạy ra: “Có việc gì vậy?”.

Nhóm người mặc đồng phục tay cầm giấy bút lăm lăm, miệng nói liến thoắng, không để ý đến đứa trẻ đang khóc sa sả và gương mặt khó chịu của mẹ nó: “Chúng em ở công ty… đang có chương trình khuyến mãi sản phẩm, mời chị và gia đình dùng thử sản phẩm của bọn em”.


Hai mẹ con chưa kịp phản ứng, đội đồng phục lại tiếp tục bắn liên thanh: “Tên họ đầy đủ của chị là gì? Số điện thoại bao nhiêu? Nhà có mấy người? Đang dùng sản phẩm gì? Đã biết loại sản phẩm… của công ty chúng em chưa? Đây là sản phẩm tốt, có tính năng rất cao...”


Người mẹ hết kiên nhẫn, mặt mũi cau có, lạnh lùng: “Xin lỗi! gia đình tôi không dùng sản phẩm này, xin các bạn đi cho con tôi ngủ”. Đội đồng phục dường như vẫn không để ý, tiếp tục bắn liên thanh át tiếng khóc trẻ con, cố dúi vào tay người mẹ gói quà bằng nửa hộp diêm: “Bọn em có chút quà mời chị dùng thử, chị ký nhận vào đây cho em…”.


“Xin lỗi! Tôi không cần quà, đừng làm phiền tôi nữa!” Người mẹ gắt lên, cửa đóng sập lại. Bụp! Món quà được ném vào nhà qua cửa sổ, sượt qua má đứa trẻ. Mặt mẹ đỏ bừng, thêm một nhãn hàng xuất hiện trong danh sách chị tẩy chay.

Chuông cửa vang lên dồn dập. “Các anh tìm ai?” “Chị mở cửa cho chúng tôi vào nhà!” “Xin lỗi! Các anh là ai?” “Chị cứ mở cửa cho chúng tôi…” “Gia đình tôi không biết các anh, nếu không có việc gì, mời các anh đi cho!”


“Chúng tôi là nhân viên bảo dưỡng bếp ga, chị mở cửa cho chúng tôi kiểm tra bếp!” “Bếp nhà tôi mới mua, không có vấn đề gì cần bảo dưỡng cả, mời các anh đi!” “Không được! Chúng tôi phải kiểm tra độ an toàn của bếp. Chị mở cửa ra!” “Các anh là người ở đâu, công ty hay cấp có thẩm quyền nào, cho tôi xem giấy tờ?” “Chúng tôi ở cửa hàng ga X…” “Nhà tôi vẫn dùng ga cửa hàng Y… thôi mời anh đi!” “Không được! Ga của cửa hàng đấy không tốt, chị phải để chúng tôi vào kiểm tra!” “Các anh đi hay tôi gọi công an phường?”. Cửa đóng.


Tại một ngôi nhà gần đó. “Chúng cháu chào bác! Chúng cháu là nhân viên bảo dưỡng bếp ga, đến kiểm tra bếp miễn phí cho gia đình” “Quý hóa quá! Các anh vào đây!” “Bác dùng bếp loại gì? … loại này không tốt, bác phải dùng loại…, mua ở cửa hàng… Bình ga nhà bác màu gì? Bác không nên dùng bình màu nhũ, nên dùng màu xanh… Thôi thế bác nhé, chào bác!” “Ơ, thế các anh không bảo dưỡng bếp à?” Thôi bác ạ, có gì bác gọi đến số điện thoại này nhé!” “Số điện thoại của các anh đấy à, sao dán khắp nhà tôi thế này? Thế số cũ đâu mất rồi?” “Chúng cháu bóc đi rồi bác ạ, lần sau bác gọi số mới này nhé, chào bác!”

Chuyện người nhận


Tại một ngã tư, dòng người chờ đèn đỏ đông nghịt. Một nhóm thanh niên hồ hởi len lỏi giữa dòng người, miệng nhanh nhảu cười nói không ngớt: “Cháu chào chú, em chào anh… chúng em là sinh viên trường… sắp tới chúng em sẽ kết hợp với câu lạc bộ… tổ chức một chương trình ca nhạc từ thiện, xin gửi anh chị cặp vé tham gia chương trình của chúng em”.


Miệng nói, các cô cậu sinh viên vừa liến thoắng dúi vào tay những người đi đường cặp vé làm từ giấy photocopy có ngày giờ địa điểm diễn rất hồ hởi. Chỉ có điều, cứ khoảng 10 cặp vé được đưa ra, lại có đến 5 cặp… bị ném ngay xuống đất hoặc vo viên nhàu nhĩ ngay trước mặt các nhà tổ chức trẻ.


Những công dân thành phố quá bận rộn, họ đâu có thì giờ quan tâm đến những kiểu văn nghệ cây nhà lá vườn sinh viên, cũng như chẳng buồn giữ cặp vé làm bằng giấy photocopy ấy làm gì, ném đi cho đỡ bận tay.


Thế nhưng không nản lòng, nhóm sinh viên vẫn hồ hởi tiếp thị, tặng vé, ai không cầm thì vé được nhét vào giỏ, khung xe. Người cho cứ cho, người vứt cứ vứt. Sau vài tiếng cả một ngã tư đường trắng xóa giấy. Cách đó một đoạn, người lao công đang quét rác…

...

Một đoàn nghệ thuật đỏ đèn diễn một vở không mới, không ăn khách lắm, nhưng cần diễn đủ chỉ tiêu.


Các nghệ sĩ trong đoàn được giao nhiệm vụ phân phối giấy mời, sao cho buổi diễn được đông đảo. Vé mời, ai cũng xin bằng được, được càng nhiều càng tốt. Các nghệ sĩ cũng thở phào vì giải quyết xong nhiệm vụ một cách nhanh chóng.

Đã quá giờ mở màn, khán giả vẫn lèo tèo dù lượng vé mời phát ra khá lớn. Nhiều người xin chục vé đi được hai vợ chồng. Những người khác xin vé chỉ vì “xin được thì cứ xin”, rồi ném vào thùng rác. Đêm diễn vắng vẻ, cả nghệ sĩ và những người muốn xem thực sự ngậm ngùi…
(VietnamNet)

No comments:

Post a Comment