Wednesday, July 09, 2008

Doanh nhân dưới lăng kính văn hóa

Khi kinh doanh trở thành một nghề thực sự, được trọng vọng trong xã hội, thì những chuẩn mực đạo đức, văn hoá của doanh nhân hiện đại cần được xác lập. Đó là:

- Chủ nghĩa yêu nước và ý thức công dân. Nói đến doanh nhân là nói đến khát vọng làm giàu, nhưng trước khi là doanh nhân thì họ phải là một công dân yêu nước. Một doanh nhân yêu nước phải biết kết hợp lợi ích cá nhân với lợi ích của đất nước. Chúng ta phải tôn vinh những người làm giàu chính đáng, bởi chính họ đem đến sự thịnh vượng cho đất nước.


- Các giá trị nhân bản. Doanh nhân là những người trực tiếp tổ chức, điều hành và quản lý quá trình vận hành của nền kinh tế, tức là quá trình sáng tạo và nâng cao các giá trị vật chất cho xã hội. Chính sứ mạng và vai trò đó khiến doanh nhân có một vị trí đặc biệt. Họ có nhiều điều kiện hơn trong việc tiếp cận các nguồn lực, nguồn tài nguyên và tài sản vật chất của xã hội. Vì thế, hơn ai hết, họ phải là những người ý thức sâu sắc về những giá trị nhân bản, điều sẽ tạo nên tính cân đối trong đời sống.


- Quan hệ xã hội. Bên cạnh các hoạt động kinh doanh thuần túy, các doanh nhân, với tư cách là những người có tiềm lực về vật chất trong xã hội, cần có trách nhiệm đóng góp vào các hoạt động chung. Doanh nhân phải đóng thuế đầy đủ và minh bạch, đồng thời tuỳ theo khả năng mà tham gia các hoạt động xã hội. Cũng nên hiểu rằng đó cũng là cách đầu tư dài hạn, bởi lẽ một xã hội phát triển ổn định và phồn vinh, có trình độ tổ chức và văn hóa cao, sẽ là điều kiện cần thiết để hoạt động kinh doanh thuận lợi.


- Vai trò chính trị. Cùng với sự khẳng định của kinh tế thị trường, vai trò của doanh nhân cũng tăng lên. Đã đến lúc doanh nhân cần phải có tiếng nói của mình trong đời sống chính trị - xã hội của đất nước. Vai trò chính trị của doanh nhân thể hiện tập trung nhất thông qua vai trò người tham mưu cho nhà nước về đường lối, chiến lược và sách lược kinh tế. Với tư cách là những người trực tiếp hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế, hiểu biết sâu sắc thị trường trong nước và thế giới nắm được các xu thế phát triển trên thế giới, đồng thời có quan hệ rộng rãi với các đối tác kinh tế và cả chính trị ở nước ngoài, các doanh nhân có thể đề xuất các giải pháp, đồng thời đóng vai trò cầu nối cho nhà nước trong các quan hệ đối ngoại.


- Tri thức kinh doanh: Tình trạng kinh doanh manh mún, chụp giật, thậm chí phi pháp của một số kẻ trong thời gian vừa qua, ngoài các lý do khách quan như hệ thống luật pháp lạc hậu, tình trạng quan liêu và tham nhũng tràn lan... còn có lý do chủ quan là kiến thức kinh doanh của doanh nhân quá thấp. Một số lượng đông đảo doanh nhân hoạt động tự phát, hoàn toàn không hiểu biết những kỹ năng thông thường, đó là chưa kể đến những kiến thức liên quan về pháp luật, môi trường và văn hóa... Tuy nhiên, kỹ năng và kiến thức cũng mới chỉ là những gì có thể học được trong các cơ sở đào tạo. Để trở thành một nhà kinh doanh giỏi còn phải có tinh thần sáng tạo. Hiệu quả kinh doanh chính là thước đo tính đúng đắn của các giải pháp, cũng chính là thước đo tài năng của doanh nhân.


- Khả năng hợp tác và cạnh tranh quốc tế. Đó là phẩm chất không thể thiếu của nhà kinh doanh hiện đại. Chúng ta đang sống trong một thời đại mà không một cá nhân hay quốc gia nào có thể đứng ngoài xu thế toàn cầu hóa. Hợp tác tốt có nghĩa là có nhiều lợi thế và do đó có nhiều cơ hội chiến thắng trong cạnh tranh.


Cuối cùng, điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là hoạt động kinh doanh liên quan, thậm chí động chạm đến lợi ích - cả vật chất lẫn tinh thần - của nhiều người, nhiều tầng lớp trong xã hội, nên cần phải được điều chỉnh trên những cơ sở mang tính văn hóa. Những tiêu chuẩn văn hóa kinh doanh một mặt buộc doanh nhân tuân theo những tiêu chuẩn nhân bản phổ quát, mặt khác phải tạo cho doanh nhân một không gian tự do để hơn động có hiệu quả. Một nền văn hoá kinh doanh như vậy sẽ góp phần để nền kinh tế Việt Nam cùng cả nước hội nhập vào đời sống kinh tế chính trị toàn cầu.

Nguyễn Trần Bạt – Chủ tịch HĐQT Investconsul Group

No comments:

Post a Comment