Tuesday, June 24, 2008

Nghiên cứu thị trường

Ý tưởng tuyệt vời của bạn có thể là tuyệt vời thực sự--nhưng vẫn có việc cần làm thêm nữa. Đây là cách tìm ra xem bạn đã sẵn sàng để khởi nghiệp kinh doanh chưa.

Đâu đó giữa ý tưởng bạn vội vàng viết trên tờ nháp với việc bạn khởi nghiệp kinh doanh thực sự có một quy trình bạn cần thực hiện để quyết định xem doanh nghiệp của mình về cơ bản sẽ thành công hay thất bại. Nhiều khi các doanh nhân khởi nghiệp quá tự tin và hứng thú với sự tưởng tượng về thành quả các ý tưởng của mình và quên mất việc cần phải tìm hiểu xem liệu ý tưởng của mình có thực tế không.

Dĩ nhiên đôi khi ý tưởng vẫn mang lại kết quả tốt cho dù không cần nghiên cứu thị trường. Nhưng rất nhiều khi ý tưởng không hiện thực và thương mại hóa được, hoặc làm doanh nghiệp đi lệch hướng. Chúng tôi muốn giúp bạn tránh những trường hợp này ngay từ đầu. Việc nghiên cứu thị trường là việc cần làm để doanh nghiệp đi đúng hướng tới mục tiêu.

Giai đoạn ý tưởng

Đối với một số doanh nhân, việc có ý tưởng và tưởng tượng đến các khả năng mang lại thành quả là việc dễ dàng. Tuy nhiên việc nghiên cứu thị trường thì lại không được tự nhiên như vậy. “Sẽ có vấn đề khi ai đó phác thảo quy mô thị trường hàng tỷ đô la, nhưng lại không có kế hoạch rõ ràng cho việc ý tưởng sẽ đáp ứng thị phần nhu cầu chưa được đáp ứng nào trên thị trường.”

Doanh nhân thường quá nhiệt huyết với ý tưởng của mình nên dễ bị lạc mục tiêu. Thay vì dành thời gian lập kế hoạch và nghiên cứu thị trường, các doanh nhân thường bắt tay ngay vào các hoạt động kinh doanh, đôi khi phí phạm đồng tiền quý báu khi khởi nghiệp vào các hoạt động không tập chung hoặc không được định hướng.

Nghiên cứu thị trường có thể giúp bạn xác định tiềm năng ý tưởng của mình. Bạn có thể thu thập thông tin từ các hiệp hội, báo chí, tạp chí, thống kê chuyên ngành, các ban ngành chính phủ có liên quan, tìm kiếm thông tin trên mạng, tham khảo các dịch vụ tư vấn .v.v. Việc dành vài giờ đọc thông tin chuyên ngành và tìm kiếm trên mạng có thể là bước khởi đầu cho bạn hiểu về thị trường của mình. Mục tiêu của bạn là có được cảm nhận chung về nhóm khách hàng mà sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn định phục vụ, hoặc ít ra thì bạn cũng đang đi tìm hiểu về nhóm khách hàng tiềm năng đó. "Ví dụ nếu tôi không biết trang web kinhdoanh.com này có hấp dẫn với các nhà đầu tư chứng khoán cá thể hay không, tôi sẽ đi hỏi một vài nhà đầu tư chứng khoán cá nhân."

Kế hoạch nghiên cứu của bạn cần nêu ra mục tiêu nghiên cứu và thông tin bạn cần để quyết định nên tiếp tục ý tưởng của mình, cần điều chỉnh lại hay hoàn toàn phải suy nghĩ lại về ý tưởng này. Hãy tạo ra một danh sách các câu hỏi bạn cần được trả lời sau khi nghiên cứu, và lập kế hoạch trả lời những câu hỏi này. Hãy tham khảo các chuyên gia hoặc tham gia một khóa đào tạo ngắn về cách nghiên cứu. Việc này sẽ giúp bạn biết phương pháp nghiên cứu nào là phù hợp nhất, mẫu nghiên cứu thống kê sẽ phát triển thế nào, cách viết câu hỏi, và nguồn thông tin nào khách quan và đáng tin cậy.

Loại thông tin bạn cần thu thập sẽ phụ thuộc vào loại sản phẩm hoặc dịch vụ bạn muốn bán cũng như mục tiêu nghiên cứu của bạn. Bạn có thể dùng kết quả nghiên cứu của mình để xác định thị trường tiềm năng, xem xét mức cạnh tranh, hoặc đánh giá tính hữu dụng và định vị sản phẩm, dịch vụ của bạn trên thị trường. Ví dụ nếu sản phẩm của bạn hữu hình, nếu bạn có thể đưa khách hàng tiềm năng xem, sờ vào sản phẩm mẫu thì đây là cách thu thập thông tin vô cùng quý giá. Nếu sản phẩm của bạn vô hình, hãy miêu tả càng chi tiết càng tốt về sản phẩm của bạn cho khách hàng tiềm năng nhằm hỗ trợ trong giao tiếp khi thu thập dữ liệu từ khách hàng.

Phân tích

Khi phát triển thương hiệu, bạn cần đánh giá ý tưởng kinh doanh từ bốn nhóm khác nhau: công ty, khách hàng, đối thủ cạnh tranh và người cộng tác. Cách này giúp chúng ta đánh giá ý tưởng kinh doanh trước khi phát triển thương hiệu.

* Công ty. Hãy nghĩ về ý tưởng của bạn từ khía cạnh các tính năng của sản phẩm sẽ mang lại cho khách hàng, từ tính cách và nhiệm vụ của công ty, thông điệp chủ chốt và cam kết cơ bản của bạn chuyển tới khách hàng là gì.

* Khách hàng. Có ba nhóm khách hàng khác nhau bạn cần xem xét liên quan tới ý tưởng của bạn: người quyết định mua (người đưa ra quyết định mua hoặc ký quyết định mua và thanh toán), người ảnh hưởng (cá nhân, tổ chức hoặc nhóm người ảnh hưởng tới quyết định mua), và người sử dụng cuối cùng (cá nhân hoặc tập thể sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn).

* Đối thủ cạnh tranh. Cũng có ba nhóm đối thủ cạnh trang khác nhau bạn cần xem xét: chủ yếu, thứ yếu và thứ thứ yếu. Vị trị của mỗi nhóm đối thủ cạnh tranh này dựa vào mức độ thường xuyên doanh nghiệp của bạn sẽ cạnh tranh với họ và cách bạn biến đổi thông điệp của mình tới mỗi nhóm đối thủ cạnh tranh này.

* Nhóm cộng tác. Hãy nghĩ tới các cá nhân hoặc tổ chức có quyền lợi khi bạn thành công nhưng không nhất thiết là được trả tiền hay thu lợi trực tiếp từ những thành công của doanh nghiệp bạn. Ví dụ như các hiệp hội ngành, đơn vị truyền thông, và các tổ chức khác bán mặt hàng khác cho nhóm khách hàng của bạn.

Một cách nghiên cứu khác là sử dụng phân tích SWOT, nghĩa là phân tích điểm mạnh của ngành, sản phẩm hoặc dịch vụ và doanh nghiệp tương lai của bạn, điểm yếu sản phẩm (như kém về thiết kế), dịch vụ (như giá cao) của bạn; các cơ hội phát triển và tăng trưởng cho các sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn và các mối đe dọa tiềm năng (như tình trạng nền kinh tế.) Phân tích SWOT giúp bạn hiểu điểm mạnh và điểm yếu của bạn, xem xét từ những thông tin nội bộ như sự quan liêu về hành chính nội bộ, việc phát triển sản phẩm, và chi phí các yếu tố bên ngoài như tỷ giá hối đoái, chính trị, văn hóa .v.v. Phương pháp nghiên cứu này giúp doanh nhân xác định xem sản phẩm, dịch vụ của mình có tồn tại được trên thị trường hiện tại.

Cho dù bạn áp dụng cách nghiên cứu nào để đánh giá ý tưởng của mình, hãy luôn nhớ đến các mục tiêu nghiên cứu của bạn. Với các mục tiêu luôn đặt lên đầu, phân tích của bạn sẽ giúp bạn phát hiện xem ý tưởng của mình có thiếu xót gì cần điều chỉnh không.

Nghiên cứu các đối thủ cạnh tranh

Giả sử việc nghiên cứu thị trường đã giúp bạn tìm ra các đối thủ cạnh tranh, thì giờ bạn cần phải xem các đối thủ cạnh tranh đang hoạt động ra sao. Hãy tự biến mình thành khách hàng của đối thủ cạnh tranh để bạn có thông tin về các sản phẩm và các hoạt động của họ Đến tận nơi mua hàng, xem trang web của đối thủ cạnh tranh, trò chuyện với các khách hàng của đối thủ cạnh tranh về những điểm gì khách hàng thích và không thích về sản phẩm của đối thủ cạnh tranh. Hỏi thêm các khách hàng này thường mua các sản phẩm hoặc dịch vụ đó ở đâu? Tại sao?

Mục tiêu của bạn là hiểu xem các đối thủ cạnh tranh của mình đang hoạt động thế nào để mình có thể làm tốt hơn thế. Có thể họ có dịch vụ kém, sản phẩm có lỗi và bạn chỉ biết được khi chính mình sử dụng sản phẩm, dịch vụ của họ. Hoặc có thể bạn sẽ tìm ra cách vận hành tốt hơn, thông minh hơn và tiết kiệm chi phí hơn. Hãy tìm ra điểm hấp dẫn sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn hấp dẫn khách hàng mua hàng. Đây chính là điểm mấu chốt trong chương trình tiếp thị sản phẩm của bạn.

Sau tất cả các giai đoạn – từ có ý tưởng, phân tích ý tưởng, cạnh tranh – bạn có thể phát hiện ra ý tưởng của bạn (hy vọng rằng đó không phải là ý tưởng của đối thủ cạnh tranh) có lỗ hổng. Có nghĩa là bạn phải bỏ đi tất cả và quay lại suốt đời làm nhân viên làm thuê ư? Không hoàn toàn như vậy, đôi khi bạn chỉ cần thêm tài nguyên vào những lỗ hổng này.

Có thể thật đau lòng khi bạn đã dành X giờ cho giai đoạn ý tưởng, cộng X giờ cho việc nghiên cứu thị trường – cuối cùng phát hiện ra rằng bạn chưa được thực sự sẵn sàng khởi nghiệp do ý tưởng chưa phù hợp với thị trường. Nhưng đừng nản chí, hãy dành thời gian tìm hiểu lý do tại sao ý tưởng của bạn chưa phù hợp. Không doanh nhân khởi nghiệp nào muốn nghe rằng “đứa con tinh thần” của mình bị lỗi hoặc không phù hợp, nhưng chỉ có cách lắng nghe và chỉnh sửa phù hợp theo những phản hồi, doanh nhân đó mới tạo cơ hội cho ý tưởng của mình thành công. Hãy tự hỏi chính mình, liệu điểm yếu của ý tưởng này có thể vượt qua không? Nếu bạn không thể tạo giá trị thực cho khách hàng và doanh nghiệp của mình, thì đây là lúc cần từ bỏ ý tưởng này.

Mặc dù nhiều ý tưởng chỉ đơn giản cần điều chỉnh thêm. Trước khi bạn lo lắng và lập lại tờ nháp về ý tưởng của mình, hãy cân nhắc kỹ lưỡng xem liệu bạn có thể biến ý tưởng này thành công không. Luôn có một lý do ban đầu nào đó dẫn bạn tới ý tưởng này. Hãy xem xét kỹ lý do đó. Đôi khi một số ý tưởng tưởng chừng không hề hiện thực sau khi bạn nghiên cứu thị trường, nhưng cuối cùng lại mang lại thành công rất lớn. Đôi khi bạn xem lại một ý tưởng và nghĩ rằng thành công chẳng qua là do may mắn, nhưng bạn sẽ thấy rằng sáng lập viên đã nhìn thấu được tiềm năng rất rõ ràng của ý tưởng và thị trường. Việc nhìn rõ được thị trường là điểm dẫn doanh nhân này tới thành công. Có nhiều ý tưởng được coi là rất kém và không khả thi, nhưng khi nghiên cứu kỹ về ý tưởng đó sẽ phát hiện ra khách hàng và viễn cảnh doanh nghiệp đó đáng để chấp nhận rủi ro và tiến hành.

Khi nào ý tưởng của bạn sẵn sàng được thực thi

Việc nghiên cứu thị trường bạn thực hiện là tín hiệu tốt cho bạn biết có nên tiến hành tiếp theo với ý tưởng của bạn không. Một yếu tố quan trọng cần cân nhắc là giá bán. Bạn muốn sản phẩm hoặc dịch vụ của mình mang tính cạnh tranh và thị trường có thể chấp nhận được. Đối với các sản phẩm có đối thủ cạnh tranh “gần”, bạn nên áp dụng giá so sánh tương đối so với đối thủ cạnh tranh. Khi đưa ra giá cao hơn đối thủ cạnh tranh, ý tưởng của bạn cần phù hợp và quan trọng với khách hàng để có thể vượt qua khoảng cách giá giữa ý tưởng của bạn và đối thủ cạnh tranh. Nếu giá cao, bạn có thể hạ giá nhưng rất khó nâng giá. Bạn cần chắc chắn rằng sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn mang đủ giá trị so với mức giá bạn đặt ra. Có thể bạn nên thử các mức giá khác nhau và điều chỉnh mức phù hợp nhất với thị trường sau đó.

Bạn cần bán hàng cho thị trường mục tiêu của bạn. Kế hoạch và ngân quỹ tiếp thị của bạn cần bao gồm cả chiến lược phân phối được tính toán kỹ lưỡng. Nếu bạn bán sản phẩm trên mạng, hãy dành ngân quỹ cho các phương tiện đại chúng nhằm đưa khách hàng tiềm năng tới trang web bán hàng của bạn. Nếu bạn bán hàng qua hệ thống phân phối bán lẻ, bạn cần nhân viên có kinh nghiệm trong ngành giúp bạn tiếp cận nhóm thị trường mục tiêu của mình.

Hãy nhớ, luôn tìm sự giúp đỡ mỗi khi có thể và từ càng nhiều nguồn càng tốt. Hãy tạm dẹp cái tôi của mình sang bên, để tạo ra doanh nghiệp không chỉ để tồn tại, mà để phát triển và thành công. Nếu bạn có ý tưởng, đừng sợ phải điều chỉnh, tư duy lại. Bạn càng nghiên cứu sâu trước khi tiến hành hoạt động, thì về sau bạn càng đỡ phải làm hơn, và các bài học sau này đỡ đau đớn hơn.

Khởi Nghiệp

Hãy sử dụng những nguồn tài nguyên trực tuyến và phi trực tuyến dưới đây để đánh giá xem ý tưởng của bạn có thực sự tuyệt vời không.

* Biểu mẫu miễn phí về đánh giá ý tưởng và quy trình nghiên cứu thị trường trên Kinhdoanh.com giúp bạn xác định ý tưởng của mình có phù hợp không.

* Xem cách tạo Kế hoạch Tiếp thị giúp bạn có chiến lược cho các hoạt động tiếp thị của mình.

* Trang thông tin của bộ và sở kế hoạch đầu tư các thành phố trung ương và tỉnh, cục thống kê có thông tin và thống kê giúp bạn định lượng thị trường.

* Phòng Công nghiệp và Thương mại, hiệp hội chuyên ngành, hiệp hội kinh doanh có các thông tin phù hợp với ngành nghề của bạn.

* Tra cứu trực tuyến bằng Google với từ khóa bằng tiếng Việt và tiếng Anh liên quan tới ngành nghề, sản phẩm hoặc dịch vụ bạn quan tâm.

* Tạp chí, sách báo chuyên ngành và thông tin kinh tế tại các trang web thông tin về ngành nghề của bạn.

* Tham khảo và tham dự các hội chợ theo lịch có liên quan tới ngành của bạn.

VicBrand tổng hợp từ Kinhdoanh

No comments:

Post a Comment